“Tai nạn thì không chờ ai cả”

06/05/2022 - 06:29

PNO - Bình quân mỗi tháng, TPHCM có 58 vụ việc cháy nổ, tai nạn, thiên tai (gần 2 vụ/ngày) rất cần đến sự “ra tay” của lực lượng CNCH.

 

Lực lượng PCCC làm việc tại hiện trường vụ cháy một chung cư cũ ở quận 1 - TPHCM
Lực lượng PCCC làm việc tại hiện trường vụ cháy một chung cư cũ ở quận 1 - TPHCM

Vào lúc 17g30 ngày 30/3, tổ cứu nạn cứu hộ (CNCH) thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và CNCH, Công an TPHCM nhận được tin báo về việc một tổ ong vò vẽ to tướng nằm trên một cây xanh trước số nhà 116 Nguyễn Du, P.Bến Thành, Q.1. 

Đến 18g40, lực lượng chức năng đã cử hai chiến sĩ mang đồ bảo hộ, leo lên xe thang tiếp cận tổ ong. Khoảng 15 phút sau, tổ ong vò vẽ có đường kính hơn 1,2m này đã được các chiến sĩ dùng lưới bao trọn và mang xuống một cách an toàn.

Rạng sáng 19/4, một đám cháy bùng phát tại tiệm bán tạp hóa số 124 Nguyễn Thái Bình, P.12, Q.Tân Bình. Khu vực cháy chứa nhiều hàng hóa nên đám cháy bùng nhanh, lan rộng, khói tỏa mù mịt. Người dân xung quanh hô hoán và huy động bình chữa cháy dập lửa, nhưng do nhà bị khóa phía trong nên việc dập lửa không thành. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Q.Tân Bình và Q.11 đã triển khai phương tiện cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, phá cửa, chữa cháy, cào hàng hóa ra để dập lửa cháy ngầm. Một tổ công tác đã vào sâu bên trong, đưa hai người bị mắc kẹt ra ngoài an toàn.

Trên đây là hai trong số hàng trăm vụ việc cần đến sự ra tay của lực lượng CNCH mỗi năm. Sự cần thiết phải có một lực lượng CNCH chuyên nghiệp đã rõ, nhưng việc xây dựng một đội ngũ “nhà nghề” ở TP.HCM lại đang gặp nhiều vấn đề.

Ngày 14/12/2013, Chủ tịch UBND TPHCM đã ra Quyết định số 6630/QĐ-UBND ban hành “Đề án nâng cao năng lực PCCC và CNCH trên địa bàn TPHCM ngang tầm với các nước trong khu vực”, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể, như tổ chức các đoàn công tác đi học hỏi cách PCCC của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và các nước Tây Âu, để tiếp thu những công nghệ mới, mô hình tổ chức để áp dụng có chọn lọc vào các đơn vị chữa cháy của TPHCM; thuê chuyên gia nước ngoài về Việt Nam hoặc cử những cán bộ trẻ đi đào tạo ở nước ngoài; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác chữa cháy và CNCH. 

Ngày 18/7/2016, UBND TPHCM lại ra Quyết định số 3678/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TPHCM đến năm 2025”, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như đầu tư mua sắm trang thiết bị chữa cháy, CNCH theo xe; tổng quân số đến cuối năm 2025 dự kiến là 5.453 người; tổng mức đầu tư thực hiện quy hoạch ngành PCCC khoảng hơn 8.100 tỷ đồng (gần 2.300 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 4.000 tỷ đồng từ ngân sách TPHCM, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa và nguồn thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, phí, lệ phí).

Tại hội nghị sơ kết 5 năm công tác CNCH của lực lượng PCCC TPHCM vừa diễn ra mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu nhấn mạnh: “TPHCM có mật độ dân cư rất cao, các vụ cháy nổ, các sự cố cần CNCH cũng rất nhiều, diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Ở thành phố chúng ta, cần một đội, thậm chí là một phòng CNCH chuyên nghiệp”. 

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07), Bộ Công an cho hay: “Bộ Công an, C07 đang làm việc với một số nước để hợp tác quốc tế trong xây dựng đề án đầu tư trang thiết bị PCCC và CNCH. Nếu như đề án này được chấp thuận, vài năm tới, chúng ta sẽ được trang bị theo hướng chính quy hóa lực lượng”.

Như vậy, lãnh đạo cấp thành phố và Trung ương đều đã có những kế hoạch cụ thể quy hoạch lực lượng PCCC và CNCH chuyên nghiệp.  Thế nhưng, thực tế, đã nhiều năm trôi qua, thành phố với hơn 9 triệu dân vẫn chỉ có vỏn vẹn 40 nhân viên CNCH chuyên nghiệp, còn trang thiết bị thì cũ kỹ, lạc hậu. 

Từ mười năm trước, thông tin TPHCM sắp có sáu chiếc máy bay trực thăng chữa cháy và CNCH đã được đăng tải khắp trên mặt báo khi quy hoạch ngành PCCC vừa được UBND thành phố phê duyệt, ban hành. Song, đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc trực thăng chữa cháy đâu. Trong khi đó, hiện thành phố có rất nhiều tòa nhà mà độ cao của nó không có chiếc xe thang chữa cháy nào có thể vươn tới. Thậm chí, hiện có quận, huyện còn không có xe thang chữa cháy.

Nói về những hạn chế của công tác CNCH, đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc Công an TPHCM - thốt lên: “Chúng ta đang chờ kinh phí, nhưng tai nạn thì không chờ ai cả”.  

 Chúng ta vẫn chưa biết đến bao giờ, thành phố đông dân nhất nước mới có lực lượng CNCH chuyên nghiệp với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được nhiệm vụ cứu người. Nhưng rõ ràng, yêu cầu này là rất cấp thiết, bởi bình quân mỗi tháng, TPHCM có 58 vụ việc cháy nổ, tai nạn, thiên tai (gần 2 vụ/ngày) lại rất cần đến sự “ra tay” của lực lượng CNCH.

Nguyễn Kim Yến 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI