Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) đang tổ chức các hoạt động với chủ đề Xuân về trên bản làng, giới thiệu hoạt động đón xuân đầu năm cùng nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động có khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) tham gia.
Tái hiện lễ mừng cơm mới của dân tộc Thái, tỉnh Thanh Hóa thu hút du khách. Lễ mừng cơm mới là nét văn hóa truyền thống được người Thái coi trọng.
Đây là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Đây là buổi lễ nhằm biểu hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thiên nhiên, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh.
Thầy mo sẽ tiến hành nghi thức cúng bái tổ tiên, thần linh bằng các lễ vật như xôi nếp, gà trống, rượu cần...
Lễ mừng cơm mới của người Thái có nhiều nét đặc trưng khác nhau tùy vùng miền. Tuy nhiên, lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thái với các nghi thức truyền thống và không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Trong lễ này, thầy mo sẽ cầu xin thần linh phù hộ cho gia đình, bản làng được bình an, no đủ.
Sau phần lễ là phần hội. Các chàng trai, cô gái Thái diện trang phục truyền thống, cùng nhau múa hát những điệu dân ca vui tươi. Các trò chơi đánh đu, kéo co, chọi gà... tạo không khí vui nhộn, sôi động. Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống được chế biến từ gạo mới như xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng...
Các hoạt động với chủ đề Xuân về trên bản làng được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 1/1 đến 31/1/2025.