Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM: Tài liệu riêng không thể thay thế sách giáo khoa

23/11/2023 - 06:12

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM khuyến khích trường biên soạn tài liệu riêng môn học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, sử dụng làm kho tư liệu giảng dạy dùng chung, song không thể thay thế sách giáo khoa.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đã có những chia sẻ xung quanh việc các trường THPT tại TPHCM thiết kế tài liệu riêng môn học phục vụ giảng dạy Chương trình GDPT 2018.

Phóng viên: Năm học này, nhiều trường THPT tại TPHCM thiết kế giáo trình riêng phục vụ giảng dạy Chương trình GDPT 2018 ở nhiều môn học. Ông nhìn nhận thế nào về cách làm này?

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc: Trước hết chúng ta cần làm rõ khái niệm về giáo trình. Theo Thông tư 35/2021/TT-BGDĐT: Giáo trình là tài liệu để giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính của một học phần được cơ sở đào tạo tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng tại cơ sở đào tạo theo quy định tại thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc

Như vậy, cái mà nhà trường đang gọi là “giáo trình” chỉ là tài liệu, tư liệu dạy học do tổ bộ môn trường biên soạn để bổ trợ, làm giàu thêm nguồn tài liệu, tư liệu giảng dạy, tham khảo của bộ môn.

Với Chương trình GDPT 2018, hoạt động dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh với các yêu cầu cần đạt cụ thể, rõ ràng. Mỗi môn học đều có “nhiều con đường” để đạt được các mục đích, yêu cầu của chương trình. Trong đó, chương trình là quan trọng nhất, là căn cứ để dạy học, giáo viên có nhiều cách để đạt được các yêu cầu của chương trình. Do vậy, Sở GD-ĐT TPHCM luôn khuyến khích các tổ bộ môn nhà trường biên soạn các tài liệu học tập, xây dựng các kho tư liệu giảng dạy dùng chung. Tuy nhiên, nếu tổ bộ môn nhà trường biên soạn một cuốn tài liệu môn học và được sử dụng thay thế như sách giáo khoa là sai quy định.

*Vậy, theo ông, nhà trường cần lưu ý gì khi biên soạn giáo trình riêng môn học?

- Khi biên soạn các tài liệu riêng môn học, mỗi nhà trường, tổ bộ môn cần đặt ra các câu hỏi liên quan đến chuyên môn, pháp lý và cách thức triển khai.

Về chuyên môn: Ai là người biên soạn, trình độ chuyên môn thế nào? Biên soạn nhằm mục đích gì? Ai thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung? Vấn đề chính trị, tư tưởng trong các tài liệu ấy như thế nào?

Về tổ chức thực hiện: Tài liệu ấy có được sử dụng thay thế sách giáo khoa không? Có bắt buộc học sinh phải mua các tài liệu ấy để học tập hay không?

Căn cứ pháp nào để thực hiện biên soạn tài liệu ấy? Khi trả lời các câu hỏi trên chúng ta sẽ nhận thức rõ tính đúng sai của việc biên soạn và sử dụng các tài liệu dạy học.

Nhà trường chủ động xây dựng giáo trình riêng môn học xong cần phù hợp với đặc thù đội ngũ, đối tượng học sinh. Hiệu trưởng nhà trường sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung cũng như việc giảng dạy đối với tài liệu này.

*Với giáo viên, khi sử dụng giáo trình riêng, ông có lưu ý gì?

Như đã nói, tài liệu riêng môn học chỉ được xem như một tư liệu tham khảo, hỗ trợ giảng dạy chứ không thể thay thế sách giáo khoa. Do đó, giáo viên cần không lệ thuộc vào tài liệu này, mà chỉ xem như một kênh để bổ trợ thêm cho hoạt động giảng dạy của mình. Điều quan trọng là giáo viên cần nghiên cứu kỹ chương trình bộ môn, nắm thật chắc các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực; nghiên cứu sách giáo khoa và các nguồn học liệu khác. Từ đó thiết kế kế hoạch bài dạy để đạt được các yêu cầu cần đạt đó.

Tài liệu riêng chỉ được xem là tư liệu hỗ trợ giảng dạy, không thay thế sách giáo khoa
Tài liệu riêng chỉ được xem là tư liệu hỗ trợ giảng dạy, không thay thế sách giáo khoa

Mặt khác, trong kế hoạch bài dạy của mình, giáo viên hoàn toàn có thể mở rộng, bổ sung nguồn tư liệu giảng dạy; liên hệ, so sánh, kết nối các tư liệu sao cho việc giảng dạy hiệu quả nhất...

*Theo nhiều nhà trường, một trong những mục tiêu thiết kế giáo trình riêng môn học là nhằm giúp giáo viên thoát ly sách giáo khoa. Nhìn nhận của ông thế nào?

-Với Chương trình GDPT 2018, cần khẳng định sách giáo khoa chỉ là công cụ, là nguồn học liệu để thực hiện chương trình. Vấn đề cần bàn là giáo viên không lệ thuộc một cách máy móc vào sách giáo khoa. Tức là khi soạn kế hoạch bài dạy, giáo viên cần căn cứ yêu cầu cần đạt của chương trình, hiểu rõ tình hình học sinh để thiết kế kế hoạch bài dạy sao cho phù hợp, hiệu quả nhất.

“Thoát ly khỏi sách giáo khoa” tức là không phải tất cả mọi câu hỏi, mọi vấn đề, mọi yêu cầu của sách giáo khoa, giáo viên phải nhất nhất làm theo, bất chấp thực tế học sinh của mình như thế nào. Ví dụ ở môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Khoa học tự nhiên…, thầy cô hoàn toàn có thể sử dụng thêm ngữ liệu, dẫn chứng thực tế có nội dung phù hợp để giảng dạy.

Để thoát ly sách giáo khoa, giáo viên phải hiểu rõ thực tranng giáo dục
Để thoát ly sách giáo khoa, giáo viên phải hiểu rõ thực trạng giáo dục

Theo tôi, giáo viên chỉ thực sự không lệ thuộc sách giáo khoa khi có kiến thức chuyên môn vững vàng, hiểu sâu về giáo dục, nắm vững các nguyên tắc và phương pháp dạy học. Nếu hiểu rõ thực trạng giáo dục và đối tượng học sinh, thầy cô sẽ tự mình không lệ thuộc sách giáo khoa hay bất cứ tài liệu nào mà sẽ có sự lựa chọn, phối hợp sử dụng các nguồn học liệu, công cụ, phương tiện dạy học phù hợp nhất.

Về phía ban giám hiệu nhà trường, trong điều hành quản lí, bên cạnh việc nắm vững các quy định cũng cần sáng tạo, linh hoạt nhưng phải khoa học, hợp lí, hiệu quả. Khi sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, các nguồn tư liệu đa dạng, phong phú thì cán bộ quản lý cần phải vừa giỏi quản lí vừa vững chuyên môn để điều hành nhà trường thực hiện chương trình giáo dục sao cho hiệu quả nhất.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Trung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI