Tai nạn liên miên vì bỏ ngỏ lý lịch và trách nhiệm tài xế

16/01/2019 - 06:44

PNO - Mỗi năm, Việt Nam có gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông nhưng rất ít vụ được đưa ra tòa xét xử. Trong khi đó, “lý lịch đen” của tài xế lại không được quản lý, theo dõi.

Sau vụ xe container gây tai nạn thảm khốc ở tỉnh Long An, tại TP.HCM, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều tài xế xe container nghiện ma túy. Từ đó, nhiều người đề nghị phải xử lý hình sự về trách nhiệm của chủ xe trong các vụ tai nạn giao thông chết người, vì họ dung túng cho tài xế. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp vận tải cho rằng, khi tuyển dụng, họ không có cơ sở dữ liệu gì về quá trình làm nghề của tài xế.

Không thể nắm lý lịch của tài xế

Ông Toàn - giám đốc một doanh nghiệp vận tải có nhiều xe container ở TP.HCM - bày tỏ: “Khi tuyển tài xế, tôi chỉ có thể biết người đó có bằng lái xe đúng loại phương tiện theo yêu cầu và sức khỏe có đảm bảo hay không, chứ không thể biết được quá trình lái xe của anh ta trước đây. Cách quản lý bằng lái xe ở Việt Nam hiện nay quá đơn giản nên không thể tra cứu quá trình hoạt động của tài xế, kể cả tài xế từng nhiều lần gây tai nạn”.

Tai nan lien mien vi bo ngo ly lich va trach nhiem tai xe
Giao thông ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung quá phức tạp, cách thức quản lý chưa góp phần nâng cao trách nhiệm của người điều kiển phương tiện

Theo ông Toàn, ở các nước, chỉ cần vào website quản lý của nhà nước và nhập thông tin từ thẻ căn cước công dân là có đủ thông tin về quá trình vi phạm của tài xế đó. Nếu tài xế từng bị phát hiện uống rượu bia, từng dùng ma túy hay từng vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, thông tin đều hiển thị hết trên đó. Còn ở Việt Nam, người tuyển dụng hoàn toàn không thể kiểm tra thông tin, nên tài xế gây tai nạn chết người, chuyển sang chỗ khác xin việc, cũng không ai biết.

Việc tài xế sử dụng rượu bia hay ma túy trong quá trình lái xe, theo ông Toàn, lỗi thuộc về tài xế chứ không thể đổ cho chủ xe. Ông lập luận: “Đó là ý thức của tài xế. Khi học lấy bằng lái, họ phải biết hết các quy định liên quan. Ở các nước, tài xế uống rượu bia, dùng ma túy mà lái xe là đi tù ngay. Còn ở Việt Nam, mức xử lý các hành vi này quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Về phía doanh nghiệp, không ai dại gì để tài xế chạy xe nếu biết tài xế thường xuyên say xỉn hay dùng ma túy, vì khi xảy ra tai nạn, chủ xe chịu thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế”.

Ông T. - giám đốc một doanh nghiệp vận tải khác - cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đầu tiên là do ý thức của người điều khiển phương tiện nhưng ở nước ta, việc xử lý vi phạm của tài xế quá nhẹ. Thông thường, khi xảy ra tai nạn, các bên thương lượng rồi bãi nại, rất hiếm vụ tai nạn được đưa ra tòa xét xử. “Ở các nước, chỉ cần cảnh sát phát hiện tài xế uống rượu bia mà lái xe là đã đưa ra tòa xét xử ngay. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi năm có gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông, nhưng số vụ đưa ra tòa xét xử chỉ đếm trên đầu ngón tay” - ông T. so sánh.

Bảo hiểm nửa vời, khó ngăn chạy ẩu

Có bằng lái ô tô quốc tế và từng lái xe ở nhiều nước trên thế giới nhưng khi trở lại TP.HCM với những tuyến đường quen thuộc, ông Ng.C.Anh -  nhà ở Q.7 - lại thấy thiếu tự tin khi cầm lái. Ông nói: “Ở Thái Lan, tôi lái ô tô qua các tuyến đường giống như đường liên xã ở Việt Nam nhưng vẫn chạy được với tốc độ 60km/g, rất yên tâm. Còn ở Việt Nam, ra quốc lộ cũng không dám chạy tốc độ này vì giao thông quá hỗn loạn”.

Theo ông Anh, ở Việt Nam người điều khiển phương tiện giao thông phần lớn không rành luật, trong khi việc gắn trách nhiệm dân sự thông qua việc mua bảo hiểm lại rất nửa vời. “Ở các nước, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mua bảo hiểm xe. Đơn vị bán bảo hiểm sẽ kiểm tra thông tin của người mua; nếu thông tin thể hiện người mua bảo hiểm từng lái xe gây tai nạn hay từng vi phạm luật giao thông, họ sẽ tăng số tiền bảo hiểm lên, thậm chí từ chối bán bảo hiểm. Do đó, người chạy xe rất sợ vi phạm luật. Còn ở Việt Nam, người lái xe an toàn với người chạy ẩu cũng được mua bảo hiểm như nhau”.

Trao đổi với chúng tôi, một số công ty bán bảo hiểm xe máy, ô tô ở TP.HCM cho biết, họ có theo dõi quá trình chấp hành luật giao thông của khách hàng và có điều khoản tăng chi phí bảo hiểm lên cao với những trường hợp vi phạm luật giao thông bị công an xử phạt. Nhưng, việc tăng phí bảo hiểm gần như không thực hiện được vì người mua không chấp nhận.

Một nhân viên có 10 năm kinh nghiệm bán bảo hiểm xe máy, ô tô giải thích: “Khi người mua bảo hiểm gây tai nạn, mình tăng tiền bảo hiểm lên thì họ bỏ công ty mình, chuyển sang mua bảo hiểm ở đơn vị khác. Trong khi đó, cơ quan nhà nước lại không có thông tin quản lý về quá trình vi phạm luật giao thông của người mua nên đơn vị bán bảo hiểm khác không thể biết được “lý lịch lái xe” của khách hàng, hoặc làm lơ để bán được bảo hiểm”.

Nhiều người thờ ơ với bảo hiểm xe

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2018, cả nước có trên 6.600 người chết và hơn 11.500 người bị thương do tai nạn giao thông. Hiện, người dân Việt Nam lưu thông chủ yếu bằng xe máy và xe máy cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các phương tiện gây tai nạn giao thông. Thế nhưng, thử làm cuộc thăm dò nhỏ, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người đi xe máy ở TP.HCM không quan tâm đến việc mua bảo hiểm xe. Phần lớn cho biết, họ mua bảo hiểm lúc mua xe mới, sau đó gần như không mua nữa.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI