Tai nạn dịp hè: sơ cứu ẩu - trẻ chết oan uổng

28/05/2016 - 14:40

PNO - Mùa hè là “cao điểm nhập viện” của trẻ nhỏ, do số vụ tai nạn của các bé cao luôn hơn 20-30% so với các thời điểm khác trong năm.

Theo các bác sĩ (BS), sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người lớn trong việc trông nom trẻ, sơ cứu trẻ gặp nạn đã dẫn đến nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc.

1.001 nguyên nhân rình rập

Theo thống kê từ phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM, những tai nạn phổ biến thường gặp ở trẻ dịp này là ngạt nước, té ngã, ong chích, rắn cắn, bỏng, hóc dị vật… Thoạt nghe qua có vẻ là những tai nạn không quá nguy hiểm, nhưng thực tế đã có nhiều trẻ chết oan uổng từ những tai nạn này.

BV Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận trường hợp bé N.T.H. (bốn tuổi, TP.HCM) nuốt sợi dây thun cột tóc vo tròn và đã tử vong sau khi nhập viện do tình trạng thiếu ôxy não quá lâu. Đáng nói, bé chỉ mới ngậm dây thun vào miệng, nhưng người nhà la toáng lên khi phát hiện và thò tay vào họng bé móc ra, hành động sai lầm này làm trẻ hốt hoảng nuốt và dây thun rơi vào khí quản, khiến trẻ bị ngạt, ngưng tim, ngưng thở. Mặc dù các BS đã mổ gắp dây thun ra, nhưng vẫn không thể cứu sống được bệnh nhi.

Tai nan dip he: so cuu au - tre chet oan uong
Ảnh mang tính minh họa

BS Huỳnh Minh Thu - Phó phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Nhi Đồng 2 khuyến cáo: "Khi trẻ gặp nạn, gia đình cần bình tĩnh, không quá hoảng hốt có thể khiến tình trạng trẻ càng nặng hơn. Thấy trẻ nuốt, hóc dị vật, người lớn cần nhẹ nhàng khuyến khích trẻ nhả ra chứ không la mắng, vì trẻ hoảng sợ sẽ nuốt dị vật vào sâu hơn. Càng không nên dùng tay móc dị vật vì sẽ đẩy dị vật vào sâu bên trong, nguy hiểm đến tính mạng trẻ nếu dị vật lọt vào khí quản. Nếu thấy trẻ ho sặc, với trẻ nhỏ thì ấn, vỗ lưng để tạo lực đẩy dị vật ra ngoài; ở trẻ lớn hơn thì làm động tác Heimlich mà ai cũng cần phải biết".

“Việc sơ cứu khi hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không kịp thời, chỉ sau năm phút, dị vật chèn đường thở, sẽ dẫn tới suy hô hấp... Cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để BS kiểm tra, dù dị vật đã ra ngoài”, BS Thu nhấn mạnh.

Mùa hè, trẻ thường đi chơi xa, về nông thôn nên nhiều trường hợp trẻ đi bơi, tắm sông suối bị ngạt nước; leo trèo té ngã hay nghịch phá tổ ong, bụi rậm dẫn đến ong chích, rắn cắn. Đáng lưu ý, không ít trường hợp trẻ đuối nước là những trẻ đã biết bơi. Trẻ biết bơi thường chủ quan, mê chơi, không khởi động trước khi xuống nước nên bị vọp bẻ. Các BS cảnh báo: không nên tin tưởng trẻ đã biết bơi mà lơ là giám sát, vì chuyện vọp bẻ, ngạt nước có thể xảy ra với bất cứ ai.

Ngoài ra, BV Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đi cắm trại, “khám phá” bụi rậm bị ong vò vẻ chích. Tình trạng sẽ càng nguy hiểm hơn nhiều đối với những trẻ có cơ địa dị ứng, vì khi bị ong đốt, những trẻ này sẽ bị phản ứng mạnh hơn so với trẻ bình thường. Nhiều trẻ khi bị ong vò vẻ đốt chỉ 10 nốt, nhưng tổn thương đa cơ quan rất nghiêm trọng, BS phải nhanh chóng tiến hành lọc máu để đào thải độc tố, cứu sống trẻ.

Mới đây, bé T.K.L. (hai tuổi, TP.HCM) nhập BV Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốc phản vệ, trụy tim mạch và tử vong ngay sau đó. BS điều trị cho biết, anh của bé đi cùng bị ong đốt hai nốt thì bị triệu chứng nhẹ, còn bé bị ong đốt hơn 10 nốt, dù cấp cứu kịp thời nhưng độc tố đã lan tỏa khắp cơ thể làm tổn thương gan, thận, hủy cơ…

Tương tự, khi rắn độc cắn, trẻ cũng bị những triệu chứng tức thì: rối loạn đông máu, xuất huyết niêm mạc… Sai lầm của nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn là khi trẻ bị rắn cắn, thường tìm tới thầy lang đắp lá càng làm vết thương nhiễm trùng và kéo dài thời gian, khiến nọc độc lan rộng. BS Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2, khuyến cáo: trong tình huống trẻ bị rắn cắn ở tay chân, người lớn nên dùng miếng băng thun quấn lực vừa phải (xỏ một ngón tay vào dưới băng được) phía trên vết cắn để ngăn độc tố không chạy khắp cơ thể, mà máu vẫn nuôi tay chân được. “Nhiều trường hợp do cột siết quá chặt, máu không lưu thông được, làm tay, chân bị hoại tử. Việc quan sát hoặc miêu tả được loại rắn nào cắn trẻ sẽ giúp BS dùng đúng loại huyết thanh kháng nọc rắn để điều trị kịp thời”, BS Nguyên Anh nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI