Tai nạn bỏng ở trẻ tăng trong mùa lạnh

01/11/2024 - 06:33

PNO - Mới chớm lạnh, số lượng trẻ nhập viện điều trị bỏng ở tỉnh Nghệ An đã tăng gấp 2 lần so với mùa hè. Đa số bệnh nhi bị bỏng đều không được sơ cứu đúng cách, nhiều trẻ còn được đắp thuốc của thầy lang khiến vùng bỏng bị hoại tử.

Bác sĩ Thái Văn Bình kiểm tra tình trạng của bé N.H.Y. sau 2 lần ghép da
Bác sĩ Thái Văn Bình kiểm tra tình trạng của bé N.H.Y. sau 2 lần ghép da

Vào mùa lạnh, nhu cầu dùng nước nóng ở các gia đình tăng, từ ăn uống đến tắm rửa… Vì thế, nguy cơ trẻ gặp tai nạn bỏng cũng cao hơn. Bác sĩ Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện (BV) Sản Nhi Nghệ An - thông tin: “Từ đầu tháng Mười đến nay, trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú 10-15 bệnh nhi bị bỏng, cao gấp 2 lần so với mùa hè. Phần lớn trẻ bị bỏng đều do sự bất cẩn của người lớn”. Nhiều trẻ nhập viện chưa được người thân sơ cứu đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và để lại di chứng. Một số người sau vài ngày cho con nhập viện đã đòi đưa về nhà chữa “mẹo”, đắp thuốc của thầy lang.

Khoa Chấn thương - Bỏng tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Trương Xuân Hiếu - Khoa Chấn thương - Bỏng - cho hay: “Dù đã cảnh báo nhiều, song vẫn có nhiều bệnh nhi bị bỏng bị người thân đổ nước mắm, mỡ trăn, đắp bùn, nước tiểu trẻ em lên vùng bị bỏng. Việc điều trị không đúng cách khiến bệnh nhi bị hoại tử sâu ở vùng bỏng, phải cắt ghép da phức tạp, điều trị kéo dài”.

Như trường hợp bé N.H.Y. (4 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) bị bỏng độ 3, độ 4. Trên nền tổn thương ở các vết bỏng vẫn còn màng thuốc thầy lang đắp bám vào, nhiều dịch và giả mạc. “Các vết thương bị nhiễm trùng nặng, khiến bệnh nhi bị sốt cao, co giật” - bác sĩ Xuân Hiếu nói. Theo chị N.T.A. - mẹ bé Y. - gần 1 tháng trước, bé ở nhà thì không may bị lửa cháy bén vào quần áo dẫn đến bỏng nặng. Nghe hàng xóm bày, gia đình đưa con đến một thầy lang đắp thuốc chữa bỏng. “Lúc đó, thấy con bị bỏng nặng tôi hoảng quá. Hơn nữa, có mấy người trong làng vừa rồi bị bỏng, đến nhà thầy lang này chữa được nên tôi đưa con tới đó chữa cho nhanh” - chị A. kể.

Bé Y. được thầy lang đắp lên vết thương một chất lỏng gia truyền rồi cho về nhà đắp thuốc hằng ngày. Ngày đầu bôi thuốc, bé Y. không có biểu hiện gì bất thường. Song đến ngày thứ hai thì bé bất ngờ sốt cao, lên cơn co giật nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau 2 lần được ghép da tự thân, bé Y. dần ổn định sức khỏe, phần da được cấy ghép bắt đầu hồng hào.

Các bác sĩ cũng từng “sốc” khi tiếp nhận bệnh nhi 8 tháng tuổi bị bỏng độ 2, độ 3 được phủ kín một lớp lông động vật ở các vết thương. Người nhà bệnh nhi đưa con tới nhà một thầy lang để chữa “mẹo” bằng cách đắp lông lên vùng bỏng. Chỉ đến khi con quấy khóc vì sốt cao, họ mới đưa vào BV. Các bác sĩ phải truyền dịch, giảm đau và đưa bệnh nhi vào bồn tắm bỏng để loại bỏ hoàn toàn lớp lông trên vết thương trước khi bắt đầu điều trị.

Bác sĩ Xuân Hiếu nói thêm: “Trung bình 10 bệnh nhân nhập viện thì có 2 bệnh nhân đắp thuốc lá chữa bỏng. Thực ra, có một số trường hợp bị bỏng nhẹ, không cần điều trị cũng khỏi. Nhưng họ đến thầy lang đắp thuốc, sau đó thấy nhanh khỏi nên cứ thế truyền tai nhau. Nhiều trẻ bị bỏng nhưng không được điều trị đúng cách dẫn đến sẹo co rút, sẹo lồi… mới được người thân đưa vào BV”.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng, việc đầu tiên là cách ly khỏi tác nhân gây bỏng. Sau đó, dùng nước lạnh ngâm, xả nhẹ từ 15-20 phút để làm dịu vết bỏng. Không dùng đá lạnh để chườm vào vết bỏng vì sẽ gây bỏng lạnh, tăng độ sâu của vết thương. Đối với vết bỏng gây phồng rộp, không tự ý chọc thủng phần rộp này bởi sẽ tạo ra vết thương hở dễ gây nhiễm trùng, hoại tử.

“Nếu có băng gạc sạch thì băng phần da bị bỏng, nếu không có thì dùng vải sạch để bảo vệ phần tổn thương rồi đưa trẻ đến BV. Tuyệt đối không bôi kem đánh răng, trứng gà, nước mắm… hay bất kỳ thứ gì khác để tránh gây nhiễm trùng vết bỏng” - bác sĩ Thái Văn Bình nhấn mạnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI