Tài sản chung vợ chồng

08/12/2017 - 17:00

PNO - Ly hôn rồi kết hôn lần 2, Lan không biết nên gộp tài sản với chồng mới như thế nào. Lan sợ nếu gãy gánh lần hai thì phải chia đôi tài sản, trong khi Đoàn chỉ góp được 1/3 giá trị căn nhà...

Rối bời khi “cổ phần”… lệch cân

Lan và Đạt có một mối tình thời sinh viên đầy lãng mạn. 24 tuổi kết hôn, 26 tuổi chào đón “công chúa” ra đời giữa biết bao khó khăn của cuộc sống đất Sài Gòn nhưng vợ chồng đều vui vẻ, hạnh phúc. Lan làm kế toán cho một doanh nghiệp, còn Đạt làm nhân viên kinh doanh cho một tập đoàn nước ngoài. Sau ba năm miệt mài phấn đấu, họ đã mua được một căn nhà ở ngoại thành.

Tai san chung vo chong
 

Như một trớ trêu của tạo hóa: hễ khó khăn về kinh tế càng được cải thiện thì thử thách về hạnh phúc ngày một tăng lên. Khi Đạt được đề bạt chức trưởng phòng kinh doanh cũng là lúc anh thường đi công tác xa nhà, để một mình vợ lo con cái, gia đình. Đẹp trai, thăng tiến nhanh, dù biết Đạt đã lập gia đình, nhiều cô nhân viên dưới quyền vẫn ngầm theo đuổi và Đạt đã sa ngã. Có người báo lại, nhưng Lan không tin, cho đến một hôm, Lan nghỉ phép dẫn theo bé Na về ngoại chơi rồi bất ngờ trở về vì công việc đột xuất, phát hiện chồng thừa cơ đem nhân tình về nhà hú hí.

Biết mình sai, nhưng không bỏ được nhân tình, Đạt đồng ý ly hôn theo đề nghị của

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung…” (Khoản 1, Điều 33).

Lan - ra đi cùng tình mới, để lại căn nhà và con gái cho Lan nuôi. Ly hôn, Lan sụp đổ rồi dần vượt qua khó khăn, lấy lại thăng bằng. Nhiều người tìm đến cô, trong số này có Đoàn, kém Lan hai tuổi, đang là trưởng phòng kỹ thuật của công ty - người vẫn thường gọi Lan bằng chị nhưng luôn quan tâm, lo lắng cho Lan và bé Na. Mối tình chị - em lớn dần lên cho đến ngày Đoàn bất ngờ cầu hôn. Lan không dám tin, nhưng rồi cũng xiêu lòng.

Hứa hôn rồi, Lan loay hoay không biết phải chuẩn bị cuộc sống mới thế nào, bởi dù chưa có nhà, Đoàn không chịu về ở nhà Lan. Đoàn đề nghị: “Em bán nhà đi, cộng tiền anh tích lũy, chúng ta góp lại mua nhà mới. Ngôi nhà em đang ở đã xảy ra nhiều chuyện buồn với em rồi”. Nghe Đoàn nói có lý, nhưng Lan vẫn không biết quyết định sao.

Căn nhà Lan đang ở, nếu bán vào thời điểm này, khoảng hai tỷ đồng. Nếu đem hết số tiền ấy góp cùng Đoàn thì vừa đủ mua nhà mới, nhưng Lan lại muốn dành 500 triệu đồng gửi tiết kiệm cho con gái. Lan sợ nếu gãy gánh lần hai thì phải chia đôi tài sản, trong khi Đoàn chỉ góp được 1/3 giá trị căn nhà. Còn mua nhà khác, nhỏ hơn, vừa túi tiền thì Đoàn không muốn. 

Phước Chung

Giải pháp dung hòa cho các cổ đông

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là dựa trên thỏa thuận của các bên. Nếu không thỏa thuận được, tòa án sẽ giải quyết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng… Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật. Nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Với tình huống của chị Lan, có ba phương án để chị cân nhắc:

1. Lựa chọn theo con tim: chị Lan góp 2/3, anh Đoàn góp 1/3 số tiền để mua nhà mới mà không cần phải suy nghĩ. Giải pháp này đạt 10 điểm về tình cảm và sẽ là 10 điểm cộng nếu hôn nhân của hai người hạnh phúc. Nếu sau này kết cuộc không mong muốn xảy ra, chị Lan thiệt thòi vì tỷ lệ chia khi ly hôn là 50-50.

2. Giải pháp của lý trí: Hai người ra phòng công chứng làm văn bản thỏa thuận tài sản chung của hai người đúng theo tỷ lệ thực tế của số tiền mua nhà hoặc giá trị căn nhà sau khi mua là chị Lan 2/3, anh Đoàn 1/3. Giải pháp này rạch ròi theo đúng tinh thần “mất lòng trước được lòng sau”, nhưng hệ lụy ở chỗ nhiều khả năng “đối tác” sẽ để trong lòng, tạo ra sự phòng bị lẫn nhau trong đời sống vợ chồng. Người Việt vốn không thích mọi cái đều sòng phẳng trong hôn nhân.

3. Giải pháp dung hòa: chị Lan nên chủ động đề nghị anh Đoàn góp số tiền tương đương để mua nhà. Phần còn thiếu sẽ vay mượn và cả hai sẽ cùng trả nợ. Đây cũng là cách để thử thách lẫn nhau, thậm chí “sàng lọc”. “Phần tiền dư, em sẽ gửi tiết kiệm để lo cho tương lai của bé Na”. Nếu chị Lan bày tỏ như thế mà anh Đoàn phản ứng khiếm nhã hoặc không chấp nhận thì có lẽ chị nên xem lại tình yêu của mình.

Thạc sĩ luật TRẦN HOÀI NHÂN - Công ty Luật TNHH Vĩnh Huy (Q. Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI