Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thật sự khó

06/11/2023 - 15:30

PNO - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH về tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, đặc biệt sau sự việc tại ngân hàng SCB.

 

ĐBQH Phạm Văn Hòa

ĐBQH Phạm Văn Hòa chất vấn về việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, sau vụ việc của ngân hàng SCB

Lo có thêm vụ việc như ngân hàng SCB

Chiều 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời ý kiến chất vấn của ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đặt ra từ cuối phiên họp sáng cùng ngày.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, ông thấy yên tâm trước các thông tin bà Nguyễn Thị Hồng cung cấp với ĐBQH. Tuy nhiên, nhiều bà con cử tri đặt vấn đề về tình hình các ngân hàng tín dụng, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài Nhà nước đang “trong vòng kiểm soát đặc biệt”.

“Đối với lĩnh vực ngân hàng này có khả năng sắp tới xảy ra giống Ngân hàng thương mại cổ phẩn Sài Gòn (SCB) như thời gian qua nữa hay không, để người dân yên tâm gửi tiền?”, ông đặt câu hỏi.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) đặt vấn đề, thực hiện Nghị quyết 44 đến nay việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt tiến độ đề ra. Bà đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân tồn tại, hạn chế và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý, đảm bảo an toàn hệ thống.

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Xây dựng đề án Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thật sự khó. Bình thường đã khó rồi nhưng trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động COVID-19, biến động của kinh tế thế giới, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém còn khó hơn”.

Theo bà, việc xây dựng đề án rất phức tạp, đây là việc chưa có trong tiền lệ trong khi kinh nghiệm của người tham gia xây dựng đề án chưa có. Việc tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án cũng khó khăn. Cơ cấu chính sách, nguồn lực để tái cơ cấu cũng phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để đồng thuận, thống nhất. 

Tuy nhiên, với các ngân hàng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin đã xin ý kiến cấp có thẩm quyền về chủ trương, đang trong quá trình thực hiện từng bước để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình phê duyệt và sẽ tổ chức thực hiện đúng như đề án.

Tín dụng đen có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn, chiều 6/11

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn, chiều 6/11

Đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) chỉ ra thực tế hiện nay, tín dụng đen vẫn còn đất sống, vẫn len lỏi không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở vùng thành thị. Thậm chí một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội. 

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề được quan tâm và đã được các bộ, ngành triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để người dân tiếp cận được tín dụng từ các kênh chính thức. Điển hình như có thông tư quy định về việc cấp tín dụng của các công ty tài chính và công ty tài chính tiêu dùng. 

Đối với thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi để theo hướng có thể cấp tín dụng thông qua các phương tiện điện tử, tạo thuận lợi cho người dân. 

Một biện pháp tiếp theo là Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an về cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia để tiến tới cho vay tín chấp đối với những khoản cho vay nhỏ lẻ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và hạn chế tín dụng đen. 

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, để hạn chế tín dụng đen còn cần sự chung tay của các ngành, các cấp. Trong đó, UBND và các tổ chức chính trị xã hội nắm bắt thông tin để người dân có nhu cầu vay vốn có thể tiếp cận những kênh chính thức; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, không tiếp cận với nguồn tín dụng đen ở bên ngoài. Bộ Công an tiếp tục đấu tranh để ngăn ngừa tội phạm, những hành vi cho vay nặng lãi.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI