Tài liệu từ ĐSQ Triều Tiên tại Tây Ban Nha bị đột nhập được trao cho FBI

30/03/2019 - 11:13

PNO - Mới đây, một nhóm chống chính phủ Triều Tiên đã đột nhập đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha, họ đánh cắp dữ liệu của sứ quán và chuyển giao nó cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Tai lieu tu DSQ Trieu Tien tai Tay Ban Nha bi dot nhap duoc trao cho FBI
Nhân viên ĐSQ Triều Tiên yêu cầu phóng viên không chụp ảnh tòa nhà ngoại giao của nước này ở Madrid, Tây Ban Nha - Ảnh: AP

Vụ việc xảy ra vào tháng trước đã đặt FBI vào một hoàn cảnh tế nhị, vì tài liệu được lấy từ một đại sứ quán nước ngoài đặt tại một quốc gia NATO, nhưng luật Mỹ không cấm chính phủ nước này sử dụng các tài liệu được gửi đến tay FBI.

Các đại sứ quán Triều Tiên là mục tiêu chính của hoạt động tình báo kỹ thuật số do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành, nhưng Triều Tiên thường sử dụng các phương thức liên lạc phi điện tử và lỗi thời, nên thông tin trên giấy ở đại sứ quán vẫn có thể là các tài liệu có giá trị.

Thae Yong Ho, nguyên quan chức ngoại giao Triều Tiên tại Anh, đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016, mới viết trên trang web của mình rằng những kẻ xâm nhập có thể đã chiếm giữ các máy tính mã hóa và có thể mở khóa kênh liên lạc bí mật giữa các đại sứ quán với Bình Nhưỡng. Theo ông, các thiết bị giải mã "được coi là quan trọng hơn mạng sống của con người" và việc chiếm đoạt chúng sẽ gây những tác hại nghiêm trọng.

Chính quyền Tây Ban Nha đã buộc tội một nhóm 10 thành viên ngụy tạo lý do đột nhập ĐSQ Triều Tiên ngày 22/2. Nhóm này đánh đập và trói nhân viên ngoại giao, cố gắng bất thành trong việc thuyết phục một nhà ngoại giao đào tẩu, lấy đi các máy tính và các tập tin kỹ thuật số.

Nhóm chống Bình Nhưỡng có tên là Free Joseon (Triều Tiên tự do) đã nhận trách nhiệm về vụ đột nhập này, nhưng họ phủ nhận việc hành hung nhân viên ngoại giao ĐSQ.

Nhóm Free Joseon hôm 26/3 cho biết họ không liên lạc với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào trước khi xâm nhập ĐSQ Triều Tiên, nhưng cho biết họ đã “cung cấp thông tin có giá trị tiềm năng cho FBI” sau cuộc đột kích.

Tây Ban Nha đã ban hành hai lệnh bắt quốc tế liên quan đến vụ án, một lệnh bắt cho Adrian Hong Chang, công dân Mexico cư trú tại Hoa Kỳ, và một lệnh bắt khác cho một công dân Mỹ. Ngày 26/3, Tây Ban Nha đã công bố danh tính của 7 trong số 10 đối tượng xâm nhập ĐSQ Triều Tiên.

Nhóm Free Joseon lên tiếng cáo buộc Mỹ phản bội lòng tin của họ sau khi các thành viên của nhóm tiếp cận FBI và “tự nguyện chia sẻ thông tin” với nhà chức trách Hoa Kỳ. Lee Wolosky, một luật sư của Free Joseon vốn là cựu phái viên của Hoa Kỳ tại Guantanamo, nói với NBC News rằng "rõ ràng thẩm phán Tây Ban Nha đã đưa ra một số kết luận thiếu chính xác”.

Các cơ quan liên quan như FBI và CIA cũng như ĐSQ Tây Ban Nha tại Washington (Mỹ) đến nay không đưa ra bình luận gì.

Tuy nhiên, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng sẽ không bình thường nếu Washington nhận được thông tin tình báo về kẻ thù của mình sau đó "ném những người trao thông tin xuống dưới bánh xe buýt”.

Triều Tiên không đề cập đến vụ việc trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Sau cuộc đột kích ĐSQ ở Tây Ban Nha, ba đại sứ hàng đầu của Triều tiên ở LHQ, Bắc Kinh và Moscow đã được triệu tập trở về Bình Nhưỡng họp khẩn cấp.

Cựu quan chức ngoại giao Thae Yong Ho nhận định việc triệu tập ba đại sứ quan trọng về Bình Nhưỡng không chỉ liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội bị đổ vỡ, mà còn có thể do kênh liên lạc bí mật đã bị xâm phạm.

Hòa Ninh (Theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI