Tại sao các bệnh giết chết trẻ em lại gia tăng trên toàn thế giới?

27/01/2025 - 09:06

PNO - Sốt xuất huyết, tả và đậu mùa khỉ đã quay trở lại dữ dội, cướp đi sinh mạng hàng ngàn trẻ em, làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ ở các quốc gia nghèo đói và khu vực xung đột, nơi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và hệ thống y tế thiếu thốn.

Một người mẹ đang bế con trai khi cậu bé được tiêm thuốc hàng ngày trong quá trình điều trị bệnh mpox tại trung tâm y tế Kavumu ở vùng Kabare, khu vực Nam Kivu, CHDC Congo, vào thứ Ba, ngày 3 tháng 9 năm 2024. (Bloomberg qua Getty Images)
Một bé trai được tiêm thuốc điều trị đậu mùa khỉ tại trung tâm y tế Kavumu ở vùng Kabare, Cộng hòa Dân chủ Congo - Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Năm 2024 chứng kiến ​​sự gia tăng đáng báo động của bộ 3 bệnh tật gây tử vong ở trẻ em có thể phòng ngừa hoặc kiểm soát. Thế nhưng, dường như thế giới đã thất bại khi số trẻ em tử vong vì 3 căn bệnh này lại tăng kỷ lục.

Sốt xuất huyết, tả và đậu mùa khỉ (mpox) đã quay trở lại dữ dội, cướp đi sinh mạng hàng ngàn trẻ em. Với hệ miễn dịch yếu hơn, trẻ em đặc biệt dễ bị nhiễm trùng và thường có biến chứng tử vong.

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đa diện này đã làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ ở các quốc gia nghèo đói và khu vực xung đột, nơi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và hệ thống y tế thiếu thốn.

Tiến sĩ Revati Phalkey - giám đốc y tế và dinh dưỡng toàn cầu tại Save the Children International - cho hay: “Hiện nay, khoảng một nửa dân số thế giới không được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, chất lượng và giá cả phải chăng...".

Trẻ em Bangladesh mắc bệnh sốt xuất huyết đang nghỉ ngơi tại một khoa ở Bệnh viện và Cao đẳng Y khoa Mugda ở Dhaka vào ngày 8 tháng 8 năm 2019. (Ảnh AFP)
Trẻ em Bangladesh đang điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện và Cao đẳng Y khoa Mugda ở Dhaka - Ảnh: AFP

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết đã tăng đột biến đáng báo động vào năm 2024. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi từ 6,65 triệu ca năm 2023 lên 13,3 triệu ca năm 2024. Tổng số ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết trên toàn cầu năm ngoái là 9.600 ca. WHO ước tính hiện có khoảng 4 tỉ người có nguy cơ mắc các loại virus liên quan đến sốt xuất huyết.

Tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, một số vùng của châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribe, sốt xuất huyết đặc biệt phổ biến. Các khu định cư không chính thức ở những khu vực này thường thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản để quản lý chất thải, nước thải hoặc nước sạch.

Những điều kiện trên tạo ra môi trường sinh sản màu mỡ cho muỗi và bệnh dịch lây lan. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao liên quan đến biến đổi khí hậu đã mở rộng phạm vi môi trường sống của muỗi...

Theo Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebereyesus - Tổng giám đốc WHO, sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết là "xu hướng đáng báo động" với 5 tỉ người có nguy cơ bị nhiễm bệnh vào năm 2050.

Một phụ nữ và trẻ em ngồi bên ngoài lều trú ẩn cho người Palestine phải di dời ở Rafah, phía nam Dải Gaza vào ngày 8 tháng 2 năm 2024, trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas của Palestine. (Tệp AFP)
Một phụ nữ và trẻ em bên ngoài lều trú ẩn cho người Palestine phía nam Dải Gaza - Ảnh: AFP

Sốt xuất huyết không phải là mối nguy hiểm duy nhất. Ở Yemen, Sudan và Gaza, nơi xung đột chính trị đã khiến hàng ngàn người phải di dời và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng, bệnh tả đã trở thành mối đe dọa lớn đối với cả người lớn và trẻ em.

Do vi khuẩn gây chết người lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm, bệnh tả là một hậu quả khác của tình trạng vệ sinh kém. Bệnh gây mất nước nhanh chóng thông qua tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

Một số cơ quan của Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao tại các trại tị nạn quá tải trên khắp Trung Đông và Bắc Phi - nơi các hộ gia đình phải di dời không có đủ nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp.

Tại Sudan, tính đến tháng 11/2024, WHO đã báo cáo hơn 37.514 ca bệnh tả trên khắp cả nước và ít nhất 1.000 ca tử vong. "Chúng ta phải hành động quyết liệt để giải quyết các đợt bùng phát cũng như đầu tư vào các hệ thống y tế hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu mà trẻ em và các gia đình dễ bị tổn thương ở Sudan đang rất cần" - Sheldon Yett, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Sudan - cho biết trong một tuyên bố.

Một nhân viên chăm sóc sức khỏe đang chăm sóc một bệnh nhân trẻ tại một trung tâm điều trị bệnh tả ở bang Gedaref, Sudan, tháng 11 năm 2024. (Ảnh do UNOCHA / Yao Chen cung cấp)
Nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân tại một trung tâm điều trị bệnh tả ở Sudan, tháng 11 năm 2024 - Ảnh do UNOCHA / Yao Chen cung cấp

Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc cung cấp vắc-xin và nước sạch, các đợt bùng phát ở các vùng xung đột đã khiến bệnh khó có thể kiểm soát. Sự sụp đổ của các dịch vụ vệ sinh đã khiến hàng triệu trẻ em dễ bị mắc bệnh.

Dù tổng số ca mắc bệnh tả trên toàn thế giới đã giảm 16% vào năm 2024, số ca tử vong do căn bệnh này lại tăng vọt tới 126% .

Một cuộc khủng hoảng sức khỏe khác đe dọa trẻ em trên thế giới là đậu mùa khỉ. Virus này tái phát vào năm 2024, gây ra hậu quả tàn khốc trên khắp châu Phi, trong đó trẻ em phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất.

Trước đây, mpox là một căn bệnh hiếm gặp nhưng hiện đã trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đáng kể với hàng ngàn ca nhiễm được báo cáo, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tiến sĩ Robert Musole, giám đốc y khoa của bệnh viện Kavumu, thăm những bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh mpox tại làng Kavumu, cách Bukavu 30km về phía bắc ở miền đông CHDC Congo vào ngày 24 tháng 8 năm 2024. (Tệp AFP)
Tiến sĩ Robert Musole - giám đốc y khoa của bệnh viện Kavumu - thăm những bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh đậu mùa khỉ, tại Cộng hòa Dân chủ Congo - Ảnh: AFP

Mpox lây truyền qua tiếp xúc với người và động vật bị nhiễm bệnh, dịch cơ thể và vật thể bị nhiễm bệnh, gây sốt, phát ban, tổn thương đau đớn, từ đó có thể dẫn đến viêm phổi, mù lòa. Dù có thể kiểm soát bằng vắc-xin nhưng vắc-xin đậu mùa khỉ vẫn còn khan hiếm ở một số vùng của châu Phi.

Trẻ em ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mpox. Khoảng 75% các trường hợp nhiễm bệnh là trẻ dưới 10 tuổi.

hân viên y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh tả cho một đứa trẻ ở thị trấn Maaret Misrin thuộc vùng phía bắc do phiến quân kiểm soát của tỉnh Idlib, tây bắc Syria vào ngày 7 tháng 3 năm 2023. (AFP)
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh tả cho trẻ em ở tây bắc Syria - Ảnh: AFP

Ở các quốc gia thu nhập thấp, đặc biệt là những quốc gia đang trong thời kỳ xung đột, hệ thống chăm sóc sức khỏe cực kỳ dễ bị tổn thương, với đội ngũ nhân viên y tế quá tải, thuốc men thiếu hụt...

“Chúng ta cần nhiều khoản đầu tư toàn cầu hơn để xây dựng các hệ thống y tế vững mạnh, các dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là vắc-xin và thuốc thiết yếu, đồng thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu bao gồm các vấn đề mới nổi như mpox.

Đã đến lúc các chính phủ và cộng đồng quốc tế phải hành động, đảm bảo tất cả trẻ em được bảo vệ khỏi bệnh tật và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ khi cần, ở bất cứ nơi đâu. Mọi trẻ em đều có quyền được sống sót và phát triển. Chúng ta có trách nhiệm chung trong việc thực hiện điều này" - tiến sĩ Phalkey nhấn mạnh.

Thảo Nguyễn (theo Arabnews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI