Tài sản của người Nhật

31/12/2019 - 18:05

PNO - Thứ người Nhật sợ đánh mất nhất không phải tiền, quan hệ đầu tư hay mục tiêu tương lai, mà chính là uy tín và phẩm giá của dân tộc - nó đắt giá làm sao!

Trong thông cáo phản hồi về câu chuyện làm sạch nước sông Tô Lịch, Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) có viết: “Với trách nhiệm, nhân cách và khí phách của một người Nhật”... Không phải vì lo sợ thiệt hại kinh tế hay bất cứ lý do nào, nguyên nhân duy nhất buộc họ phải lên tiếng là để giữ gìn thứ tài sản đắt giá nhất, với người Nhật, đó là nhân cách và khí phách. 

Không bàn đến chuyện ai đúng ai sai trong cuộc đôi co này. Nhưng khi người Nhật cần bảo chứng giá trị nhất, họ có tấm “kim bài” - nhân cách và khí phách của người Nhật - chống đỡ.

Tai san cua nguoi Nhat
Người Nhật cùng nhau vượt qua thảm họa 

Rõ ràng, khi nghe họ thốt lên câu nói đó, tất thảy đều tin. Chúng ta tin có phải vì nước Nhật giàu có và hùng mạnh? Thẳng thắn mà nói, thứ đáng giá để thu phục lòng tin của nhiều người không phải là GDP của nước Nhật, mà chính là những giá trị của con người Nhật. Và, người ta tin vào những giá trị đó. 

Để có một dân tộc tự cường, lòng tự trọng của mỗi người Nhật chưa bao giờ được phép dễ dãi. Nếu đi xe buýt hay các phương tiện giao thông công cộng tại Nhật, khi thấy người già bước lên, dù đã hết chỗ ngồi, bạn cũng chớ dại dột đứng dậy nhường chỗ bởi chỉ tổ mất công thôi. Vì họ sẽ từ chối kèm theo cái gập người “chuẩn” biết ơn. Người Nhật giải thích rằng: “Với người Nhật, dù bao nhiêu tuổi, lòng tự trọng luôn đặt lên trên hết. Nếu có thể làm được, họ không bao giờ muốn phiền hay nhờ vả ai, càng không đòi hỏi hay sử dụng lòng tốt của người khác một cách phí phạm khi bản thân có thể giải quyết được”.

Giá trị con người Nhật là sản phẩm của nền giáo dục nhân bản. Tinh thần trách nhiệm, bài học về nhân cách, sự trung thực… là những bài học đầu tiên mà nhà trường phổ thông dạy cho học sinh của họ, thay vì những bài toán hóc búa.

Người Nhật không sợ bị chê nghèo (người giàu ở Nhật có lối sống cực kỳ tối giản), chỉ cảm thấy hổ thẹn khi bị chê trách về nhân cách, phẩm giá cá nhân. Người Nhật quan niệm tư cách quan trọng hơn năng lực. Nhưng dĩ nhiên, năng lực và sự nghiêm túc của người Nhật cũng chưa từng bị phủ nhận bởi họ chưa bao giờ chấp nhận sự dễ dãi với bản thân. Họ ý thức rất rõ phía sau họ là tương lai của một đất nước.

Điều người Nhật sợ nhất chính là trở thành người vô dụng hay làm gánh nặng cho xã hội. Sau sự kiện cô bé gốc Việt bị sát hại trên đường đi học, vào những ngày đông rét căm căm, trời còn tờ mờ sáng, chẳng ai bảo ai, những cụ già đã nghỉ hưu trong khu dân cư tự động mặc áo dạ quang ra đứng ở các ngã tư đường để trông chừng cho các cháu trong khu phố đi học. Họ đều đặn làm như vậy, dù ngày đó có tuyết rơi hay rét đậm. 

Người bạn Nhật kể rằng, trong thời thế chiến thứ hai, nước Nhật lâm vào nạn đói, lương thực thiếu thốn. Nhiều người già đã chọn cách tự vẫn để dành nguồn thức ăn lại cho những người trẻ hơn. Bởi họ tin rằng, người trẻ chính là tương lai của đất nước. 

Người Nhật ở trong nước giữ gìn đã không nói, khi ra nước ngoài họ đặc biệt cẩn trọng, rất sợ vi phạm luật của đất nước sở tại. Vì họ sợ người Nhật bị liệt vào thống kê phạm luật, ảnh hưởng đến chức phận đã được định danh: nhân cách của người Nhật. Có lẽ, ở Nhật cũng chẳng có luật lệ nào đặt ra để bảo vệ loại “tài sản” ấy, trừ luật lệ của lòng dân. 

Thanh Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI