Tái khám phá bản dạng Sài Gòn

25/07/2019 - 15:14

PNO - Tái khám phá, để mở ra hành trình khám phá những điều tốt đẹp của thành phố tưởng chừng đã rất thân quen, qua đó thúc đẩy mỗi cư dân kiến tạo và làm dày thêm bản dạng riêng biệt của thành phố.

Được tổ chức từ ngày 22-28/7 tại TP.HCM, tuần lễ thể nghiệm Tái khám phá Sài Gòn thuộc khuôn khổ nền tảng văn hóa Art of Reinvention, diễn ra cùng lúc tại 5 địa điểm khắp thành phố, tương ứng với 5 nhóm chủ đề. Trong đó, 4 nhóm xoay quanh những nét đẹp của Sài Gòn trong quá khứ và hiện tại, trên các phương diện ngôn từ và thiết kế (Ảnh viện ngôn từ), ẩm thực (Tiệm ăn Tân Kỳ), kiến trúc và đô thị (Dinh thự thời gian), thời trang và nếp sống (Nhà may thanh lịch) và một chủ đề kết tinh từ các chủ đề trên: Sài Gòn tương lai (Bảo tàng tương lai).

Tai kham pha ban dang Sai Gon
Gặp lại tác phẩm sắp đặt về môi trường của nghệ sĩ thị giác Ưu Đàm Trần Nguyễn tại tuần lễ thể nghiệm Tái khám phá Sài Gòn

Với mỗi nhóm chủ đề, sẽ có các buổi trưng bày, triển lãm, tọa đàm, tương tác, đối thoại, thể nghiệm, chiếu phim nghệ thuật… Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, các cá nhân cũng như các đơn vị yêu Sài Gòn. Art of Reinvention là một hệ chương trình dài hạn do Dương Đỗ - nhà sáng lập của Toong, chuỗi không gian làm việc chung tại Việt Nam - khởi xướng và thiết kế.

Điều thú vị mà tuần lễ thể nghiệm gợi ra là, Sài Gòn - TP.HCM được nhìn trên trục thời gian từ xưa đến nay. Bên cạnh các giá trị cũ là những giá trị mới được bồi đắp theo thời gian, trong đó đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi người Sài Gòn phải giải quyết. Chẳng hạn, Sài Gòn ngày nay không thiếu chỗ ăn, các món ăn Âu - Á du nhập, các thức uống sang trọng hay bình dân. Nhưng cũng như thế giới, người dân Sài Gòn đã bắt đầu lưu tâm hơn về ăn sạch, sống khỏe, về triết lý sản xuất và tiêu thụ bền vững, về những sáng tạo ngon, độc, lạ thông qua phát huy tinh hoa cội nguồn.

Không dừng trong cái tâm thức “tự sướng” của ao làng, sự kiện đặt ra vấn đề xây dựng chiến lược quảng bá, nhằm khẳng định và đưa giá trị ẩm thực của thành phố đi xa hơn, tạo ra giá trị mới cho thành phố về mặt ẩm thực.

Với chủ đề kiến trúc và đô thị, kiến trúc Sài Gòn được nhìn và giải mã như một lát cắt văn hóa. Đâu chỉ có những cao ốc chọc trời, kiến trúc Sài Gòn, trải qua bao thế kỷ, được cắt xẻ bởi rất nhiều dòng chảy văn hóa, là cuộc chơi của cả cái cũ và cái mới. Kiến trúc sư Hoành Trần nói: “Sự pha trộn kiến trúc Việt, Pháp, Mỹ, Hoa khiến kiến trúc Sài Gòn đa màu sắc. Nếu xóa bỏ đi thì kiến trúc, thành phố như bị xóa đi lịch sử”.

Tai kham pha ban dang Sai Gon
Góc trưng bày chủ đề Ảnh viện ngôn từ, thuộc Tuần lễ Tái khám phá Sài Gòn

Thông qua cuộc đối thoại giữa di sản và đô thị, mối liên hệ giữa kiến trúc với lối sống, thói quen, phong cách sinh hoạt của cư dân nơi đây là cuộc tái khám phá quần thể kiến trúc Sài Gòn từ thời Gia Long qua các triển lãm, trưng bày… để chiêm ngưỡng vẻ đẹp những ngôi chùa cổ bản địa, những nhà thờ, lăng tẩm, dinh trấn, nhà ở cổ xưa kề cạnh nhau, những thương xá đã trở thành biểu tượng... Từ đó ta có cái nhìn mới về thượng tầng thành phố, để dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, để quy hoạch bộ mặt tương lai của Sài Gòn một cách bền vững và nhân văn trong cơn lốc đô thị hóa.

Đối diện với một thời đại quay cuồng lai tạp, đây là dịp dể người yêu nghệ thuật, văn hóa, viết lách tìm về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, tìm về thẩm mỹ thiết kế Sài Gòn xưa đầy sức sống, để từ đó có được nguồn cảm hứng bất tận cho việc sáng tạo, khai trí, xây dựng văn hóa đọc - xem tử tế cho thế hệ tiếp nối của đất Sài Gòn.

Ở một chủ đề tưởng chừng xa xỉ là thời trang thì thông qua các tác phẩm thị giác, hội thảo ý niệm, công nghệ tương tác, trưng bày… bộ sưu tập ảnh tư liệu thời trang đường phố những năm 1970 cùng xu hướng thời trang bền vững trong chất liệu và cuộc sống đương đại cũng góp phần làm nên bản dạng Sài Gòn - một bản dạng có kế thừa và sáng tạo, hòa nhập xu hướng thời trang thế giới.

Những giá trị cũ từng tạo nên bản dạng của Sài Gòn được nhắc lại; nhưng cũng có những giá trị mới, đang đấu tranh, đang lựa chọn, đang thích nghi và tạo dựng những hệ giá trị mới, để Sài Gòn hòa nhịp cùng hơi thở hiện đại, kích thích tư duy mới về tương lai của đô thị. Những chất liệu tiềm năng ấy cũng mở ra sự phát triển của nghệ thuật đương đại.

Tai kham pha ban dang Sai Gon
"Chúng ta nói gì khi nói về bánh mì" - một trong những nội dung thuộc chủ đề Tiệm ăn Tân kỳ

Từ một khu chợ rộng vỏn vẹn 1km2, trở thành hòn ngọc Viễn Đông, đến một đại đô thị khổng lồ như ngày nay, Sài Gòn - TP.HCM trải qua không biết bao nhiêu dịch chuyển. Sài Gòn - TP.HCM hôm nay và tương lai sẽ có khuôn mặt thế nào? Tái khám phá không chỉ là hồi tưởng, mà để nhìn xa hơn, rộng hơn.

Có một đáng tiếc trong nhóm chủ đề, chủ đề văn nghệ Sài Gòn (văn chương và các loại hình nghệ thuật) chưa được nhấn đủ sâu, trong đó đáng kể là cải lương, hát bội, kịch nói… Đây cũng là đặc sản làm nên “chất” Sài Gòn, phản ánh tâm hồn người Sài Gòn. Tất nhiên, với phạm vi của một tuần thể nghiệm, không thể bao quát hết mọi thứ. Tái khám phá Sài Gòn, trong định dạng đa chiều, chỉ là một gợi mở để tiếp cận kho tàng ấy đầy đủ hơn trong nay mai. 

Nhắc Sài Gòn xưa, có lẽ phải nhắc báo Tiếng Chuông, Tia Sáng, Đuốc Nhà Nam, Ngôn Luận… Ghé vào “Ảnh viện ngôn từ”, tại một xưởng in lâu đời bậc nhất, chu du vào thế giới chữ nghĩa Sài Gòn qua các thời kỳ, nhìn lại một thời người ta bu quanh sạp báo tìm tờ nhật trình mới nhất. Ở đó có các tin bài, ký sự, tiểu thuyết feuilleton của các ký giả, cây bút chủ lực, cả những trang bìa, những áp-phích, những măng-sét của họa sĩ minh họa ngày đó.

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI