Tái diễn nạn ăn xin ở TPHCM

03/03/2023 - 06:19

PNO - Những ngày qua, Đường dây khẩn của Báo Phụ nữ TPHCM nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng trẻ em, người già ăn xin xuất hiện nhiều một cách bất thường.

Người phụ nữ dắt theo cháu nhỏ ăn xin ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Thiện Thuật - ẢNH: HOÀNG LÂM
Người phụ nữ dắt theo cháu nhỏ ăn xin ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Thiện Thuật - Ảnh: Hoàng Lâm

Có dấu hiệu chăn dắt

Giữa trưa, nắng như đổ lửa, một người phụ nữ lớn tuổi ôm đứa bé khoảng 5 tuổi ngồi ăn xin tại giao lộ Nguyễn Thiện Thuật - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Mỗi khi xe dừng đèn đỏ, người phụ nữ chìa nón lá ra van nài người đi đường. Cầm lòng không đặng nên nhiều người đã móc tiền ra cho.

Khoảng 2 tiếng sau, người phụ nữ dắt đứa nhỏ ra một đoạn đường vắng gần đó để đưa số tiền xin được cho một người đàn ông chạy xe máy và người này lại chở họ đi nơi khác. “2 bà cháu họ xuất hiện tại đây từ giữa tháng Hai, có người đưa đón nên tôi nghi ngờ là họ bị chăn dắt” - chị Kim Tiền Thảo - nhà ở gần ngã tư Nguyễn Thiện Thuật - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) - nhận định.

Tại giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng (quận 5) tuần qua cũng xuất hiện 2 đứa trẻ, khoảng 8 tuổi và 2 tuổi, ngồi vật vờ ăn xin bên trụ đèn giao thông. Giữa dòng xe cộ ồn ào, trẻ 2 tuổi vẫn nhắm nghiền mắt trong vòng tay anh nó. Khi hỏi thăm về cha mẹ, đứa 8 tuổi lắc đầu và bỏ đi nơi khác. “Khoảng 1 tiếng lại có đôi nam nữ đến gom tiền của 2 đứa nhỏ. Không biết họ là cha mẹ hay là người chăn dắt. Tôi nghi ngờ họ cho đứa nhỏ uống thuốc gì đó, vì đứa bé cứ ngủ suốt ngày” - anh Nguyễn Kim Thành - ngụ phường 4, quận 5 - nghi ngờ.

Theo phản ánh của người dân, từ dịp tết Nguyên đán đến nay, người già, trẻ em ăn xin xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt trên các trục đường lớn và nơi đình, chùa. Chị Nguyễn Diệu Linh (ngụ quận 6) kể, hằng ngày đi làm qua đại lộ Đông Tây ra TP Thủ Đức, chị bắt gặp ít nhất 5 vị trí có người già, trẻ em ăn xin. Tại đoạn đường Mai Chí Thọ giao với đường dẫn lên cao tốc, chị thường xuyên bắt gặp những phụ nữ bồng trẻ em xin tiền người đi đường.

Là tín đồ nhà Phật, anh Trần Lê Anh Việt (ngụ quận Bình Tân) thường xuyên đi chùa. Anh cho biết, thời gian gần đây, người ăn xin xuất hiện tại các chùa đông một cách bất thường. “Hôm rồi đi chùa Huệ Nghiêm, quận Bình Tân, tôi nhẩm đếm có đến gần 10 người già ngồi xin ăn ở các lối đi trong chùa. Theo tôi biết, những người này được người khác chở đến. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, nếu phát hiện chăn dắt cần phải xử lý nghiêm” - anh Việt bức xúc.

Còn chị Diệu Linh thì cho rằng, “TPHCM từng thực hiện rất nghiêm việc tập trung người ăn xin. Tôi cho rằng đây là chính sách vừa nhân văn, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, không hiểu sao từ đầu năm 2023 đến nay lại xuất hiện nhiều người ăn xin như vậy. Theo tôi, cần mạnh tay xử lý tình trạng này” - chị Diệu Linh nói.

Nếu phát hiện sẽ chuyển cơ quan điều tra

Bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM) - cho biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 21/2, các đơn vị thuộc sở đã tiếp nhận 148 trường hợp lang thang, cơ nhỡ, xin ăn. Trung tâm Hỗ trợ xã hội đã tiếp nhận 101 trường hợp và Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần tiếp nhận 47 trường hợp.

Cũng theo bà Phụng, theo định kỳ, trước các dịp lễ, tết Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản đôn đốc các địa phương việc tăng cường công tác tập trung người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng trên địa bàn; tăng cường truyền thông, giáo dục, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc xin ăn.

Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội phối hợp với các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra, rà soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố…

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và hạn chế tình trạng xin ăn, sống lang thang, chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế để trục lợi. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị xử lý hành chính và chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra” - bà Phụng thông tin thêm.

Bà Phụng cũng nhìn nhận, những năm gần đây, tình trạng xin ăn, sống lang thang nơi công cộng tại TPHCM có giảm nhưng chưa đáng kể. Năm 2022, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tình trạng người xin ăn, người sống lang thang nơi công cộng xuất hiện nhiều hơn. Mặt khác, tình trạng ăn xin biến tướng ra nhiều hình thức như giả bị bệnh nan y, bán vé số, tăm bông; lợi dụng trẻ em; giả thầy tu đi khất thực... cũng gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý.

Nguyên do khác là “vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt trong thực hiện công tác tập trung tại các đơn vị quận, huyện. Công tác phối hợp của các quận, huyện khi nhận được thông tin từ sở chưa hiệu quả, kết quả xử lý chưa được phản hồi” - bà Phụng thẳng thắn. 

Người ăn xin khi vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ dạy văn hóa, dạy nghề và giới thiệu việc làm, nhất là trẻ em, người trong độ tuổi lao động, người khuyết tật còn khả năng lao động. Tuy nhiên, do quy định thời gian tiếp nhận, quản lý đối tượng không quá 3 tháng nên việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nêu quan điểm, tình trạng ăn xin xuất hiện nhiều trên đường phố TPHCM thời gian gần đây là rất khó chấp nhận. Để xảy ra điều này là trách nhiệm của người đứng đầu các phường, xã nơi có người xin ăn. 

Hành vi lợi dụng người tàn tật, người già, trẻ em xin ăn để trục lợi là vi phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Trẻ em năm 2016. Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định việc lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị phạt tiền và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, nếu ngược đãi, đánh đập, gây thương tích cho người già, trẻ em để buộc phải đi ăn xin thì có thể bị truy tố theo quy định pháp luật. 

 Tuyết Dân - Hoàng Lâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI