Có còn ai viết thư tay?

Tài sản quý giá

25/07/2021 - 14:38

PNO - Ngày hôm kia, trong lúc tình cờ lục lọi lại những đồ vật cũ, một lá thư rơi ra từ chồng giấy tờ. Trên mặt giấy đã úa vàng là nét chữ nghiêng nghiêng, hiền lành của một chàng trai. Thư đề Moscow, ngày 16/7/1989, nghĩa là đã được viết cách đây 32 năm và đã vượt quãng đường hơn 7.000 cây số để đến nhà tôi. Giờ đây, nó vượt qua hơn 11.000 ngày, đưa tôi trở lại quá khứ.

Câu chuyện của những lá thư

Người viết lá thư này giờ đang sống ở một đất nước rất xa. Anh đã có một người vợ tóc vàng, mắt xanh, ba đứa con mang hai dòng máu. Tôi chụp hình bức thư, gửi cho anh. Chỉ một phút sau đã thấy anh trả lời: “Trời ơi, thư này mà còn giữ sao? Sao hồi ấy mình ngoan thế? Bạn làm mình cảm động quá”. Thế là hai người bạn đã vào tuổi trung niên, đã đi qua hơn 2/3 cuộc đời, mọi thứ của số phận dường như đã được an bài, sắp đặt xong, chợt có một khoảng thời gian ngắn ngủi nhớ về quá khứ. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, anh nhắn: “Cảm ơn bạn đã cho mình nhớ lại thời trẻ trung, ngây thơ”.

Thời tuổi trẻ của chúng tôi không có Internet, điện thoại cũng vô cùng hiếm hoi nên mọi phương tiện trao đổi thông tin, nhất là tình cảm, đều chủ yếu bằng thư. Tình yêu đầu tiên của tôi, khi đại học năm thứ nhất, là với một chàng trai ở xa. Thư từ của chàng gửi về cho tôi đều lấy địa chỉ văn phòng khoa, tuần nào cũng vài ba lá. Cứ thư tôi về là cả lớp xôn xao, y như là thư chung của tất cả.

Gia đình lo tôi xao lãng chuyện học hành nên cấm đoán. Thư tôi mang về phải giấu vào kẹt tủ. Hết năm ấy, tôi đi học ở nước ngoài. Tình yêu của chúng tôi cũng phai nhạt theo thời gian. Cho đến một ngày, tôi nhận được thư của vợ anh. Cô kể khi kết hôn, họ đã thỏa thuận sẽ đốt hết thư từ của những người yêu cũ - đốt bỏ hết trước mặt nhau. Thế nhưng tình cờ, cô quét mạng nhện và từ một hốc nào đó của trần nhà bung xuống… một núi thư của tôi.

Những bức thư mẹ tác giả gìn giữ như báu vật suốt bao nhiêu năm qua
Những bức thư mẹ tác giả gìn giữ như báu vật suốt bao nhiêu năm qua

Điều đó khiến cô nặng lòng, phân vân, lo lắng và muốn hiểu quá khứ của tình yêu giữa tôi với chồng cô. Tôi đã trả lời cô, một cách ấm áp và dịu dàng nhất, để cô yên tâm rằng chuyện giữa tôi và chồng cô chỉ là những tình cảm học trò, vô tư, trong trẻo. Tôi chúc hai người hạnh phúc. Còn tôi, ngày trở về nước, khi đã là một phụ nữ có chồng con, tìm đến cái vị trí bí mật, nhìn chồng thư cũ vẫn còn nằm đó, thấy lòng mình bồi hồi xúc động. Tôi đã phân vân rất nhiều nhưng rồi cũng mang đốt bỏ. Tình xưa hết, nghĩa cũ cũng không, nhưng nó như hình ảnh một thời tuổi trẻ sôi nổi, trong sáng của mình. Nó có thể cháy, tàn hết nhưng những lá thư vẫn cho tôi bao điều đẹp đẽ, xúc động.

Thư từ cũ - tài sản vô giá của đời người

Có thể khi tôi viết câu “Thư từ cũ - tài sản vô giá của đời người”, mọi người không tin, nếu không từng trải qua. Thế nhưng ngày má tôi đi xa, lần đầu tiên được phép mở tủ đồ của má, tôi đã khóc nghẹn khi nhìn thấy từng gói ni-lông nhỏ má cột cẩn thận và đề bên ngoài: Thư của M. từ Quang Trung (nơi chị tôi đóng quân khi đi bộ đội), Thư của K. từ Maxcova, Thư của T. từ… Thư của anh Tư, Thư của cháu… thậm chí thư của bạn bè tôi, má đều lưu giữ lại.

Ngồi đọc lại những lá thư cũ, những câu chuyện của gia đình, lịch sử của cả một quãng thời gian sống của gia đình, của xã hội đều như được tái hiện sinh động, rõ ràng. Đọc lại những lá thư tôi gửi về cho má, tôi nhớ về khoảng thời gian mình sống xa nhà. Có những điều tôi đã quên hẳn, như những khó khăn, vất vả của một đứa con gái đi xa, kỷ niệm ngày cưới không ba mẹ bên cạnh, ngày đứa con chòi đạp trong bụng… tất cả đều có trong thư tôi gửi về cho má.

Và tôi cũng đọc lại được những lá thư má gửi cho tôi. Bảy năm tôi học ở nước ngoài là bảy năm má cặm cụi viết thư cho tôi mỗi tuần. Bạn bè tôi chỉ nhận thư gia đình đều đặn thời gian đầu, một hai năm sau thưa dần, có khi mỗi tháng chỉ một lá thư. Vậy nhưng má tôi ngày nào cũng chong đèn ngồi viết thư cho tôi, rồi mỗi tuần gom gửi một lần. Những lá thư với nét chữ thân yêu quen thuộc giúp tôi hình dung được cả khung cảnh ngôi nhà, quầng sáng ngọn đèn bàn làm việc. Những câu chuyện kể của má về đời sống giúp tôi luôn gần gũi, yêu thương đất nước mình… Bảy năm trời sống ở nước ngoài là hơn 2.500 ngày tôi thức dậy mỗi sáng đều chạy xuống tầng một của ký túc xá tìm thư nhà. Nó như một chỗ dựa tinh thần vô giá của tôi.

Đọc những lá thư của chị M., tôi nhớ những ngày chị tôi đi bộ đội, thời gian đó là chiến tranh ở biên giới Campuchia. Chị tôi là bí thư chi đoàn trường, nhiệt huyết bừng bừng. Đang học lớp 11, chị hai lần cắt tay lấy máu viết thư tình nguyện nhập ngũ. Ngày lên đường, chị không nói gì với gia đình, chỉ để lại một lá thư tay. Má tôi khóc ngất. Cũng từ đó, má tôi cặm cụi viết thư cho chị, dặn dò chị giữ sức khỏe, nhớ học ôn kiến thức để sau này về học lại. Thư chị gửi từ trại lính, từ chiến trường Campuchia về đầy niềm tin, sức mạnh của tuổi trẻ. Thư của má tràn đầy yêu thương và lo lắng.

Đọc thư từ má còn giữ, nước mắt chảy, tôi gọi điện cho chị, cho em, cho bà con, họ hàng. Ai cũng khóc, ai cũng nhắn gọi, xin tôi gửi lại cho họ những lá thư ấy. Ai cũng chỉ muốn được đọc, được nhớ lại và được giữ gìn những kỷ vật quý giá đó. Nó giúp mỗi người được sống lại quãng thời gian đã qua, cảm thấy ấm áp, hạnh phúc, bình yên hơn.

Có ai còn muốn viết thư tay?

Lâu lắm rồi tôi không còn nhận được thư tay của bạn bè, người thân. Internet thật thuận tiện, điện thoại dễ dàng, còn ai viết thư tay cho ai nữa. Thế mà cách đây một năm, vào mùa Noel, có cô bạn tự dưng đăng lên Facebook rằng bạn nhớ thư viết tay, nhớ những tấm thiệp viết tay. Mùa Noel năm nay, ai muốn bạn gửi thiệp và thư thì nhắn tin cho bạn, bạn nhất định sẽ gửi thư cho mọi người. Một hàng vài chục người bình luận, mong bạn gửi thiệp và thư cho mình.

Tôi cũng đăng ký và từ hôm đó, cứ đi về, qua cửa bảo vệ, tôi lại hỏi: “Cháu có thư không bác?”. Tâm trạng chờ đợi một lá thư để biết được nét chữ người bạn gái trên mạng ấy thật là kỳ lạ, thật vui. Năm ấy, tôi cũng đã làm như vậy với những người thân, bạn bè ở xa của mình. Tôi hỏi địa chỉ của họ và nắn nót viết từng dòng. Chỉ khi làm thế, tôi mới nhận ra là với biết bao người thân yêu, tôi không biết cụ thể nhà họ ở đâu. Nếu có một ngày Internet tắt ngúm, chúng ta sẽ khó tìm ra nhau biết bao nhiêu. Bởi từ lâu, chúng ta chỉ biết về nhau qua địa chỉ email, rất ảo, rất mơ hồ trên không gian mạng.

Hôm qua, lúc đi ngang Bưu điện Quận 5, tôi nói với chồng: “Nơi này có biết bao nhiêu kỷ niệm của em, của ba má, của bao nhiêu gia đình”. Tòa nhà Bưu điện Quận 5 có lẽ là một công trình khá cổ, được xây dựng ở một vị trí rất đẹp. Tôi nhìn nó và ước nó sẽ mãi ở đó, mãi mãi là Bưu điện Quận 5, mãi mãi có hai hòm thư vàng treo hai bên, mãi mãi có những người như tôi, thỉnh thoảng lại đứng tần ngần nhìn theo chiếc phong bì của mình từ từ trượt vào khe của hòm thư mà thấy lòng tràn ngập ấm áp.

Ừ, chỉ cần bớt chút thời gian, có thể không phải những lá thư dài, có khi chỉ là những câu viết ngắn ngủi trên những tấm bưu thiếp xinh đẹp nhưng hãy viết, hãy gửi để đâu đó, hình ảnh những bưu tá sẽ mãi còn đi vào những câu chuyện tình cảm xúc động, lãng mạn, ý nghĩa.

Tôi có hoài cổ không? Chắc có. Nhưng, tôi cũng vẫn tin còn nhiều người mong chờ nhận thư và muốn được viết thư. 

Khánh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI