Tai nạn khó ngờ mà trẻ gặp phải trong mùa hè

03/06/2022 - 06:53

PNO - Vừa bắt đầu vào kỳ nghỉ hè, nhiều trẻ em đã bị tai nạn không ngờ. Có trường hợp tai nạn tưởng chừng chỉ chấn thương nhẹ nhưng lại gây hậu quả nặng nề. Thậm chí, có trẻ bị xuất huyết não khó hồi phục…

Nguy kịch từ những tổn thương tưởng nhẹ 

Cuối tháng Năm, bé N.D.L. (10 tuổi, ở H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) được bệnh viện tỉnh chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng nôn ói nhiều, đầu sưng phù, thở mệt, lả người... Ngay sau khi tiếp nhận, ê-kíp bác sĩ chụp CT-Scan sọ não phát hiện bé L. bị xuất huyết não ngoài màng cứng vùng thái dương đính chẩm phải. Các bác sĩ lập tức hội chẩn và quyết định mổ khẩn, lấy ra ngoài 50ml máu tụ, cứu bé L. ngay trong đêm. 

Bác sĩ Lê Quang Mỹ (Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) đang theo dõi một bệnh nhi bị tai nạn va chạm vùng đầu (ảnh bệnh viện cung cấp)
Bác sĩ Lê Quang Mỹ (Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM) đang theo dõi một bệnh nhi bị tai nạn va chạm vùng đầu (ảnh bệnh viện cung cấp)

Mẹ của bé L. kể, cách nhập viện vài ngày, bé được nghỉ học nên qua nhà hàng xóm chơi, sau đó leo lên cây me hái trái, không may bị hụt tay, té từ độ cao 3m xuống đất. “Tôi ở nhà nên không chứng kiến sự việc, chỉ nghe mấy đứa trẻ chơi cùng la lên con tôi bị ngất xỉu. Mọi người chạy đến đưa bé vào nhà, một lúc sau bé tỉnh, đến chiều thì nôn ói liên tục”, người mẹ nói. Theo các bác sĩ, sau mổ bé được chăm sóc, chụp hình não kiểm tra. Hiện tại, máu tụ đã được xử lý hết, bé không còn đau đầu, nôn ói, sức khỏe đang tiến triển tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới. 

Không may mắn như bé L., bé T.M.K. (8 tuổi, ở Long An) khi được chuyển đến bệnh viện đã bị nhiễm trùng máu. Theo các bác sĩ, mặc dù ê-kíp đã dùng các phương án tốt nhất nhưng nếu qua khỏi, bé K. cũng gặp nhiều tổn thương do phải cắt cụt chân trái. Trước đó, bé K. theo bạn ra ruộng chơi. Trong lúc bắt cá, bé đạp phải một vật cứng bị đứt sâu ở lòng bàn chân trái. Người thân của bé K. lấy thuốc lá, thuốc rê và mạng nhện cầm máu cho bé. Máu ngừng chảy, người nhà nghĩ bé chỉ bị đứt chân bình thường như những lần đi bắt ốc trước đó. Không ngờ, vết thương bị nhiễm trùng, gây đau nhức nhiều ngày, đến khi bé chịu không nổi, đưa vào bệnh viện đã quá trễ.

Mới đây, bé T.N.G. (4 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) đang chơi trước nhà thì khóc ré, người lớn chạy đến đã thấy em bị chiếc tủ sắt ngã đè lên người, co giật toàn thân, máu chảy nhiều. Gia đình vội vàng đưa bé đến bệnh viện. Tuy nhiên, bé bị xuất huyết não quá nặng, vỡ sọ, hôn mê sâu. Bác sĩ tiên lượng rất nặng, khó qua khỏi. 

Dấu hiệu cảnh báo tổn thương bên trong

Bác sĩ Lê Quang Mỹ - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) - cho biết trẻ con vốn hiếu động, nhất là trẻ từ hai đến sáu tuổi rất thích khám phá, nhưng chưa ý thức được nguy hiểm nên nguy cơ đối mặt với tai nạn bị chấn thương vùng đầu, tay, chân do té ngã. Đã có trường hợp bé bị bỏng hay tự đưa ngón tay vào ổ điện, bị giật té ngã gây chấn thương nặng. 

Hiện tại, trẻ em đã bắt đầu nghỉ hè. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan trong việc chăm sóc, quan sát trẻ. Nhiều cha mẹ phải đi làm thường xuyên nên phần lớn phải gửi trẻ cho người giúp việc, ông bà trông giữ, thậm chí có trường hợp trẻ tự trông nhau. Khi xảy ra tai nạn, người thân trong gia đình không biết hoặc nghĩ trẻ chỉ bị vết trầy xước bên ngoài, vô tình bỏ qua các biểu hiện bất thường ở trẻ.

“Như trẻ than đau cẳng tay, chân kèm theo các vết bầm tím nơi đau có thể trẻ bị nứt xương, gãy xương; còn trẻ nói bị đau đầu, nôn ói, xây xẩm chóng mặt… đây là các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ bị tổn thương não; hay trẻ than mệt, thở dốc… người nhà phải đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay mặc dù trẻ còn tỉnh táo”, bác sĩ Mỹ khuyến cáo. 

Cha mẹ lưu ý, khi tai nạn xảy ra, không nên hoảng loạn, la mắng trẻ bởi trẻ sẽ sợ sệt không dám nói nguyên nhân, hay cố gắng chịu đựng, giấu các cơn đau của mình. Hầu hết các chấn thương do tai nạn chạy nhảy của trẻ là nhẹ. Tuy nhiên, vẫn có một số chấn thương nặng, cần được xử lý trong “giờ vàng”. Đặc biệt là xuất huyết não nếu điều trị chậm trễ, có thể tăng nguy cơ trẻ bị thiếu ô-xy não do chấn thương chèn ép dẫn tới di chứng nặng nề về tâm thần kinh, thậm chí tử vong. Vì vậy, nếu có dấu hiệu bất thường, trẻ cần được đưa tới cơ sở y tế và điều trị càng sớm càng tốt. 

 Phạm An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI