Tái định cư không chỉ là bố trí lại chỗ ở

30/05/2024 - 06:19

PNO - Nói về tình trạng gần 9.000 căn hộ tái định cư của 39 dự án ở TPHCM chưa có người đến ở, kiến trúc sư Hoàng Minh Trí - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cho rằng, cần làm rõ vì sao người dân lại không nhận nhà, từ đó mới có giải pháp đúng.

Phóng viên: Hiểu nôm na thì tái định cư (TĐC) là bố trí chỗ ở mới cho những hộ có nhà bị giải tỏa trong dự án nào đó. Theo ông, vì sao những hộ này không chịu vào ở trong các căn hộ TĐC?

Ông Hoàng Minh Trí: Từ những năm 1990, khi giải tỏa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cơ quan chức năng đã bố trí cho các hộ TĐC trong chung cư 5 tầng mới xây, nhưng dân đã không vào ở.

Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận, người dân trong diện TĐC đa số sinh sống bằng các nghề buôn thúng bán bưng, đạp xe ba gác, xích lô. Họ không muốn dọn vào những căn hộ khang trang hơn mà không thể tiếp tục công việc mưu sinh.

Tôi đã góp ý rất nhiều lần rằng, trước khi tiến hành dự án, cần phải tổ chức điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu về chỗ ở của người dân trong diện cần giải tỏa, xem họ muốn TĐC ở đâu, ra sao. Nhưng, hầu như không có chủ dự án nào làm bước này.

Người dân ở ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đâu thể đem xe hủ tíu, tủ thuốc lá hay xe ba gác, xích lô vào nhà chung cư được, nên họ lại dạt ra vùng ven, sống trong những khu nhà lụp xụp nhưng có thể mưu sinh được. Nếu thử tìm hiểu các khu ổ chuột hiện nay, tôi nghĩ số người thuộc diện giải tỏa từ các dự án nhưng không vào khu TĐC chiếm số đông trong đó.


* Nghĩa là theo ông, nơi TĐC và việc TĐC phải gắn liền với sinh kế của những người có nhà trong diện giải tỏa?

- Đúng vậy. Hiện chủ đầu tư chỉ mới thực hiện được theo yêu cầu của chính quyền là “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, số căn hộ TĐC đáp ứng được bao nhiêu phần trăm so với số hộ trong diện giải tỏa. Họ hoàn toàn chưa quan tâm việc TĐC như vậy là phù hợp chưa, nguyện vọng của người dân là gì, vì sao họ không muốn nhận căn hộ TĐC.

Đối với người trong diện TĐC, nhất là những người lao động tự do, chỗ ở chỉ mới đáp ứng một nửa nhu cầu, nửa còn lại là ổn định cuộc sống, là công ăn việc làm. Chỉ khi nào nơi ở mới có khả năng giúp họ ổn định cuộc sống, họ mới sẵn sàng dọn đến.

* Vậy, làm sao để việc TĐC đáp ứng được cả nhu cầu ở lẫn nhu cầu mưu sinh, ổn định cuộc sống, thưa ông?

- Tôi nghĩ, cần đa dạng hóa các hình thức TĐC theo nhu cầu phong phú của người dân chứ không chỉ áp dụng cách duy nhất là xây chung cư có nhiều căn hộ.

Ngoài chung cư, có thể xây dạng nhà liên kế với diện tích đất không lớn, nhưng bảo đảm có không gian phía trước để chứa dụng cụ và mưu sinh. Xây nhà liên kế không đơn giản bởi quỹ đất ngày càng hạn hẹp nhưng vẫn nên tính đến và dành một tỉ lệ nào đó cho những hộ đặc biệt khó khăn.

Đa dạng hóa các hình thức TĐC cũng có thể hiểu là không nhất thiết cấp đất hay cấp nhà mà có thể là cấp một khoản tiền đền bù thật xứng đáng để người dân tự tìm nơi ở khác phù hợp. Tóm lại, nên đưa ra nhiều lựa chọn cho người dân.

* Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đang quản lý 8.461 căn hộ TĐC và chuẩn bị nhận thêm 487 căn nữa. Theo ông, phải làm gì với số căn TĐC này?

- Như vậy là khi chưa giải quyết gần 8.500 căn thì lại nhận thêm gần 500 căn nữa, rồi có thể sang năm lại nhận thêm và số nhà TĐC bỏ trống chắc chắn không dừng lại ở con số 9.000 căn. Tôi ủng hộ đề xuất của một số chuyên gia, đó là chuyển căn hộ TĐC thành nhà ở xã hội để cho thuê hoặc thuê mua. Có thể vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho việc chuyển đổi này.

* Xin cảm ơn ông.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI