Tái diễn tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam: Chỉ được vài 'trống canh'?

26/02/2019 - 06:00

PNO - Đầu tư không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và tâm huyết, nhưng đa số tác phẩm nghệ thuật ở ta chỉ sáng đèn một - hai suất diễn.

Không ít tác phẩm, chưa đến được với đông đảo công chúng đã lưu kho, nghệ sĩ chỉ biết... khóc ròng.

Cần phải khẳng định rằng, trong phần đa số vừa nói, không hẳn đều là tác phẩm dở. Có những trường hợp được đánh giá cao về chuyên môn, nhưng vì nhiều lý do khác nhau (đôi khi là những lý do “trời ơi đất hỡi” như thiếu địa điểm biểu diễn) mà không thể tái diễn.

Tai dien tac pham nghe thuat o Viet Nam: Chi duoc vai 'trong canh'?
Nửa đời ngơ ngác chạm mốc 150 suất diễn, là một trong những trường hợp hiếm có ở lĩnh vực sân khấu

Để có một tác phẩm ra mắt công chúng, từ khâu ý tưởng, viết kịch bản, tập luyện tới khi hoàn thiện, có khi mất hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, với sự góp sức của bao nhiêu người. Thế nhưng, tuổi thọ của chúng lại ngắn, thậm chí “đoản mệnh” ở con số chỉ một suất diễn. Một số tác phẩm được chuẩn bị cả năm ròng, chỉ để phục vụ… liên hoan, hết liên hoan thì xếp kho. Tình trạng đó diễn ra ở nhiều lĩnh vực như sân khấu, múa, xiếc, ca nhạc…

Năm ngoái, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) trình làng vở múa đương đại Café Sài Gòn thành công. Hai suất diễn liên tục trong tháng Bảy đều cháy vé. Thế nhưng, hỏi vì sao không có thêm suất diễn nào nữa thì các diễn viên lại thở dài. Đầu năm nay, trầy trật mãi, vở múa này mới có thêm được một suất diễn. Nhiều chương trình khác của HBSO, với sự tham gia của hàng trăm người, nhưng cũng chỉ nhộn nhịp đúng một suất.

Tai dien tac pham nghe thuat o Viet Nam: Chi duoc vai 'trong canh'?
 À Ố Show- vở múa đã có một hành trình dài đến với khán giả trong và ngoài nước 

Trong lĩnh vực sân khấu, không tính những vở tái dựng, những vở có tuổi thọ cao cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không thể phủ nhận yếu tố đầu tiên tạo nên sức bền của vở diễn vẫn là chất lượng kịch bản, tài năng, sự sáng tạo và sự phối hợp giữa các diễn viên. Song với đặc thù của sân khấu, không phải tất cả vở diễn tuổi thọ ngắn đều kém chất lượng. Vẫn có những vở được đầu tư, chăm chút, nhưng khó tổ chức biểu diễn, do có phong cách khá lạ so với thói quen thưởng thức của số đông khán giả “ruột” của sân khấu hoặc do những biến động về đội ngũ diễn viên.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong cảnh khó chung, vẫn có những tác phẩm “bứt phá”, tái diễn nhiều suất và tái sinh cùng với công chúng. Có thể kể ra một số cái tên đạt kỷ lục về thời gian như Hợp đồng mãnh thú, Người điên trong ngôi nhà cổ (đều mười năm), Nửa đời ngơ ngác, Thử yêu lần nữa, Hãy khóc đi em (thọ tám năm). Kỷ lục về số suất diễn là Chuyện tình Bangkok của Sân khấu Thế giới trẻ, với hơn 200 suất, kể từ ngày ra mắt nào năm 2014 tới nay. Vở Tiên Nga của Idecaf, mới ra mắt, cũng đã đi qua gần 40 suất và vẫn đang có kế hoạch diễn tiếp.

Tai dien tac pham nghe thuat o Viet Nam: Chi duoc vai 'trong canh'?
Nhạc kịch Tiên Nga đã qua 40 suất diễn và đang có kế hoạch diễn tiếp

Hay như các vở xiếc À ố show, Làng tôi, Teh Dar và Palao của Lune Production, mà ở phía sau là nhóm tác giả tài năng như đạo diễn Tuấn Lê, biên đạo Tấn Lộc, âm nhạc: Nguyễn Nhất Lý, đào tạo Nguyễn Lân Maurice, đều đi được một hành trình dài, không chỉ ở Việt Nam, còn lưu diễn thế giới.

Nếu từ năm 2009 tới năm 2012, Làng tôi có gần 400 suất diễn (chưa tính thời điểm 2012 trở đi) thì À ố show, từ năm 2016 đến nay, đã tái diễn cả ngàn suất. Khi hai tác phẩm cũ vẫn đang được khai thác, Teh Dar và Palao cũng được khai thác mạnh. Vậy thì, phải đặt ngược lại câu hỏi, tại sao người này làm được mà người khác, đơn vị khác lại không. Chứ chẳng lẽ lại đổ thừa mãi cho hoàn cảnh, cơ chế? 

 Đậu Dung - Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI