Sợ mang tiếng “mẹ kiện con”
Bà Thu Bích(*), 80 tuổi (quận Bình Thạnh, TPHCM), kể: “Tôi có căn nhà mặt tiền đường ở quận Tân Bình. Căn nhà này là tài sản chung của vợ chồng tôi, có sổ hồng năm 2010. Năm 2012 chồng tôi mất, tôi và 4 người con cùng khai nhận di sản thừa kế và cùng đứng tên cập nhật trong giấy chứng nhận.
Sau đó, tôi để cho vợ chồng con trai út quản lý sử dụng căn nhà. Tầng trệt cho thuê, 2 tầng trên để ở. Tôi ở nhà người con gái tại quận Bình Thạnh. Gần đây, tôi bị nhiều bệnh cần tiền chữa trị và dưỡng già. Tôi cùng các con gái bàn bạc với đứa con trai là sẽ bán căn nhà nói trên chia đều thành 6 phần, con trai được 2 phần còn tôi và 3 người con gái mỗi người được 1 phần. Đây là chia theo thỏa thuận, theo luật tôi phải nhiều hơn vì tự thân tôi đã có 50% tài sản là của chung vợ chồng.
Tuy nhiên, con trai tôi không đồng ý mà yêu cầu tôi về nhà này ở, chứ dứt khoát không chịu bán và cũng không chịu chia theo đề nghị của tôi và 3 người con gái. Con trai tôi khẳng định: nhà có mình con là con trai, cha mẹ phải để lại cho con giữ gìn và làm nơi thờ tự về sau, của cha mẹ là của con! Hiện tôi không thể khuyên nhủ con được nữa”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Nguyện vọng của bà Bích là muốn luật sư nhờ cơ quan có thẩm quyền hòa giải hay thuyết phục người con trai, chứ thật lòng bà không nỡ kiện thưa ra tòa, bà đã già yếu và rất xấu hổ vì “vô phúc đáo tụng đình”, hơn nữa mang tiếng là “mẹ kiện con”…
Qua tư vấn, tôi nhận thấy có nhiều trường hợp con cái hay “nhìn ngó” vào tài sản của cha mẹ. Nhiều vụ án, khi cha mẹ về già thì con cái tranh nhau chăm sóc, phụng dưỡng, kề cận… nhằm lấy lòng cha mẹ, để cha mẹ tặng cho, hoặc lập di chúc để lại tài sản. Có người mẹ bị tai biến, nằm một chỗ không nói được, không viết được… nhưng vẫn có thể công chứng sang tên tài sản hoặc lập di chúc với những tình tiết rất nghi ngờ. Mặt khác, cũng có những trường hợp người con tỏ ra chăm sóc, phụng dưỡng, lấy lòng cha mẹ, nhưng khi chia hoặc lập di chúc để lại thì cha mẹ lại chia đều… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc họ “kể công”, tranh chấp gay gắt về sau.
Xuất phát từ thực tế các mâu thuẫn, tranh chấp về phân chia tài sản chung, thừa kế… nhất là sau khi cha mẹ qua đời, nên khi đã lớn tuổi và đang còn minh mẫn, nhiều bậc cha mẹ có nhu cầu tư vấn luật sư và nhờ thực hiện các di chúc, di nguyện… không ít người trong số họ làm việc này một cách “âm thầm”.
Tặng tài sản cho người xứng đáng
Tôi nhận thấy người càng nhiều tài sản, càng nhiều con cái thì càng nhức đầu. Trong lĩnh vực chia di sản, người đời có câu “không sợ thiếu, chỉ sợ không
công bằng”.
Năm 2018, tôi nhận tư vấn và làm di chúc cho bà Ngọc Trang. Bà có 2 người con 1 trai, 1 gái đều đã lập gia đình và sinh sống ở nước ngoài; chồng bà mất đã từ lâu. Bà Trang có 3 căn nhà ở quận 5 và quận Tân Phú, TPHCM. Hiện bà sống một mình tại quận 5 cùng người giúp việc.
|
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com |
Bà Trang yêu cầu luật sư tư vấn và làm di chúc để lại căn nhà tại quận Tân Phú, TPHCM cho người giúp việc luôn kề cận, nuôi dưỡng và chăm sóc bà. Khi hỏi về các căn nhà còn lại, bà bảo rằng bà vẫn chưa quyết định lập di chúc cho con, vì không có di chúc thì con bà được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Khi luật sư thắc mắc tại sao để thừa kế cho người giúp việc, thì bà trả lời: “Đó là tâm nguyện của tôi, tôi thấy ai xứng đáng thì tôi cho!”.
Năm 2021, ông Trương Đình - ở Bình Chánh, TPHCM - nhờ tôi tư vấn và lập di chúc để lại căn nhà và đất thổ vườn trên 3.000m2 cho 2 đứa cháu nội và 2 đứa cháu ngoại. Ông Đình có 2 người con, 1 trai, 1 gái, nhưng ông nhất quyết để lại cho các cháu. Lý do, ông giải thích, 2 người con làm ăn dẫn đến nợ nần, nên đang dòm ngó vào tài sản của cha mẹ. Ông quyết định lập di chúc cho các cháu với mong muốn giữ lại nhà đất này lâu dài.
Ông Trần Nam và bà Phương Linh (thành phố Thủ Đức, TPHCM) muốn lập di chúc để lại khối tài sản của gia đình cho 2 người con ruột. Người con trai được hưởng 60% giá trị khối tài sản; người con gái được hưởng 40% giá trị khối tài sản. Ông Nam và bà Linh giải thích: “Chúng tôi không hề có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” hay “con gái là con người ngoài…”, chỉ vì chúng tôi đang chung sống với con trai. Của cải tài sản mà chúng tôi có được hôm nay, là do chúng tôi mở công ty và đứa con trai có đóng góp công sức nhiều hơn trong việc điều hành phát triển công ty, nên chúng tôi cho con trai nhiều hơn, như vậy mới công bằng.
Năm 2013, vợ chồng bà Lê Chung (quận Phú Nhuận) lập di chúc chung để lại căn nhà đang ở cho chị Hương là con gái út, lúc bấy giờ còn độc thân. Năm 2014, chồng bà mất, chị Hương kết hôn, theo chồng sang nước ngoài. Khi sang nước ngoài, chị Hương không gửi tiền về nuôi mẹ nữa. 2 người con khác thay phiên chăm sóc nuôi dưỡng mẹ. Bà Chung nhận thấy chị Hương không xứng đáng hưởng toàn bộ căn nhà nên tìm đến luật sư tư vấn thay đổi di chúc đối với phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bà, phần này bà muốn chia đều cho các con.
Năm 2019 bà Chung mất, chị Hương về dự đám tang, lấy hồ sơ giấy tờ nhà đất và làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc. Các anh chị làm đơn ngăn chặn, dẫn đến tranh chấp. Tại các buổi làm việc, hòa giải ở tòa án, chị Hương luôn chửi bới các anh chị và mắng trách cả mẹ mình.
Làm con cứ hiếu thảo với cha mẹ
Theo quy định của pháp luật, tài sản của cha mẹ thì chỉ cha mẹ có quyền định đoạt, trong đó có quyền bán, chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho… lập di chúc để lại tài sản của mình cho bất kỳ ai.
Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định các nghĩa vụ và quyền cha mẹ đối với con: “Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…”.
Tuy nhiên, các quy định trên không đồng nghĩa với việc cha mẹ phải có nghĩa vụ tặng cho, chia tài sản, để thừa kế cho con (ngoại trừ tài sản đó là chung của cha mẹ con; tài sản của hộ gia đình, như là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình…).
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Trong thực tế, có nhiều trường hợp cha mẹ tạo lập tài sản cho con khi trưởng thành, lúc lập gia đình hoặc muốn ra riêng, làm ăn riêng, kể cả khi con còn nhỏ. Tất cả việc làm trên là xuất phát từ sự tự nguyện, từ tình cảm, từ lương tâm, trách nhiệm của cha mẹ đối với con, để mong con mình sớm ổn định cuộc sống; con có vốn làm ăn, có điều kiện phát triển kinh tế… đó là vấn đề đạo lý, chứ luật không hề quy định cha mẹ phải có nghĩa vụ trên đối với con.
Trong một số vụ việc ly hôn, chia tài sản, giữa vợ và chồng có thỏa thuận chia phần cho con. Chẳng hạn như: chia 3, chia 4 phần, 5 phần… cho cả vợ, chồng, con hoặc thậm chí có vụ để hết cho con. Đó là việc phân chia theo thỏa thuận, điều này cần phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng; việc phân chia này không trái quy định pháp luật, đạo đức xã hội, bảo đảm quyền lợi của con trẻ, sẽ được tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Từ đó con được đứng tên sở hữu tài sản, kể cả trẻ chưa thành niên.
Như vậy, luật không quy định cha mẹ phải chia, tạo lập, tặng tài sản cho con, nên đối với các trường hợp cha mẹ không chia, không tạo lập, không tặng cho tài sản cho con; hoặc cha mẹ tặng cho hoặc lập di chúc để lại tài sản cho người khác… thì cha mẹ cũng không vi phạm pháp luật.
Xét về mặt tình cảm, ý nguyện và cách làm của cha mẹ trong các câu chuyện kể trên phù hợp với nguyên tắc ứng xử và đạo đức trong xã hội. Các con đừng nghĩ rằng cha mẹ làm như thế là không yêu thương, hay ghét bỏ mình. Bởi, trong mối quan hệ giữa cha mẹ con cái thì tình cảm, sự hiếu thảo, lòng tôn kính, đạo lý làm con… luôn đặt lên hàng đầu. Cứ đối đãi, cư xử tử tế, hết lòng với cha mẹ của mình. Nói như thế cũng không có nghĩa là hiếu thảo để có tài sản. Nhưng, thường những đứa con đó, cha mẹ sẽ không để thiệt thòi.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Luật sư Huỳnh Minh Vũ