Tuy nhiên, sau 4 tháng kết nối mạng, hiện thành phố vẫn còn khoảng 300 nhà thuốc đứng ngoài cuộc chơi.
Chưa kết nối vì chưa ai xử phạt
Ở đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2), cứ vài trăm mét lại có một nhà thuốc, từ nhà thuốc lâu năm với biển hiệu cũ kỹ đến nhà thuốc mới mở mọc san sát nhau. Dù cạnh tranh khốc liệt nhưng đây cũng là đoạn đường có đến tám nhà thuốc chưa kết nối với hệ thống mạng dữ liệu dược quốc gia.
Phần mềm của hệ thống dữ liệu dược quốc gia giúp các nhà thuốc khi cầm toa thuốc của người bệnh sẽ cập nhật nơi người bệnh đã khám, loại thuốc bác sĩ kê đơn, nếu không thuốc sẽ không bán ra được. Dự kiến đến năm 2020, phần mềm này tiếp tục kết nối doanh nghiệp sản xuất, công ty nhập khẩu, kinh doanh thuốc.
Đồng thời, Bộ Y tế sẽ kết nối phần mềm của các cơ sở khám chữa bệnh với dữ liệu dược quốc gia vào chung hệ thống. Điều này giúp người bệnh sử dụng thuốc an toàn, giá cả minh bạch, có thể cầm mã số đơn của toa thuốc đến tất cả nhà thuốc trên cả nước để mua mà không phụ thuộc nơi khám bệnh và kê toa.
|
Khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân, chủ nhà thuốc số 4X (đường Nguyễn Cư Trinh, P.Bình An, Q.2) than thở: “Nhà thuốc mở được bốn năm nhưng bán không có lời, cạnh tranh không nổi với quá nhiều nhà thuốc tại đây.
Chủ cũ thấy không khả thi nên sang lại cho tôi. Tôi mới bán được vài tháng cũng ế ẩm. Mặt bằng nhỏ, chủ yếu bán các loại thuốc thông thường như: cảm cúm, ho, sốt, vitamin… nên mỗi ngày doanh thu không quá 2 triệu đồng”.
Chủ nhà thuốc phân trần còn phải trả tiền mặt bằng, lương nhân viên và bản thân làm chủ, “thử hỏi nếu kết nối mạng, mỗi năm phải đóng cho nhà mạng 1,8 triệu đồng thì còn lời bao nhiêu? Thôi thì, tới đâu hay tới đó, nếu buộc phải kết nối mạng mới được bán thuốc thì tôi cũng phải tham gia nhưng để từ từ, đỡ trả tiền cho nhà mạng được tháng nào hay tháng đó”.
Trong số hơn 30 nhà thuốc từ 6 quận, huyện chúng tôi tìm đến ngẫu nhiên thì hầu hết các nhà thuốc đều e dè chia sẻ lý do. Như nhà thuốc T.K. (đường Lương Định Của, P.Bình An, Q.2), trước khi chia sẻ, chủ nhà thuốc liên tục hỏi phóng viên có phải người trong ngành y tế hay nhân viên nhà mạng đến chào mời.
Chủ nhà thuốc cho biết: “Trước đây, có nhà mạng đến chào gói kết nối mạng nhưng tôi đang suy nghĩ. Tôi chần chừ, lựa chọn nhà mạng tối ưu vì nghe một số nhà thuốc đã kết nối chia sẻ là gặp trục trặc từ phần mềm gây khó khăn cho kinh doanh như liên quan đến các dữ liệu nhập, xuất thuốc…”.
Không chỉ có nhà thuốc nhỏ lẻ chậm chạp trong việc kết nối mạng dữ liệu dược quốc gia, mà ngay cả những nhà thuốc ở các bệnh viện lớn cũng đang đứng ngoài cuộc chơi. Đơn cử như: nhà thuốc Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ Sài Gòn (27 Kỳ Đồng, P.9, Q.3), nhà thuốc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Mỹ Mỹ, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH, 6 Bắc Nam 3, P.An Phú, Q.2), nhà thuốc chi nhánh Công ty cổ phần Chăm sóc sức khỏe Việt Gia - nhà thuốc Việt Gia (166 Nguyễn Văn Thủ, P.Đa Kao, Q.1).
Chiều 2/7, chúng tôi có mặt tại nhà thuốc Việt Gia để tìm hiểu nguyên nhân nhà thuốc này chưa tham gia hệ thống dược quốc gia nhưng nhà thuốc từ chối trả lời. Còn đại diện Bệnh viện Quốc tế Mỹ cho biết, bệnh viện này sử dụng phần mềm của nước ngoài nên chưa tích hợp được với phần mềm của Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện đang trao đổi với sở để tìm cách khắc phục.
Trong khi Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, bệnh viện cho nhà thuốc bên ngoài thuê mặt bằng chứ nhà thuốc này không thuộc bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đang làm việc với nhà thuốc để kết nối với hệ thống dữ liệu dược quốc gia.
Bà Phan Thị Hiệp - Giám đốc quản trị vận hành của bệnh viện - thông tin: “Nhà thuốc bệnh viện có giấy phép hoạt động theo hộ kinh doanh cá thể nằm trong bệnh viện. Nhà thuốc bệnh viện được Sở Y tế cấp mã code phần mềm dược và đang trong quá trình kiểm tra phần mềm để kết nối”.
Sở Y tế sẽ kiểm tra nhiều hơn
Thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM - cho biết, Bộ Y tế triển khai đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, bắt buộc các nhà thuốc phải kết nối với hệ thống dữ liệu dược quốc gia để người tiêu dùng an toàn hơn khi mua thuốc.
Từ tháng 8/2018, đề án được thí điểm tại Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ và Đà Nẵng. Đến tháng 9/2018 bắt đầu triển khai trên cả nước. Các nhà thuốc tại TP.HCM phải kết nối với hệ thống dữ liệu dược quốc gia ngày 1/1/2019 nhưng thời điểm đó các nhà thuốc tham gia chưa nhiều nên được kéo dài tới 31/3/2019.
Mục đích của đề án là tăng cường quản lý nguồn gốc của thuốc, kiểm soát thuốc kê đơn, nhất là ngăn chặn việc lạm dụng bán thuốc kháng sinh không được kê toa, dẫn đến kháng thuốc tràn lan.
Tuy nhiên, hiện TP.HCM còn 300 nhà thuốc trong tổng số 6.480 nhà thuốc chưa kết nối với hệ thống mạng dữ liệu dược quốc gia, chiếm khoảng 4%. Qua hậu kiểm từ ngày 1/4/2019, có 2% nhà thuốc ngừng kinh doanh nhưng chưa báo cáo về Sở Y tế.
Những ngày qua, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM ghi nhận nhiều nhà thuốc đóng cửa từ lâu nhưng vẫn nằm trong danh sách 300 nhà thuốc chưa kết nối mạng. Điển hình như hiệu thuốc số 1 - Công ty cổ phần Dược phẩm quận 3 (004 lô J, chung cư Nguyễn Thiện Thuật) giờ không còn bảng hiệu và thay bằng một sạp bán trái cây.
Hay như hộ kinh doanh nhà thuốc Hồng Ngọc 2 (310 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3) và nhà thuốc Kiến Thiết (489A/23/8 Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận) giờ là các cửa hàng thời trang.
Ngoài ra, nhiều nhà thuốc dù còn bảng hiệu nhưng đã đóng cửa như nhà thuốc Thanh (133 Hoa Lan, Q.Phú Nhuận), nhà thuốc Mỹ Châu của Công ty cổ phần Đầu tư Mỹ Châu (1 Nguyễn Huy Tự, P.Đa Kao, Q.1)…
Dược sĩ Dũng cho biết, với những nhà thuốc đóng cửa, không còn kinh doanh thì họ chỉ báo cáo với chi cục thuế, trả lại giấy đăng ký kinh doanh của phòng kinh tế quận, huyện để tránh bị đóng thuế, còn riêng Sở Y tế do quản lý chuyên môn, không ảnh hưởng đến tài chính của nhà thuốc thì họ “lơ đẹp”.
Riêng khoảng 2% nhà thuốc chưa kết nối mạng còn lại rơi vào những nhà thuốc tự viết phần mềm, thường là nhà thuốc ở các phòng khám. Theo dược sĩ Dũng, các nhà thuốc tự viết phần mềm để kết nối được với cổng thông tin dữ liệu dược quốc gia phải liên hệ với Cục Quản lý dược Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel.
Dược sĩ Dũng cho biết, hiện Sở Y tế chưa có thông báo nào liên quan đến việc ngừng kinh doanh do chưa kết nối mạng đối với nhà thuốc. Nhưng từ sau ngày 31/3/2019, mỗi tuần sở cử hai đoàn đi hậu kiểm nhà thuốc.
Qua hậu kiểm, nhiều nhà thuốc đưa ra nhiều lý do, nhưng nếu lý do không chính đáng sẽ chuyển qua thanh tra. Thanh tra sở sẽ xử lý các vi phạm theo kết quả hậu kiểm. Một số sai phạm đã được ghi nhận như: nhà thuốc chưa thực hiện kết nối mạng kinh doanh thuốc không đạt chất lượng, không duy trì đúng điều kiện bảo quản, dược sĩ vắng mặt, thuốc kê đơn sắp xếp lẫn với thuốc không kê đơn, thuốc quá hạn dùng không đưa vào khu biệt trữ để chờ hủy… Đáng ngạc nhiên, những nhà thuốc bị hậu kiểm đã nhanh chóng khắc phục bằng cách kết nối mạng ngay sau đó.
Sẽ công khai tên nhà thuốc chưa kết nối hệ thống
Thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết: Chúng tôi đang tích cực hậu kiểm, phấn đấu 100% nhà thuốc kết nối mạng. Hiện đã có 70 nhà mạng tham gia kết nối hệ thống dữ liệu dược quốc gia nên nhà thuốc vô tư lựa chọn nhà cung cấp.
Một số nhà mạng hiện nay cạnh tranh rất tốt, miễn phí hoàn toàn trong năm đầu tiên kết nối, những năm sau chỉ thu 70.000-80.000 đồng/tháng. Ngành y tế đã hỗ trợ mọi khâu nên nhà thuốc cần tuân thủ thực hiện. Sắp tới, sở sẽ công bố những nhà thuốc chưa kết nối đến các cơ quan báo chí và công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành y tế thành phố.
|
Văn Thanh