Tài sản cho con là ký ức hạnh phúc

13/11/2018 - 10:00

PNO - Mọi người hay có tâm lý ráng cày để dành tài sản cho con sau này. Đây cũng là “kim chỉ nam” của bao thế hệ người Việt.

Nhưng vợ chồng tôi lại có quan điểm khác, “của để dành” của chúng tôi cho con là trải nghiệm vui và ký ức hạnh phúc.

Chúng tôi đều là công chức, thu nhập vừa đủ lo cho sinh hoạt của vợ chồng và hai con gái 8 và 10 tuổi. Trong khi nhiều người bạn tôi có thêm nghề tay trái… để tích lũy cho con sau này thì vợ chồng tôi dành hết thời gian rảnh để chơi với con. Buổi sáng, chúng tôi cùng đưa hai con đến trường, chiều lại cùng đón con về. Cả nhà tạt ngang chợ, chồng giữ xe, tôi dẫn hai con vào chợ, cho các cháu thấy cuộc sống của những tiểu thương và tập cho con làm quen việc chọn thực phẩm. Về nhà, tôi với bé lớn nấu ăn, bé nhỏ với cha dọn dẹp, quét nhà, xếp quần áo. Hôm khác thì “đổi ca”, tùy theo sở thích của từng thành viên. Vừa làm cả nhà vừa “tám” đủ thứ chuyện rất vui vẻ. 

Vợ chồng tôi còn gói ghém chi tiêu để dành tiền du lịch. Từ khi con mới vài tháng tuổi, vợ chồng tôi đã tha con du lịch khắp nơi và đến nay vẫn duy trì nếp này. Ở độ tuổi nhi đồng, hai con tôi đã đi gần khắp đất nước, từ Tây Bắc, dọc Trường Sơn đến Tây Nam bộ. Tôi cũng đưa hai con đến các mái ấm, nhà mở, nhà dưỡng lão… để hai con hiểu hơn về cuộc sống. Thấy tần suất đi chơi của nhà tôi, mấy cô bạn thân nhắc nhở: mày phải tiết kiệm để dành cho con sau này. Nhưng tôi vẫn trung thành với quan niệm cho con niềm vui, trải nghiệm ý nghĩa và ký ức hạnh phúc mới là tài sản có giá trị nhất. 

Tai san cho con la ky uc hanh phuc

Tài sản quý giá nhất cha mẹ để lại cho con chính là những ký ức đẹp đẽ và ấm áp. (Ảnh minh họa)

Bởi vợ chồng tôi suy ra từ bản thân mình. Tôi bị phỏng năm mười tuổi, gương mặt và cơ thể chằng chịt những vết sẹo. Tôi bị bạn bè trêu chọc, người lớn dòm ngó khiến tôi mặc cảm, suốt ngày khóc than và nhốt mình trong nhà. Mỗi khi ra đường là tôi trùm kín người và mặt cứ cắm xuống đất. Tôi cũng không thể vượt qua mặc cảm nên bỏ học năm lớp 11. Sau ba năm ở nhà, tôi càng buồn và bức bối nên quyết định đi học lại. Từ đó, tôi đã để tất cả mặc cảm lại sau lưng.

Sự hồi sinh này chính là nhờ tình yêu thương của gia đình, đặc biệt là những ký ức ngọt ngào, êm đềm của tuổi thơ khiến tôi không bao giờ cảm thấy mình lẻ loi hay bất hạnh. Ngay cả khi tốt nghiệp đại học, chưa tìm được việc làm vì trở ngại ngoại hình, tôi vẫn luôn có lòng tin “cuối đường hầm luôn có ánh sáng”. Và nghị lực trong tôi được thắp lửa từ niềm tin đó. Tôi vẫn tự tin bởi may mắn được ăn học đến nơi đến chốn, được gia đình, bạn bè yêu thương. Mỗi lần khó khăn, vấp ngã, tôi lại đứng lên và không bao giờ thấy bi lụy, oán trách cuộc đời hay số phận không may của mình. 

Chồng tôi cũng vậy. Cuộc sống chật vật của một sinh viên miền Trung xa nhà, nghèo khó không quật ngã được anh. Anh thấy mình may mắn và hạnh phúc vì có “điểm tựa” là hành trình tuổi thơ êm đềm. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào, có thể là chúng tôi không thành công, không giàu có nhưng chúng tôi thấy mình vẫn vui vẻ, đủ đầy. Đó chính là sức mạnh để chúng tôi bước tiếp trong cuộc đời. 

Và chúng tôi muốn để lại cho hai con tài sản tinh thần quý giá ấy hơn là tài sản vật chất mà một ngày nào đó có thể tiêu tan. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI