Tai biến, tử vong vì lạm dụng thuốc tiêm dịch truyền

21/10/2016 - 07:00

PNO - Thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp bị tai biến, tử vong do tiêm thuốc "vô tội vạ", từ tiêm thuốc để trị bệnh đến tiêm thuốc làm đẹp.

Chết vì tiêm truyền

Mới đây, một bệnh nhân (BN) nam (45 tuổi, ở Hải Phòng) đã tử vong sau khi tiêm thuốc để chữa đau lưng. BN bị sốc nặng, suy đa tạng, kèm theo những tổn thương viêm tấy, lan tỏa toàn bộ vùng lưng, đùi... do nhiễm trùng máu trong quá trình tiêm truyền không đảm bảo an toàn, vệ sinh vô trùng. Trước đó, một cô gái 20 tuổi ở Q.Tân Phú (TP.HCM) cũng đã tử vong sau khi truyền nước tại một phòng khám gần nhà chỉ vì “thấy trong người mệt”.

Lâu nay, nhiều người cứ thấy mệt, đau người là đi truyền dịch để khỏe, giảm đau lưng, đau xương khớp… Hậu quả là, không ít trường hợp bị tai biến, nặng nhất là tử vong do sốc phản vệ; nhẹ hơn thì bị nhiễm trùng máu, phù phổi, suy hô hấp, suy tim, nhất là những người bị bệnh tim mạch.

Phó giáo sư (PGS) - tiến sĩ (TS) Nguyễn Hữu Đức (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), cảnh báo, hiện rất đáng báo động về tình trạng trẻ em bị cho tiêm thuốc K-Cort dẫn đến bị teo cơ; hay một số người lớn tiêm K-Cort vào khớp và bị nhiễm trùng khớp, hoặc tiêm thuốc kháng sinh, tiêm vitamin B1 bị sốc phản vệ, tử vong. Một số thuốc như calci clorid nếu tiêm bắp có thể gây hoại tử cơ.

Theo báo cáo của khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng chục trẻ em đã bị xơ hóa cơ do tiêm kháng sinh. Tai biến làm giảm chức năng vận động của trẻ rất nghiêm trọng. “Trường hợp BN nam tử vong mới đây một lần nữa cho thấy, dạng thuốc tiêm, đặc biệt là tiêm truyền không phải luôn luôn tốt nhất mà phải rất thận trọng nếu muốn dùng, thậm chí có khi không nên dùng”, PGS-TS Đức nhấn mạnh.

Đáng nói, nhiều người vẫn nghĩ, dùng thuốc tiêm tốt hơn thuốc uống. Do đó, khi đến phòng khám, nếu BS không chỉ định tiêm truyền thì vẫn có không ít BN nài nỉ thầy thuốc cho thuốc tiêm, thậm chí còn đòi hỏi được tiêm truyền “nước biển”. Theo PGS-TS Đức, thuốc tiêm là một dạng dược phẩm vô trùng dùng để tiêm vào cơ thể; chính định nghĩa này cho thấy thuốc tiêm không phải luôn luôn hoàn hảo mà cũng có nhiều nhược điểm.

Ưu điểm của thuốc tiêm là do được tiêm vào cơ thể, thuốc được hấp thu trực tiếp và trọn vẹn vào máu nên có tác dụng nhanh và hiệu quả cao. Thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa hoặc gan hủy hoại. Một số thuốc có bản chất peptid như hormon (progesteron, insulin…) hay một số enzym, nếu uống sẽ bị dịch vị thủy giải hoặc bị gan biến đổi thành những chất không có tác dụng. Tiêm thuốc sẽ tránh được các tác dụng phụ của thuốc trên hệ tiêu hóa.

Tuy nhiên, nhược điểm là việc tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như ống tiêm, kim tiêm; tim truyền phải có bộ dây truyền và phải tuyệt đối vô trùng; nếu không vô trùng thì có nguy cơ bị nhiễm trùng (như áp xe, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan siêu vi B, C).

Bên cạnh đó, người tiêm thuốc không thông thạo cách tiêm có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng. Đáng lưu ý, thuốc tiêm dễ gây phản ứng toàn thân hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc; vì vậy, trong nhiều trường hợp phải chuyển từ thuốc tiêm sang dạng uống mặc dù hiệu quả có thể kém hơn.

Tiêm dưỡng ẩm: "Tiền mất, tật mang"

Gần đây, nhiều nơi quảng cáo rầm rộ một phương pháp làm đẹp mới là tiêm dưỡng ẩm cho da. Nhiều người có làn da thô ráp, đầy nếp nhăn bị hấp dẫn bởi dịch vụ làm đẹp này mà không biết nguyên liệu để tiêm dưỡng ẩm thật ra cũng chỉ là một chất làm đầy (filler). Cùng là một phương pháp tiêm dưỡng ẩm nhưng mỗi nơi tư vấn nguyên liệu khác nhau.

Tai bien, tu vong vi lam dung thuoc tiem dich truyen
Nhân viên cơ sở làm đẹp soi da, tư vấn cho khách hàng

Tại một trung tâm thẩm mỹ trên đường Trần Khắc Chân (Q.1, TP.HCM), hỏi tuổi và nhìn mặt chúng tôi, nhân viên tại đây phán: “Chị mới 28 tuổi nhưng khi cười, gương mặt lộ rõ nếp nhăn nơi khóe mắt. Nếp nhăn này không phải do lão hóa mà do da chị thiếu nước, thiếu chất dưỡng ẩm. Để cải thiện, chị nên áp dụng phương pháp Hudro Lifting (tiêm dưỡng ẩm) bằng cách tiêm restylane vital để điều trị tình trạng da khô”.

Để chứng minh làn da chúng tôi khô, nhân viên đem ra hộp phấn trang điểm thử lên mặt rồi kết luận lớp trang điểm bị sần lên là do da quá khô và tư vấn nên tiêm gì, mấy lần mỗi tuần.

Tại một cơ sở làm đẹp trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), nhân viên cho biết, trung tâm không có phương pháp tiêm dưỡng ẩm mà chỉ có tiêm trẻ hóa da bằng vital.

Còn khi đến trung tâm thẩm mỹ trên đường Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM), nhân viên cho biết trung tâm hiện áp dụng tiêm dưỡng ẩm bằng axít hyaluronic. Đây là một loại gel màu trắng trong suốt, do sự lên men từ vi khuẩn streptococci. Khi tiêm vào cơ thể, axít hyaluronic này sẽ tự động hòa hợp với axít hyaluronic trong cơ thể nên chỉ cần một lần tiêm bảo đảm làn da căng mịn, mượt mà, trẻ ra 10 tuổi (!?).

 “Axít hyaluronic là sản phẩm được đóng gói vô trùng với thể tích 1cc cho mỗi ống tiêm; nếu sau khi tiêm vẫn còn dư, thuốc có thể trữ lại trong vòng nửa năm. Sản phẩm sẽ được bảo quản cẩn thận tại trung tâm và dùng tiếp cho lần sau” - nhân viên tại đây trấn an chúng tôi.

BS Ngô Anh Kiệt, Trưởng khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Triều An (TP.HCM), cho biết, tiêm dưỡng ẩm da thực ra cũng là phương pháp tiêm chất làm đầy, bởi hyaluronic acid (gọi là HA) để tiêm là một chất làm đầy.

Cấu trúc phân tử và trọng lượng của HA lớn nên khả năng giữ nước gấp 500-1.000 lần trọng lượng của cơ thể. Trung bình cơ thể người có khoảng 15g HA và khoảng 1/3 trong số đó được sử dụng mỗi ngày. Theo thời gian, cơ thể con người sản xuất ra HA ít hơn trước và đó cũng là nguyên nhân xuất hiện các nếp nhăn trên da, da trở nên khô, nhăn nheo.

Để phục hồi những HA đã mất, người ta có thể tiêm HA vào da để xóa mờ các nếp nhăn, giúp da căng bóng, tươi trẻ hơn. Làn da căng trông sẽ mướt và “ẩm ướt” hơn so với làn da nhăn nheo, nên nhiều cơ sở thẩm mỹ gọi đây là phương pháp tiêm dưỡng ẩm cho có vẻ mới lạ để thu hút khách hàng.

Trước đây, HA được tách ra từ mắt bò, mào gà, nhưng vài năm gần đây, người ta làm ra HA từ một chủng vi khuẩn lành tính, có cấu trúc tương tự như HA tự nhiên trong cơ thể người. HA khi tiêm vào da sẽ xâm nhập sâu hơn vào lớp hạ bì, giúp trẻ hóa làn da, cải thiện nếp nhăn, tăng độ đàn hồi và cho da thêm sức sống.

Tuy nhiên, có một nhược điểm của HA là trong một số trường hợp, các phân tử không thể xâm nhập vào da. Ngoài ra, HA có thể gây ra hiện tượng “hút ẩm ngược”, khiến da khô hơn khi độ ẩm không khí thấp, nhất là với những người làm việc lâu dài trong nhiệt độ máy lạnh quá thấp.

Phương pháp này chỉ có hiệu quả trong vòng bốn - sáu tháng, vì HA là một chất có sẵn trong cơ thể người do đó thành phần của nó sẽ bị hấp thu dần dần vào trong cơ thể, nên sau một thời, gian, vùng tiêm axít hyaluronic sẽ tự mất đi, nếp nhăn sẽ xuất hiện trở lại; muốn duy trì kết quả, cần phải tiếp tục tiêm nhắc.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI