Tai nạn thương tâm ở trường học: sẵn sàng xảy ra bất cứ lúc nào

14/12/2014 - 09:38

PNO - PN - Một trẻ mầm non bị một cánh cửa tủ bằng bê tông của trường đè chết, vài tháng sau, một học sinh lớp 1 cũng bị tủ đè chết ngay tại trường học… Tai nạn thương tâm ở trường học đã không còn hy hữu, khi vẫn còn khá...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tai nan thuong tam o truong hoc: san sang xay ra bat cu luc nao

Trường Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5) không có lối thoát hiểm, học sinh chỉ sử dụng một cầu thang nhỏ hẹp, cũ kỹ ảnh: P.T

Cái chết bất ngờ

Ngày 11/12, một ngày sau khi hỏa táng thi thể của bé T.G.B., học sinh (HS) lớp 1 Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Q.Gò Vấp, TP.HCM), căn nhà B. ở vẫn còn vẳng lên tiếng khóc ai oán của mẹ bé. Người thân và thầy cô không thể tin nổi B. đã vĩnh viễn ra đi. Sự bàng hoàng chưa vơi trên khuôn mặt của những người ở lại.

Một người thân của B. nghẹn ngào kể: Cũng như bao buổi sáng khác, sáng hôm đó, B. hồ hởi được mẹ đưa đến trường. Nhưng không ngờ đó là ngày cuối cùng B. được đi học, được cười nói, được sống. Theo các giáo viên (GV), B. là HS ngoan, lanh lợi, rất lễ phép. Thỉnh thoảng, B. hay vô phòng cô hiệu phó để xin nước uống và trò chuyện với cô. Gia đình B. có hoàn cảnh khó khăn, mẹ làm công nhân và hiện cả nhà ở trọ tại P.14, Q.Gò Vấp.

Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 9/12. Sau giờ ăn trưa ở tầng trệt, còn khoảng năm phút nữa HS mới được lên lầu ba ngủ thì GV nghe tiếng động lớn ở khu vực lầu ba. GV vội chạy lên thì thấy B. đang bị chiếc tủ đựng mền gối trong phòng ngủ đè lên người. Nhà trường tức tốc đưa B. đi cấp cứu nhưng do chấn thương đầu quá nặng, bé đã qua đời lúc 23g45 cùng ngày.

Chiếc tủ đè lên người B. làm từ gỗ ép, có kích thước khoảng 1,5m x 1,8m dựng sát tường. Tủ được chia thành nhiều ô nhỏ có cửa để đựng mền gối cho từng HS. Mỗi phòng có hai chiếc tủ được kê sát nhau. Tai nạn xảy ra tuy nằm ngoài sự tưởng tượng của nhà trường, nhưng cái tủ đựng mền gối dựng lừng lững trong phòng học lại gợi lên biết bao nguy cơ với những cơ thể bé nhỏ của học trò tiểu học. Tiếc rằng, sự chủ quan của người lớn đã không lường được những điều đó.

Mới hồi tháng Năm, ngành giáo dục một phen rúng động vì cái chết của một HS mầm non ở Q.9. Bé được đi tham quan ngôi trường tiểu học tương lai và cũng bị cánh cửa tủ sách đè chết. Thêm việc thương tâm vừa xảy ra tại Q.Gò Vấp, xã hội không thể an lòng tin rằng những tai nạn ở trường học là hy hữu.

So với khu vui chơi, công viên, hồ bơi thì trường học được tin tưởng là môi trường an toàn hơn cho HS, thế nhưng nơi này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khó ai ngờ những vật dụng, thiết bị phục vụ cho việc dạy học, sinh hoạt của HS lại gây chết người cho chính các học trò. Theo ban giám hiệu Trường tiểu học Lê Quý Đôn, trường mới xây vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Các thiết bị như tủ, bàn ghế... đều do chủ đầu tư cung cấp và những chiếc tủ đựng mền gối kia cũng còn mới tinh, chưa kịp gắn cố định vào tường. Còn công trình “tủ sách” trong tai nạn ở Q.9 lại là một công trình của ban đại diện cha mẹ HS. Mọi quá trình thiết kế, xây dựng, lên kinh phí chủ yếu là do Hội cha mẹ HS trường giữ vai trò chính và nhà trường cùng tham gia giám sát.

Tai nan thuong tam o truong hoc: san sang xay ra bat cu luc nao

Bàn ghế gãy tại trường THCS Khánh Bình (Q.8)

Tai nan thuong tam o truong hoc: san sang xay ra bat cu luc nao

Nhan nhản tai họa rình rập

Không dừng lại ở một hai sự cố trên, nhiều tai nạn học đường ngoài yếu tố khách quan còn đến từ sự chủ quan không ít của người lớn. Chị Trần Thị Hoa, ngụ ở Q.12 gọi điện về cho báo Phụ Nữ, giọng bàng hoàng: “Các ban ngành chức năng phải đi kiểm tra thực tế cơ sở vật chất các trường học đi. Mới hôm đầu năm họp phụ huynh, chúng tôi là phụ huynh của khối lớp 6 một trường THCS ở Q.12 đã cảnh báo với cô chủ nhiệm về cái sân trường gồ ghề.

Năm học trước đã có hai cháu vì chạy nhảy vấp mấy viên gạch vênh lên bị té gãy tay, mẻ răng. Trong lớp học, nhiều ổ điện cũ kỹ, quạt trần thì lỏng lẻo". Sau khi nghe phụ huynh phản ánh, cô chủ nhiệm nói thẳng: “Nhà trường đã nhận ra những việc này, nhưng mấy năm rồi trường không được thu tiền cơ sở vật chất theo quy định mới, trường cũng không thể vận động phụ huynh đóng góp nên mong phụ huynh thông cảm”. Cuối cùng, không dằn được nỗi lo, phụ huynh tự xin phép nhà trường để thay toàn bộ dây điện, ổ điện; tráng xi măng.

Ngay cổng trường tiểu học Lê Văn Tám, P.Tân Thành, Q.Tân Phú là hai gốc xà cừ lâu năm. Sau một trận bão, cây xà cừ bật gốc, đổ sập, tán cây có đường kính vài chục mét đè nát một phần căng tin của trường, may mà không có thương vong, nhưng vụ việc làm nhà trường và phụ huynh hốt hoảng, vì phía bên cổng còn lại vẫn còn một gốc cây lớn cùng tuổi với cây đã đổ, có thể trốc gốc bất cứ lúc nào. Ngay giữa sân trường, nơi dựng cột cờ cũng có một cây cổ thụ thường xuyên đổ lá và rụng quả, nhân viên vệ sinh dọn không xuể. Nhiều HS đã chạy nhảy và trượt chân vì đám lá, quả rụng này.

Bé D.H., HS lớp 2 Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.Tân Bình) cho biết, giữa sân trường của em có cái cột bóng rổ bị “lung lay”. Nhà trường “ứng phó” bằng cách dán bảng chữ cấm HS leo trèo chứ không có cách xử lý nào cho phụ huynh yên tâm hơn.

Trường mầm non là nơi có nhiều mối nguy với trẻ nhất vì phần lớn các trường phải cải tạo, cơi nới từ cơ sở cũ nát. Có đứa con trai hiếu động, chị N.T.N.P. (đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú) quyết định “chọn mặt gửi vàng”, đưa con vào một trường mầm non chuẩn của Q.Tân Phú. Ngay cạnh hộc tủ để đồ lớp con chị là chiếc thang máy chuyển chở đồ ăn rất thô sơ, bất cứ bé nào tò mò cũng có thể chui vào cái thùng kim loại lúc thang không hoạt động và thò đầu ngó vào cái lỗ hổng trống hoác khi thang không có mặt ở đó. Quanh khuôn viên trường là hệ thống thoát nước với hơn 100 hố ga. Có những lỗ cống khiến không ít bé đã lọt hố ngay khi bước từ cổng vào sân. Dù chưa có tai nạn nào đáng tiếc nhưng đó là nơi không an toàn nhìn rõ nhất…

Tai nan thuong tam o truong hoc: san sang xay ra bat cu luc nao

Tai nan thuong tam o truong hoc: san sang xay ra bat cu luc nao

Chiếc tủ tại trường Lê Quý Đôn đã đề chết học sinh T.G.B.

Chỉ giật mình khi có hậu quả

Ngay sau sự cố xảy ra, Trường Lê Quý Đôn lập tức cho thợ gắn vít cố định tất cả các tủ này vào vách tường (ngoại trừ phòng ngủ xảy ra vụ việc vì công an đang niêm phong). Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cũng đã chỉ đạo tất cả 80 trường từ mầm non đến THCS rà soát lại chất lượng của tất cả tủ, bàn, ghế, cửa phòng… và khắc phục ngay nếu thấy có nguy cơ gây tai nạn. Trong tuần này, Phòng họp đột xuất tất cả hiệu trưởng trong quận để thông tin vụ việc và yêu cầu rà soát lại cơ sở vật chất của trường, bảo đảm an toàn cho HS.

Cũng sau vụ việc, nhiều phòng GD-ĐT của các quận đã lên phương án rà soát, kiểm tra lại chất lượng của cơ sở vật chất không chỉ trong phòng học mà cả các hệ thống ở sân trường.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho biết: “Kể từ vụ việc một trẻ mầm non ở Q.9 bị cánh cửa tủ thư viện đè, chúng tôi đã chỉ đạo mỗi trường thành lập một bộ phận phụ trách cơ sở vật chất, do phó hiệu trưởng hành chính chịu trách nhiệm. Hàng tháng phải có kiểm tra tổng quát, từ tủ đèn đến hệ thống điện… Chúng tôi yêu cầu GV và bảo mẫu quan sát hàng ngày, hễ thấy có vấn đề gì phát sinh, ảnh hưởng đến an toàn của HS là phải báo cáo ngay. Trước đây, nhiều trường dùng tủ đựng gối khá cao. Nhưng sau vụ việc ở Q.9, Phòng đã chỉ đạo thanh lý tất cả, thay vào đó là loại tủ có chiều cao thấp, khoảng 1,2m để giảm thiểu việc HS với, leo trèo lấy gối bị mất thăng bằng, té ngã".

Một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết sẽ đưa vấn đề này ra giữa cuộc họp giao ban các hiệu trưởng trường học để nhắc nhở và yêu cầu các trường rà soát lại công tác đảm bảo an toàn cho HS ở trường.

Việc các đơn vị quản lý giáo dục rốt ráo chấn chỉnh ngay lúc này là việc làm cần thiết. Nhưng giá như không cần phải chờ để một vài cái chết thương tâm của con trẻ xảy ra, giá như những người lớn sớm nhìn nhận được những nguy cơ gây tai nạn thì có lẽ đã không xảy ra những mất mát quá đau đớn này.

NHÓM PV GIÁO DỤC

“Trong trường hợp tai nạn xảy ra ở trường học, dù nhà trường không cố ý gây ra tai nạn, cái chết cho cháu bé, nhưng nhà trường phải chịu trách nhiệm với sự việc xảy ra. các gia đình hoàn toàn có thể khởi kiện nhà trường ra TAND quận, huyện nơi trường trú đóng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo luật định.

Căn cứ điều 627 bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác nếu bị sụp, ngã, đổ… gây ra, chủ sở hữu (nhà trường) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong đó gồm chi phí cứu chữa, mai táng… lẫn bồi thường về tổn thất tinh thần (Điều 610, 612, Bộ luật dân sự).

Ở đây, còn có trách nhiệm “vô ý” hoặc “cố ý” (cụ thể là có ai đó trong BGH, GV, bảo mẫu, bảo vệ… từng thấy những trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường có khả năng ngã, đổ, gây hại cho trẻ mà không lên tiếng cảnh báo, sửa chữa...), người chịu trách nhiệm còn có thể bị kỷ luật theo quy chế, nội quy của nhà trường, theo Luật cán bộ công chức cùng các quy định về quản lý hành chính hiện hành”.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Theo các bác sĩ cấp cứu, vì bản tính tò mò, hiếu động nên HS thường dễ bị tai nạn. Những vật dụng đơn giản cũng dễ dàng trở thành nguyên nhân dẫn đến tai nạn nguy hiểm. Mới đây, Khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, đã tiếp nhận một HS là cháu N.Q.V., bảy tuổi bị dây rèm cửa quấn quanh cổ.

Trong giờ ra chơi, bé V. đứng trên ghế gần cửa sổ phòng học thì bất ngờ bị bạn cùng lớp dùng dây rèm cửa quấn ngang cổ để trêu đùa. Bất ngờ ghế đổ, V. bị dây rèm thít chặt cổ và treo lơ lửng. Rất may, nhân viên y tế của trường đã kịp thời tiến hành cấp cứu cơ bản. Sau hai phút, cháu V. đã thở hắt ra, khóc to, hô hấp được và tim đập trở lại. V. được hỗ trợ thở ôxy và vận chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, tại khoa này mỗi năm có khoảng năm-bảy ca tai nạn ở trường học vì những sự cố bất thường do sơ ý hoặc sự cố như té cầu thang, trượt chân, bị va bàn ghế, ngạt nước trong xô, chậu, hồ bơi, sặc thức ăn....

Một số trường học có một số thiết kế chưa phù hợp, ví dụ như để chống trơn sàn nhà, trường lại trải nệm sàn nhưng đó là nơi chứa vi khuẩn dễ gây bệnh. Biện pháp phòng ngừa cho trẻ là phải quan tâm giám sát, thiết kế cơ sở vật chất đảm bảo an toàn như cầu thang, sàn nhà, bàn ghế không quá trơn, không có góc nhọn, ổ điện xa tầm tay, nhằm hạn chế những thương tổn.

Các trang thiết bị, vật dụng trong trường lớp phải thiết kế phù hợp với chiều cao, kích thước, độ tuổi của HS. Tủ đồ chơi không quá nặng, quá cao, to. Mực nước hồ bơi thấp, phải có hàng rào, khi cho trẻ xuống hồ phải có người hướng dẫn, chăm sóc. Với trẻ ở nhà trẻ thì không nên để nước trong xô, chậu vì khi trẻ té vào hoặc cúi mặt xuống nước sẽ không tự ngẩng lên được. Nên hướng dẫn cho trẻ kỹ năng khi bị tai nạn như biết gọi người cấp cứu, giúp đỡ. Trường học có tủ thuốc, bông băng... có nhân viên y tế biết sơ cứu. Cũng theo bác sĩ Phương, bên cạnh việc phòng ngừa thì cũng cần chú trọng đến vấn đề khắc phục hậu quả tai nạn. Hiện nay các trường đều có nhân viên y tế học đường nhưng phần lớn là bác sĩ răng hàm mặt hoặc y tá, chưa có nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp, nên sơ cứu chưa tốt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI