Tai họa bất ngờ do chơi thể thao quá sức

30/12/2020 - 07:04

PNO - Chơi thể thao tốt cho sức khỏe nhưng có thể trở nên nguy hiểm nếu người tập không biết rõ sức khỏe, hay ngưỡng tập luyện của mình.

Kiểm tra sức khỏe, đo gắng sức tim mạch, hô hấp để biết ngưỡng tập thể dục an toàn của mình
Kiểm tra sức khỏe, đo gắng sức tim mạch, hô hấp để biết ngưỡng tập thể dục an toàn của mình

“Đã có nhiều trường hợp xảy ra tai biến trong vận động như tử vong trên sân bóng, trên đường chạy… dù luyện tập mỗi ngày”, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ (BS) Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - dị ứng - miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho biết. Vậy tập luyện, vận động ra sao để vừa hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe? 

Hiểu rõ giới hạn sức khỏe bản thân

Bà Nguyễn Thị M., 72 tuổi, ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, vừa được chuyển lên Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, yếu liệt tay chân. BS khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh thì phát hiện bà M. bị xuất huyết não dưới màng nhện. 

Con bà M. khóc ngất, vì bà vẫn đang khỏe mạnh, chỉ sau khi tập thể dục 30 phút thì xảy ra chuyện. Chị Nguyễn Thanh Trúc, con bà M., kể: “Má tôi khỏe lắm, không mắc bệnh gì hết. Ngày nào cũng 5g sáng má tôi đi bộ tập thể dục từ nhà lên cầu Chưn Đùn khoảng 1,5km rồi quay về. Hôm đó, má tôi đi chừng 30 phút thì tôi hay tin má bị ngất xỉu giữa đường. Gia đình tức tốc đưa má đi cấp cứu và BV tỉnh cho chuyển lên BV Chợ Rẫy”.

Không chỉ người già, mà những người trẻ cũng có thể gặp biến cố khi đang tập thể dục, chơi thể thao. Như trường hợp anh Nguyễn K.D., 34 tuổi, ở Q.1, được BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cứu sống vì bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang đá banh. Buổi chiều đó, như thường lệ, anh D. chơi đá banh với bạn bè. Trong lúc chạy, anh D. thấy mệt, kèm những cơn đau ở ngực trái, vã mồ hôi, khó thở... nên anh về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những cơn đau thắt ngực vẫn dồn dập và ngày càng khó thở, gia đình phải đưa anh D. vào BV cấp cứu. Người nhà cho biết, anh D. rất khỏe và không có bất cứ bệnh lý nền nào. Qua thăm khám, BS thấy anh D. có triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong rất cao, nên anh được chuyển ngay đến phòng thông tim để can thiệp tim mạch kịp thời, và đã đặt stent thành công.

Theo BS Lê Thị Tuyết Lan, dù người khỏe mạnh, hay người bị hen suyễn, tim mạch, đái tháo đường… cũng cần tập thể dục. Tập thể dục giúp người khỏe tăng cường sức mạnh, giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, dù là đối tượng nào, đặc biệt là người lớn tuổi, có bệnh lý nền, hoặc từng bị chấn thương thì cần phải hiểu rõ sức khỏe của mình. 

Tốt nhất là phải đo gắng sức để biết giới hạn, ngưỡng vận động an toàn của mình đến đâu. Bởi có những người vốn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền, nhưng lại đột tử khi đang thi đấu thể thao như vận động viên chạy marathon 26 tuổi vào năm 2019, hay những trường hợp đang tập thể dục. Đây là điều đáng tiếc và lẽ ra có thể ngăn được bằng nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch, hô hấp. 

Cần kiểm tra gắng sức tim mạch, hô hấp

Thạc sĩ - BS Vũ Trần Thiên Quân, Phòng khám Đại học Y Dược 1, cho biết: Có nhiều người khỏe mạnh, chơi thể thao mỗi ngày, nhưng khi làm nghiệm pháp gắng sức tim mạch, hô hấp Cpet mới phát hiện tăng huyết áp, rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim nặng… khi gắng sức. Điều này rất nguy hiểm, vì nếu không phát hiện để điều chỉnh mức vận động phù hợp thì người đó có thể bị đột tử bất kỳ lúc nào trong lúc tập thể dục.

Ông Phạm Minh H. (53 tuổi, ở Q.10) bị mệt, khó thở khi đi thang bộ. Vì lo lắng nên ông đi kiểm tra gắng sức. Kết quả làm nghiệm pháp tim mạch, hô hấp cho thấy ông bị bệnh co thắt phế quản khi gắng sức. Khi thử sức ở cường độ trung bình, BS Quân phát hiện ông H. bị co thắt phế quản. Sau đó, BS Quân cho ông H. đi đo hô hấp ký, phát hiện ông H. bị bệnh suyễn. Với trường hợp này, nếu không được chẩn đoán và phát hiện bệnh kịp thời, có thể một ngày nào đó, ông H. bị lên cơn suyễn trong lúc tập thể dục, hay đơn giản là đi cầu thang. Khi đó, không có thuốc cắt cơn thì nguy hiểm đến tính mạng.

Cũng lo lắng vì chơi thể thao hằng ngày, sáng 18/12, anh Nguyễn Hoàng Đ., 29 tuổi, ở P.An Phú, Q.2 đến Phòng khám Đại học Y Dược 1 để đo gắng sức tim mạch, hô hấp. Khi anh Đ. mới đo gắng sức ở mức độ trung bình, bằng cách đạp xe thì huyết áp đã lên 240-260, ở mức báo động. Trong khi trước khi đo gắng sức, BS đã cho anh Đ. đo điện tim, huyết áp trong trạng thái nghỉ ngơi thì hoàn toàn bình thường. Tuy huyết áp tăng cao, nhưng anh Đ. vẫn cảm thấy rất khỏe và muốn đo gắng sức cường độ cao hơn. Tuy nhiên, BS Quân không dám mạo hiểm. Vì nếu tiếp tục thì anh Đ. có thể sẽ bị xuất huyết não, do huyết áp lên cao dễ bị vỡ mạch máu. 

“Tại sao trước giờ tôi tập thể dục vẫn bình thường”, anh Đ. thắc mắc. BS Quân giải thích: “Mạch máu của người trẻ đàn hồi tốt nên có thể vẫn chịu đựng được khi huyết áp tăng cao. Nhưng vào một ngày nào đó, cũng là mức huyết áp này, biến cố lại xảy ra, có thể bị xuất huyết não”. Sau đó, anh Đ. được chỉ định đi khám tim mạch chuyên sâu. BS Quân cũng dặn dò anh hạn chế vận động gắng sức cho đến khi tìm được nguyên nhân, và xác định ngưỡng tập luyện an toàn.

Trong tập thể dục, chơi thể thao, vận động gắng sức… thì dù trẻ hay già, nếu có bệnh nền, hay bệnh tiềm ẩn thì rất nguy hiểm với sức khỏe. “Ai cũng cần tập thể dục và có thể tập luyện được, nhưng phải biết giới hạn, ngưỡng tập luyện an toàn của mình, để không xảy ra biến cố khi tập thể dục, hay chơi thể thao”, BS Tuyết Lan khuyến cáo. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI