edf40wrjww2tblPage:Content
Đường dưới chân cầu Bình Thuận rất nguy hiểm, chỉ cần lạc tay lái là rơi xuống rạch
"Bẫy" chết người
Tỉnh lộ 9 (H.Củ Chi) bắc qua 10 cây cầu với 10 con rạch, điểm chung là hầu hết các con rạch này đều cập sát với đường dẫn vào các khu dân cư và không có rào chắn cách ly. Ngay đoạn đầu Tỉnh lộ 9 (bắc từ cầu Rạch Tra) đã tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi đường khá hẹp, bề ngang chỉ 5 - 6m, nhưng hai bên đường đều có rạch thoát nước hở đứt đoạn, không rào chắn.
Đến cầu Ông Huyện (ấp 5, xã Bình Mỹ), chúng tôi rẽ vào đường dẫn đến các khu dân cư. Tại đây có một con rạch lớn, nước chảy xiết, nhưng đường và mặt nước chỉ cách nhau vài gang tay, không có rào chắn, một số hộ dân phải tự làm rào chắn bằng tôn, cây cũ… Ông Thắng - người dân có nhà cạnh rạch cho biết: “Mưa lớn nước rạch tràn lên bờ, nếu có việc phải nhắm mắt chạy qua chứ nguy hiểm lắm, nhiều người lo sợ phải chờ nước rút bớt mới dám đi”.
Nguy hiểm hơn là con đường dọc theo rạch dưới chân cầu Bình Thuận (xã Bình Mỹ), bởi đường nhỏ hẹp chỉ hơn 1,5m, sỏi đá mấp mô và trơn trượt. Mỗi khi mưa xuống, nếu chẳng may người đi đường trượt bánh xe là rơi xuống rạch ngay. Lo sợ, người dân tận dụng cành tre khô ngăn bớt mép rạch với con đường.
Chứng kiến người đàn ông chạy xe qua đoạn đường hẹp, chúng tôi thót tim bởi anh loạng choạng tay lái, chỉ còn hơn gang tay là bánh xe trượt khỏi mặt đường, rơi xuống nước. Dừng xe lau mồ hôi, người đàn ông tên Phước (nhà trên đường Tỉnh lộ 9) thở phì nói: “May quá, thắng kịp, nhiều người suýt rơi xuống rạch này vì không có rào chắn, nhất là ban đêm, không có đèn đường, chỉ cần lạc tay lái là rơi xuống ngay”. Chưa kể, theo anh Phước, các con rạch bắc qua Tỉnh lộ 9 đều tiếp nhận nước từ sông Sài Gòn lúc nào cũng chảy xiết, mùa mưa nước tràn lên bờ, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.
Rời H.Củ Chi, chúng tôi đi dọc kênh Trần Quang Cơ (đoạn dưới chân Cầu Dừa - giáp ranh giữa H.Hóc Môn và Q.12), đây là con đường dẫn vào khu dân cư với hàng chục hộ dân. Không giống như những đoạn kênh khác thường khô cạn, đoạn kênh này do gần nhánh sông Rạch Tra nên nước lúc nào cũng chảy xiết, chỉ cần cơn mưa lớn, nước sẽ tràn lên mặt đường. Điều nguy hiểm là dọc đoạn kênh dài hơn 1km không có rào chắn, rất khó phân biệt đâu là đường, đâu là mép kênh khi cỏ dại mọc um tùm. Tương tự, đường Đỗ Văn Dậy qua khỏi cầu Xáng đến Tỉnh lộ 15 (nối H.Hóc Môn và H.Củ Chi), việc đi lại của người dân cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi bên trái đường đang thi công mở rộng, bên phải là con rạch nhỏ men theo vài cây số nhưng không được rào chắn.
Mới đây, một vụ tai nạn đã xảy ra tại rạch Bà Mẫn (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) khi một người đàn ông té xuống kênh và bất tỉnh. Rất may, nhờ nước cạn, gần sáng hôm sau, một người dân phát hiện, cứu sống kịp thời. Đoạn kênh này dài hơn 3km nối từ xã Xuân Thới Đông đến xã Xuân Thới Thượng không có rào chắn, trong khi đường dọc kênh là đường đất, mấp mô, trơn trượt.
Huyện Bình Chánh có nhiều con kênh. Trong đó, đáng lưu ý là các kênh An Hạ, Cầu Lớn, kênh B, kênh C… đi qua địa bàn dân cư đông đúc, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong khi dọc kênh không có rào chắn hay cảnh báo gì.
Phập phồng những “con mương”
Nhiều dự án thi công đào đường cẩu thả hiện nay đang tạo ra những “con mương” như những cái bẫy chết người đặt trên đường. Theo phản ánh của người dân sống hai bên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9), khoảng sáu tháng gần đây, khi dự án xây dựng công trình hệ thống thoát nước tuyến đường này thi công, đã có nhiều vụ tai nạn.
Ngày 7/7, theo ghi nhận của chúng tôi, dự án đầy rẫy những cái “bẫy” chết người. Từ góc đường Đỗ Xuân Hợp - Xa lộ Hà Nội đi vào đường Đỗ Xuân Hợp khoảng 1km, hai chiếc xe cẩu đang đào một hố công trình sâu khoảng 2m, dài gần 10m, nhưng chỉ rào chắn vài tấm tôn. Nhìn các phương tiện chạy cặp sát hố công trình sâu hun hút, bên dưới là hàng rào sắt đâm lên tua tủa, nhiều người không khỏi rùng mình. Trong khi xung quanh công trình tập trung nhiều trường học có rất đông học sinh ra vào. Thấy chúng tôi chụp hình, một số công nhân vội chạy ra khiêng vài tấm tôn rào chắn lại.
Cách đó khoảng 100m, hai hố công trình khác sâu khoảng 2m, sát nhà dân, nhưng quanh hố chỉ có vài sợi dây giăng mắc tạm bợ. Thậm chí, có đoạn không được rào chắn. Bên dưới công trình, nước dâng cao khoảng 1m. Nhìn các em nhỏ đang chơi cạnh hố công trình, chúng tôi không khỏi lo sợ, chỉ cần sẩy chân là không biết chuyện gì xảy ra. Tại đây, khi nghe chúng tôi thắc mắc về việc thi công không rào chắn, một người đàn ông tự xưng chỉ huy công trường giải thích: “Do người dân không muốn công trình rào chắn, sợ che hết mặt tiền họ làm ăn, buôn bán không được”. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân phản bác, họ chưa bao giờ yêu cầu công trình đào đường không rào chắn để chờ… rước họa vào thân.
Trong khi đó, trước nhà số 517 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long B, Q.9, một hố công trình kéo dài gần 20m đã thi công đặt cống xong, nhưng không chịu tái lập đường. Xung quanh công trình chỉ giăng mắc vài sợi dây. Tuy nhiên, theo chị Phạm Ngọc Bích (nhà số 517 Đỗ Xuân Hợp), những sợi dây rào chắn xung quanh công trình là do chị làm chứ không phải của đơn vị thi công. Chị Bích cho biết: “Từ khi có hố công trình này, không biết bao nhiêu vụ tai nạn đã xảy ra. Tai nạn mới nhất là chiều ngày 6/7. Trời mưa to, mặt đường ngập lênh láng. Một phụ nữ chở con chạy ngang qua đã té ngã vào trong hố, bị thương nặng. Người dân tại đây đã đưa đi cấp cứu”. Trước đó, một thanh niên cũng té ngã tại đây bị thương nặng. Khi trời mưa to, hố công trình thành một ao nước.
Ông Lê Văn Tuấn - Đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 5 cho biết, công trình xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Đỗ Xuân Hợp là công trình trọng điểm, thanh tra thường xuyên nhắc nhở, hầu như tuần nào cũng hai-ba lần và lập nhiều biên bản vi phạm hành chính, trong đó các lỗi chính của đơn thị thi công là thiếu người điều tiết giao thông, để đất đá vật liệu rơi ra đường, làm rơi vãi bùn đất gây mất vệ sinh…
Mỗi lỗi như trên, đơn vị thi công bị phạt bốn triệu đồng, chưa kể họ phải dọn dẹp sạch sẽ đường sá. Tuy nhắc nhở và xử phạt thường xuyên, nhưng theo ông Tuấn chỉ hạn chế phần nào vi phạm, bởi công trình thi công trong điều kiện khó khăn do mặt bằng hẹp, lưu lượng xe đông, khó đảm bảo các điều kiện an toàn như quy định.
THU HỒNG - PHAN TRÍ