Tài năng bóng đá nữ Ấn Độ phải rời sân cỏ đi giao đồ ăn vì quá nghèo

05/02/2023 - 18:09

PNO - Từng khoác áo đội tuyển bóng đá nữ, nhưng giờ đây Poulami phải rời sân cỏ đi giao đồ ăn vì quá nghèo.

 

Cô Poulami làm nhân viên giao hàng cho một công ty dịch vụ giao đồ ăn lớn ở Ấn Độ - Ảnh: Sandip Roy/BBC
Cô Poulami làm nhân viên giao hàng cho một công ty dịch vụ giao đồ ăn lớn ở Ấn Độ - Ảnh: Sandip Roy/BBC

Cô gái 24 tuổi này hiện đang làm công việc của một nhân viên giao hàng cho ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Ấn Độ có tên là Zomato. Tuy nhiên, niềm đam mê cháy bỏng của cô lại là trái bóng tròn.

Poulami từng chơi cho đội tuyển bóng đá nữ U-16 của Ấn Độ, đại diện cho quốc gia tỷ dân này thi đấu tại nhiều giải đấu quốc tế. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi khi cô đành phải từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn này để tìm một công việc khác kiếm tiền phụ giúp bố mình đang gặp khó khăn về tài chính.

Bị hắt hủi chỉ vì “con gái mà lại chơi bóng đá”

Poulami sinh ra và lớn lên ở khu dân cư nghèo Shibrampur nằm cạnh sông Hoogly thuộc thành phố Kolkata.

Cô được một người dì nuôi dưỡng sau khi mẹ qua đời khi mới được hai tháng tuổi. Cha cô, một tài xế taxi bán thời gian, đã phải vật lộn để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Năm lên 7 tuổi, Poulami thấy những cậu bé cùng trang lứa thường tụ tập chơi bóng cùng nhau ở sân chơi khu phố. Cô bé đã tham gia đá bóng cùng đám bạn, và vì mặc một chiếc quần đùi cùng làn da ngăm đen nên ban đầu ai cũng nhầm tưởng rằng Poulami là một bé trai trong nhóm.

"Nhưng khi những người lớn biết tôi là con gái, họ bắt đầu phàn nàn với ban quản lý sân chơi và sau đó là với dì của tôi", Poulami kể lại. "Họ nói rằng, không thể chấp nhận được việc một bé gái lại mặc quần đùi và chơi bóng cùng đám con trai”.

Những lời lẽ đầy định kiến và phân biệt này đã khiến Poulami cảm thấy tổn thương.

"Tôi thực sự buồn và khóc rất nhiều khi không được phép ra sân đá bóng cùng bạn bè mỗi ngày. Tôi rất muốn được chơi bóng”.

Các bé gái ở vùng nông thôn của Ấn Độ không được ủng hộ chơi bóng đá - Ảnh: Ilana Millner/Guardian
Các bé gái ở vùng nông thôn của Ấn Độ không được ủng hộ chơi bóng đá - Ảnh: Ilana Millner/Guardian

Tham gia đội tuyển nữ quốc gia

Rất may là dì của Poulami thấu hiểu cháu mình và không ngừng động viên cô bé tự tập luyện một mình các bài tập với trái bóng mỗi khi có thời gian rỗi. Và may mắn hơn nữa khi vào một ngày đẹp trời, Poulami vô tình lọt vào tầm mắt của huấn luyện viên bóng đá địa phương tên là Anita Sarkar. Cô bé có cơ hội chơi cho đội bóng đá nữ thành phố, và khi mới 12 tuổi, Poulami đã được chọn vào đội tuyển U-16 của Ấn Độ.

"Đối với em, được khoác áo đội tuyển Ấn Độ, đại diện cho đất nước tham gia các giải đấu quốc tế khi còn trẻ như vậy là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của bản thân", Poulami nói.

Năm 2013, cô được đặt chân đến Sri Lanka, nơi cô tham gia các trận đấu vòng loại cho giải vô địch nữ trẻ của Liên đoàn bóng đá Nam Á. Năm 2016, cô đã bay tới Glasgow (Scotland) để tham dự một giải bóng đá đường phố quốc tế dành cho thanh niên.

Cô Poulami từng cùng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Ấn Độ tham gia các giải đấu quốc tế - Ảnh: Sandip Roy/BBC
Cô Poulami từng cùng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Ấn Độ tham gia các giải đấu quốc tế - Ảnh: Sandip Roy/BBC

Từ bỏ bóng đá chỉ vì “cái khó bó cái khôn”

Mọi chuyện tưởng như đang diễn ra một cách tốt đẹp thì một sự cố đã xảy ra vào năm 2018 khi Poulami bị chấn thương ở chân, phải nằm liệt giường và trải qua nhiều đợt phẫu thuật.

Khi cô hồi phục thì một vấn đề nan giải khác đã xuất hiện ngăn cô quay trở lại đội tuyển: Gia đình Poulami gặp khó khăn về kinh tế và cô cần phải giúp duy trì cuộc sống gia đình.

Thế là, cô gái trẻ đành phải tạm gác lại giấc mơ với trái bóng tròn của mình để bắt đầu làm những công việc lặt vặt kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Năm 2020, đúng vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, Poulami xin được một chân giao đồ ăn cho công ty dịch vụ Zomato và làm việc từ đó đến nay.

Cường độ làm việc hơn 14 tiếng đồng hồ để kiếm 4 USD (khoảng 100.000 đồng) tiền công mỗi ngày đã chiếm hết thời gian cũng như vắt kiệt sức lực khiến Poulami không còn cơ hội để được chạm chân vào trái bóng.

"Nếu có một công việc được trả lương cao hơn, làm việc từ 8 đến 10 giờ, thì em có thể dễ dàng dành ra 3 đến 4 giờ cho niềm đam mê bóng đá của mình", Poulami nói.

Ngoài ra, cô cũng nhận thấy có sự đối xử không công bằng trong lĩnh vực thể thao ở đất nước mình.

"Ở Ấn Độ, nhiều người thường quan tâm và mua vé xem các trận thi đấu bóng đá nam và bỏ qua bóng đá nữ. Phụ nữ chơi thể thao dường như bị bỏ quên".

Cô Poulami cho rằng, chính phủ Ấn Độ cần quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ để những tài năng trẻ có cơ hội được tỏa sáng - Ảnh: Sandip Roy/BBC
Poulami cho rằng, chính phủ Ấn Độ cần quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ để những tài năng trẻ có cơ hội được tỏa sáng - Ảnh: Sandip Roy/BBC

Shanti Mullick, cựu tiền đạo của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, cho biết thêm, phụ nữ trẻ ở Ấn Độ không có cơ hội tạo dựng sự nghiệp từ thể thao, và càng khó khăn hơn nếu ai đó xuất thân từ một gia đình nghèo khó.

"Poulami lẽ ra đã có thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp nếu hoàn cảnh của cô ấy khác đi. Cần phải đầu tư nhiều hơn để phát triển bóng đá nữ, để chúng tôi không mất đi những tài năng thể thao nữ chỉ vì họ quá nghèo", cô Shanti Mullick nêu ý kiến.

Nguyễn Thuận (theo BBC)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI