Tai nạn trong trường học: Không đơn giản là... xui

20/10/2017 - 08:53

PNO - Gần đây, nhiều tai nạn gây thương vong nghiêm trọng cho học sinh ngay trong trường học như điện giật, bê tông hay quạt trần rơi trúng, bị tủ đè… liên tục xảy ra đã khiến phụ huynh thật sự bất an.

Nếu chúng ta vẫn không quy trách nhiệm cụ thể mà cứ nghĩ đơn giản đó chỉ là chuyện xui xẻo thì chắc chắn các vụ tương tự sẽ kéo dài mãi. Nhiều phụ huynh (PH) đã bức xúc lên tiếng.  

Tai nan trong truong hoc: Khong don gian la... xui

Một sinh viên Trường ĐH Hutech đã thiệt mạng vì bị bê tông rơi trúng đầu ngay trong trường

Anh Phan Đăng Khoa (PH ở quận 4, TP.HCM): Phải xác định rõ trách nhiệm, không thể mãi đổ lỗi cho… ông trời

Thú thật, trước đây tôi cứ nghĩ gửi được con vào trường công là hoàn toàn yên tâm; nhưng sau nhiều vụ trẻ bị điện giật, tủ đè, sàn sập… tôi thật sự lo lắng. Chắc chắn nhiều PH khác cũng có nỗi lo như tôi. Ngày nay ai cũng sinh ít con, nên một đứa trẻ có khi là niềm hy vọng của một gia đình, thậm chí là của cả gia tộc.

Tôi thấy lạ là sau những vụ việc khiến trẻ bị thương vong đó, không thấy ai là người phải chịu trách nhiệm và có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để đảm bảo tuyệt đối cho an toàn của trẻ. Dường như những người có trách nhiệm cho những sự cố đó chỉ là tại nạn, xui xẻo, trời kêu ai nấy dạ, chứ không phải trách nhiệm của ai.

Nếu còn tiếp tục tư duy kiểu đó, thần chết sẽ còn xuất hiện dài dài trong trường học, mà nạn nhân chính là con cái chúng ta. Ngành giáo dục và ngành xây dựng phải nghiêm túc kiểm điểm xem nguyên nhân sự cố là do đâu, sự tắc trách dẫn đến sự cố là từ ai, để xác định rõ trách nhiệm, để truy cứu và có giải pháp khắc phục đúng việc, đúng người.

Anh Nguyễn Thanh Lâm (PH ở quận 2, TP.HCM): Đừng ngồi chờ xảy ra sự cố rồi mới khắc phục

Từ những vụ sập sàn lớp học ở Đà Lạt khiến nhiều HS bị thương, sập công trình đang xây trong trường học ở Hà Nội… tôi rất lo khi nghĩ đến việc biết đâu các trường khác cũng được xây dựng cẩu thả như vậy, và lỡ một ngày nào đó... Chỉ nghĩ bấy nhiêu tôi đã muốn chạy ngay lên trường mầm non để ẵm đứa con bé bỏng của mình về ngay.

Tai nan trong truong hoc: Khong don gian la... xui

Mảng vữa dưới mái hiên tầng 16 của trường Hutech rơi xuống trúng đầu gây tử vong nam sinh viên

Nhưng, đón về rồi đưa đi đâu? Hình như trường nào cũng… vậy! Những PH như tôi chỉ biết sáng đưa con đến trường giao cho cô giáo, chiều đón về; chứ không thể biết chính xác trong lớp học của con mình trần, sàn, cửa kính, tủ đồ, điện đóm ra sao; nhà vệ sinh, hành lang sân trường có đảm bảo an toàn không.

Nếu có sự cố, những đứa bé 4-5 tuổi như con tôi sẽ thế nào? Thiết nghĩ, các trường không được phép ngồi chờ xảy ra sự cố rồi mới lo khắc phục, mà phải chủ động kiểm tra, rà soát mọi điều kiện đảm bảo an toàn cho HS. Đồng thời, nhà nước phải có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các quy chuẩn xây dựng trường học, giám sát thật chặt, quy định về trách nhiệm rõ ràng để đảm bảo an toàn tối đa có thể cho môi trường học đường.

Ông Lê Ngọc Điệp - cựu Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM: Trường phải mở rộng cửa cho PH giám sát và hỗ trợ

Tôi không hiểu hết những quy định trong xây dựng, nhưng từ các chuyến tham quan ở Mỹ tôi thấy rất rõ, những người có trách nhiệm rất quan tâm đến vấn đề an toàn trường học; tùy điều kiện của từng địa phương mà có những tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thề khác nhau đối với việc xây dựng trong trường học. 

Trong khi đó, ở ta thì chỉ có một chuẩn chung. Trường nào cũng có một cán bộ phụ trách cơ sở vật chất, nhưng do thiếu quan tâm đến an toàn cho HS, nên việc kiểm tra để phát hiện và sửa chữa, đề phòng sự cố rất qua loa, tai nạn vì thế cứ xảy ra… đều đều. Ban giám hiệu các trường phải quan tâm nghiêm túc hơn nữa với vấn đề này.

Ba tháng hè là thời gian để các trường tổng kiểm tra lại cơ sở vật chất: bàn ghế có bị trầy xước, đinh có bị bung ra; vôi vữa, la phông chỗ nào có nguy cơ rơi rớt; điện chỗ nào có nguy cơ rò rỉ… PH HS cũng phải có ý thức hỗ trợ nhà trường. Đặc biệt, những trường công là trường của nhân dân, của cộng đồng, phải mở rộng cửa để dân cư cùng giám sát, chăm sóc.

Thực tế, nhiều PH tuy rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ nhưng còn ngại không dám thể hiện. Các trường phải chủ động trong việc này. 

Những sự cố gây thương vong trong trường học gần đây

- Tối 17/10, một sinh viên Trường ĐH Hutech đã thiệt mạng vì bị bê tông rơi trúng đầu ngay trong trường. Trước đó, sáng cùng ngày, tại Trường tiểu học Thạnh Quới A (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng xảy ra vụ la phông rớt làm 9 HS bị thương.

 - Hai ngày trước, ngày 12/10, một HS lớp Bốn đã bị điện giật chết tại Trường tiểu học Đại Bản 2, huyện An Dương, TP.Hải Phòng.

- Ngày 26/8, một vụ sập sàn lớp học khiến 10 HS bị thương đã xảy ra tại Trường THCS và THPT Đống Đa (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). 

- Ngày 20/7/2016, một HS lớp Một Trường mầm non Hướng Dương (P.An Hòa, TP.Sa Đéc) tử vong vì bị tủ đè ngay trong trường. 

- Cuối năm 2014, một HS lớp Một, Trường Lê Qúy Đôn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng bị tủ đè chết. Cùng năm, một HS lớp Lá, Trường mầm non Sơn Ca (Q.9, TP.HCM) cũng tử vong do bị cánh cửa tủ đè. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI