Tài khoản số của người đã khuất là di sản cho tương lai

31/07/2024 - 06:10

PNO - Không giống như hài cốt vật lý, dữ liệu không bị phân hủy, dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng về cách quản lý các tài khoản mạng xã hội của người đã khuất.

Tài sản kỹ thuật số của những cá nhân đã khuất có thể cung cấp những kiến thức có giá trị  cho các nhà khoa học xã hội và sử gia - Nguồn ảnh minh họa: Kim Young-seok
Tài sản kỹ thuật số của những cá nhân đã khuất có thể cung cấp những kiến thức có giá trị cho các nhà khoa học xã hội và sử gia - Nguồn ảnh minh họa: Kim Young-seok

Trong quá khứ, các tác phẩm khảo luận, văn học và nhật ký của những cá nhân nổi tiếng được coi là hồ sơ có giá trị. Nhưng với mạng xã hội, những người bình thường hiện nay cũng để lại hồ sơ cá nhân trực tuyến. Do đó, các bài đăng từ người đã khuất có khả năng được sử dụng làm dữ liệu lịch sử cho các nhà nghiên cứu và làm cơ sở cho nhiều mục đích thương mại khác nhau, chẳng hạn như đài tưởng niệm do trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển.

Số tài khoản của người đã khuất trên mạng xã hội ​​sẽ tăng theo thời gian. Facebook - một nền tảng mạng xã hội hàng đầu - đã cho phép đăng ký tài khoản chỉ bằng địa chỉ email kể từ tháng 9/2006. Số tài khoản của người đã khuất dự kiến ​​sẽ tăng mạnh vào nửa cuối thế kỷ XXI.

Theo giáo sư Carl Öhman (Đại học Uppsala, Thụy Điển), năm 2060, Facebook có thể có 1,2 tỉ người dùng đã qua đời và đến cuối thế kỷ XXI, con số đó có thể lên đến 4,9 tỉ người. Sự gia tăng số tài khoản của người đã khuất sẽ tiếp tục tăng, tạo ra một “nghĩa địa kỹ thuật số” khổng lồ trên mạng xã hội. Đến đầu thế kỷ XXII, số tài khoản này có thể vượt quá số lượng tài khoản của người còn sống. Các xu hướng tương tự cũng được dự kiến ​​trên các nền tảng mạng xã hội khác như X (trước đây là Twitter) và Instagram.

Xóa tài khoản của người đã khuất không phải là điều không thể. Facebook cho phép gia đình hoặc người đại diện được chỉ định của người đã khuất xóa tài khoản bằng cách cung cấp giấy ủy quyền, di chúc hoặc giấy chứng tử. Các quy trình tương tự cũng tồn tại đối với tài khoản X và Google. Tuy nhiên, nhiều tài khoản của người đã khuất vẫn còn do gia đình họ muốn lưu giữ như một không gian kỹ thuật số để tưởng nhớ hoặc đơn giản là không yêu cầu xóa.

Các học giả tin rằng, các bài đăng và ảnh của người đã khuất trên mạng xã hội có thể là những hồ sơ lịch sử có giá trị trong tương lai. Giáo sư Fiona Cameron (Đại học Western Sydney, Úc) và là tác giả cuốn Tương lai của dữ liệu kỹ thuật số, di sản và quản lý - nói: “Các bài đăng trên mạng xã hội có giá trị di sản văn hóa đáng được bảo tồn. Ví dụ, các bài đăng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ của ông cung cấp hồ sơ về sự quản lý của ông”.

Giáo sư Akiko Orita (Đại học Kanto Gakuin, Nhật Bản) nói thêm: “Thông tin của người đã khuất ghi lại những cảm xúc, hành vi và xu hướng chung của thời đại họ và do đó có giá trị như một tài liệu lịch sử”.

Một số chuyên gia cho rằng, các bài đăng về các vấn đề nhạy cảm như phong trào MeToo, chiến dịch Black Lives Matter nên được coi là dữ liệu công khai. Cũng giống như các cơ thể được hiến tặng thúc đẩy sự phát triển của khoa học y tế, những chia sẻ của những cá nhân đã khuất trên mạng xã hội có thể cung cấp những kiến thức có giá trị cho các nhà khoa học xã hội và sử gia.

Dữ liệu của người đã khuất cũng có thể được dùng cho nhiều ứng dụng thương mại khác nhau trong tương lai. Theo bài báo của giáo sư Orita có tiêu đề Sử dụng dữ liệu cá nhân của người đã khuất, khoảng 20% ​​trong số 2.749 người lớn tuổi Nhật Bản được khảo sát cho biết, họ cho phép sử dụng thông tin cá nhân kỹ thuật số của mình - chẳng hạn các bài đăng trên mạng xã hội - sau khi chết nếu được trả thù lao thỏa đáng.

Thu Thanh (theo Chosun, Korea Times, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI