Tái bản sách về nạn đói lịch sử sau 30 năm

23/07/2022 - 08:22

PNO - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Omega+ vừa tái bản cuốn sách nói về nạn đói năm Ất Dậu (1945) - đã lấy đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt.

Cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết: giáo sư Văn Tạo và giáo sư Furuta Motoo.

Đây là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Hai tác giả đã nghiên cứu và khảo cứu công phu, tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại khá toàn diện bức tranh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.

Nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã lấy đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt
Nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã lấy đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt

Công bố lần đầu vào năm 1995, đến nay đã gần 30 năm, cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp - Đức. Người viết “Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…” (Trích Hồ Chủ Tịch hô hào chống nạn đói năm 1945).

Cuốn sách do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết
Cuốn sách do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết

Đã hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của nhân dân Việt Nam, nạn chết đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối.

Theo con số ghi chép trong cuốn sách, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải - Thái Bình) nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất, 66,66 % số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ.

“Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương ra run rẩy, ngay cả đến những thiếu nữ đã đến tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thực lấy làm xấu hổ thay cho cái kiếp con người".

(Bức thư của Vespy tháng 4/1945, viết về cảnh chết đói mà ông được chứng kiến)

PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI