“Có cháy có cháy/ Cứu hỏa tới ngay/ Xe cứu người đây/ Máy bay trực thăng/ Của đội cứu hỏa…” – bé Hoàng Nam, 7 tuổi, hăng say đọc bài thơ Xe cứu hỏa tự sáng tác tại buổi lễ tốt nghiệp và kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Giáo dục Shichida Việt Nam, ngày 17/12/2022, khiến các bạn và quý phụ huynh ngạc nhiên thích thú.
Các học sinh khác cũng trổ tài đọc thơ, kể chuyện diễn cảm, hát bằng tiếng Trung, thuyết minh bức tranh tự vẽ, biểu diễn đàn violin, tính toán nhanh, ghi nhớ giỏi…
Có bạn còn tuổi mầm non, phát biểu, đọc thơ hãy còn ngọng nghịu nhưng vẫn xung phong đóng góp tiết mục ấn tượng của mình cho buổi lễ.
|
Bé Hoàng My hóa thân tài tình vào các nhân vật trong chuyện kể Thỏ và Rùa |
Dù mỗi tuần chỉ dạy học một buổi nhưng các cô đều nhớ tên các con, gọi các con bằng biệt danh dễ thương như Sóc, Chuột, Cherry, Xì Trum, Sữa, Củ Cải, Sumo… Không chỉ các học sinh thân quen, vui đùa tíu tít với nhau mà các phụ huynh cũng tụm lại trò chuyện rôm rả vào giờ giải lao.
Tuổi đời chỉ mầm non, tiểu học nhưng đa số các em có “thâm niên” gắn bó với Viện. Mẹ của Hoàng Nam, chị Diễm Hương (ở quận 7, TPHCM) cho biết Nam đã tiếp cận chương trình giáo dục sớm nơi đây từ gần 8 tháng tuổi, nhưng thật ra đã học từ… trong bụng mẹ.
Do lúc bé, con trai đầu lòng của chị Diễm Hương thường ít tập trung nên chị đưa vào viện và cùng học với con theo đúng yêu cầu nơi đây. Hoàng Nam tượng hình trong bụng mẹ thời gian ngắn sau đó và học cùng anh đến ngày nay. Bé gái út chào đời, cũng theo các anh vào học.
|
Bé Hoàng Nam ôm chầm lấy mẹ và nói lời cảm ơn trong lễ tốt nghiệp |
Ở tuổi lên 10, Trương Thanh Vân có vẻ rất tự tin và chững chạc khi thuyết trình về ước mơ trở thành bác sĩ. Bé nêu cụ thể, chi tiết đến từng mốc thời gian với từng chặng đường du học nước nào, trường nào, ra trường làm việc ở đâu…
|
Bé Thanh Vân say sưa với câu chuyện ước mơ |
“Cha đẻ” của phương pháp giáo dục này là giáo sư Makoto Shichida (Nhật Bản). Ông là người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục sớm trên cơ sở nghiên cứu về sự phát triển của não bộ qua các giai đoạn, đặc biệt là những tiềm năng của não phải đối với sự phát triển nhân cách và tài năng trẻ nhỏ. Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản được thành lập vào năm 1978. Đến nay, 45 năm, hơn 300 viện được thành lập và hoạt động tại 17 quốc gia.
Hiện Shichida Việt Nam có khóa thai giáo dành cho mẹ bầu, khóa trẻ sơ sinh, khóa ấu thơ, khóa tiểu học, khóa cơ thể và não bộ, khóa học kích hoạt não bộ trực tuyến. Sáu khả năng chính được Shichida phát triển: trực giác và sáng tạo, ghi nhớ, tính toán tốc độ cao, tiếp nhận nhiều ngôn ngữ, tiếp thu âm nhạc tốt – cao độ hoàn hảo, tự chữa lành.
|
Niềm vui của cả cô và trò |
Bà Jeannie Ho Chan – Viện trưởng Viện Giáo dục Shichida tại Việt Nam - cho biết: “Nguyên tắc của phương pháp giáo dục này là yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận. Trải qua 10 năm hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng khi thấy được tác động tích cực của phương pháp lên sự phát triển về thể chất, tâm hồn, trí tuệ của các em học sinh; hơn thế nữa, là sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái, giúp nuôi dưỡng trái tim ấm áp và trao cho các em một sức mạnh to lớn để thành công và dẫn dắt trong một thế giới đầy biến động”.
|
Bà Jeannie Ho Chan trao bằng tốt nghiệp cho bé Hoàng Quân |
Chị Phương Thảo (quận Bình Thạnh, TPHCM), mẹ bé Sky Louise Huynh Dalgleish 6 tuổi cho biết bé học ở viện từ 13 tháng tuổi, học đàn violin từ lúc 3 tuổi. “Ngồi phía sau lưng con, cùng học, mình hiểu con rất rõ. Tôi hạnh phúc khi thấy con hào hứng chơi mà thật ra là đang học. Con không bị áp lực mà chỉ vui và trông chờ đến giờ hai mẹ con được đi học. Những thời điểm phải ở nhà phòng chống dịch COVID-19, nhiều gia đình không biết làm gì, tôi thì bận rộn suốt vì dạy con qua những trò chơi”, chị Phương Thảo chia sẻ.
Quá trình học không những cho bé nhiều kiến thức, kỹ năng và cơ hội phát triển năng khiếu, sở thích mà có là những khoảnh khắc tuyệt vời của sự gắn kết mẹ con. Đó là khi mẹ đọc sách cùng con, ôm con vào lòng, lắng nghe từ con những câu nói khiến lòng mẹ “tan chảy”.
Di chuyển từ nhà tới trường, hai mẹ con rộn ràng với trò đố bảng hiệu. Chị Phương Thảo nhiều phen bất ngờ với trí nhớ của con nhờ phương pháp chụp hình nhanh, ghi nhớ sâu và được tập luyện lặp đi lặp lại.
|
Chị Phương Thảo và công chúa đáng yêu - Sky Louise Huynh Dalgleish |
Với câu hỏi “làm sao để các con không kiêu căng khi mình có khả năng vượt trội so với các bạn trang lứa?”, chị Phương Thảo trả lời: “Khi con đàn tốt, hay biểu diễn tốt (con là người mẫu nhí)... tôi không khen con giỏi mà khen con đã kiên trì, cố gắng, khen quá trình nỗ lực. Học cùng bạn, con biết rõ bạn và mình có những điểm mạnh khác nhau. Học các chương trình về vĩ nhân, con cũng hiểu được để có được thành công, họ đã trải qua bao lần chưa thành công, làm sai rồi làm lại”.
Cùng với câu hỏi này, chị Diễm Hương chia sẻ: “Tôi thường nhắc nhở con rằng những khả năng con đang có thật tuyệt vời nhưng nếu con vì đó mà chê bai người khác sẽ làm cho hình ảnh mình xấu đi. Con hoàn toàn có thể chọn để mình xấu đi, yếu kém đi hay nâng tầm mình lên bằng nỗ lực hơn nữa và giữ sự tôn trọng, khiêm nhường”.
Tô Diệu Hiền