"Tái bản" ký ức về mẫu chữ vẽ tay của Sài Gòn xưa

16/01/2021 - 06:26

PNO - Ký ức về những mẫu chữ vẽ tay bỗng ùa về trong nỗi nhớ niềm thương của nhiều người yêu Sài Gòn xưa qua một bộ phông chữ được tái bản.

Tái bản nghệ thuật vẽ chữ cổ điển

Trở về Việt Nam từ năm 2013, với Trung Nguyễn, ký ức về Sài Gòn dường như chỉ còn là những mảnh nhỏ chắp vá. Với mong muốn sao y, phục dựng nghệ thuật vẽ chữ cổ điển từng một thời thịnh hành ở Sài Gòn, anh và cộng sự đã phát triển thành công các bộ phông chữ mới miễn phí dành cho người Việt.

“Tôi chứng kiến nhiều bảng hiệu vẽ tay dần dần biến mất. Cái chỉ dấu nhận dạng thành phố này thoi thóp trong những giấc mơ đô thị. Tôi bắt đầu chụp và vẽ lại các bộ chữ trên các bảng hiệu ấy. Và cũng từ đó, Tái bản ra đời ”, Trung chia sẻ. 

Trung cho biết đa số mọi người trong Behalf Studio đều đi thực địa, tìm tòi để chụp lại các bảng hiệu, phông chữ chủ yếu ở quận 5, quận 1, các con đường lớn hay các khu chợ nổi tiếng. Tính đến nay, Behalf Studio cùng Trung Nguyễn đã cho ra đời 5 bộ phông chữ lần lượt mang tên Finesse (Mỹ nghệ), Barber (Thợ cạo), Westgate (Cửa Tây), Đanh Đá và Patriot (Kháng chiến)

Không gian triển lẫm
Không gian triển lãm

Với Trung và Behalf Studio, định nghĩa chữ mang một ý niệm vô cùng mới mẻ: Chữ là Đối thoại, Góc nhìn, Ngẫu hứng, Nhịp điệu, Quá trình, Kết cấu Cảnh trí. Chúng được phối cảnh trong từng ý niệm ấy.

Chữ là Đối thoại quy tụ toàn bộ 5 phông chữ nguyên bản thuộc dự án với ý tưởng biến tấu và thể nghiệm dựa trên dạng thức truyền thống của poster. Trong khi đó, Nhịp điệu của chữ lấy cảm hứng từ chiếc xe đẩy của thợ sửa đồng hồ lại là tác phẩm gồm 4 bộ tranh in, mỗi bộ được tạo từ ba bức họa liên đới được in bằng kỹ thuật risograph. Chữ là Kết cấu thì tái hiện những chiều kích đa dạng của chữ thông qua diễn giải hữu hình về chữ "R" thuộc phông chữ Thợ cạo, sử dụng ánh sáng để tạo hiệu ứng hắt bóng hình và khối lên tường.

Triển lãm Republish: Chữ Là Chi... đang diễn ra tại The Nutshell Saigon (58/12 Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3)
Triển lãm Republish: Chữ Là Chi... đang diễn ra tại The Nutshell Saigon (58/12 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3)

"Nếu muốn vẽ thì hãy đến với chúng tôi"

Dù cảm hứng là Sài Gòn xưa nhưng Trung Nguyễn cho rằng anh không muốn tái hiện một không gian cổ tích để nhốt mọi người trong thế giới xưa cũ ấy.

“Tôi không muốn mọi người đắm chìm hoài trong những ký ức xưa cũ. Bộ chữ này cũng không giúp mọi người quay ngược về quá khứ. Chỉ là khi nhìn từng nét chữ của bộ phông chữ này, ta sẽ hoài niệm về một thời đã qua”, anh tâm sự.

Các tòa nhà cũ là hữu hình, khi mất đi thì còn là cát bụi và sống trong ký ức thị dân. Còn những con chữ, những tấm biển quảng cáo, chúng có thể mất đi nhưng ta có thể tạo lại chúng. Điều này không thể đối với những tòa nhà. Đó cũng là lý do mà Trung và cộng sự nhiệt tâm với Tái bản.

Từng sống và làm việc ở Mỹ, Trung Nguyễn cho biết từng có một thời, người ta chẳng còn mê vẽ tay các biển quảng cáo nữa. Sài Gòn có lẽ cũng vậy. Nhưng điều khác biệt là sau những năm tháng quay lưng ấy, người Mỹ đã bắt đầu yêu thích bộ môn này lại. Còn Sài Gòn, nhiều người cũng yêu thích tấm bảng quảng cáo vẽ tay lắm chứ nhưng bỗng giật mình vì có còn nữa đâu mà nhớ, mà thương.

Rồi nhìn từng con chữ thai nghén thành hình, chàng trai trẻ cho rằng một Sài Gòn năm xưa như được tái sinh. Ngoài Sài Gòn, dự án vẽ lại các bộ phông chữ trên các biển quảng cáo, địa điểm nổi tiếng của Behalf Studio đang được nhân rộng ở các thành phố khác như Đà Lạt, An Giang…

“Nếu ai muốn vẽ thì hãy đến tìm chúng tôi. Những chỉ dấu ấy cần được nhắc nhớ và lưu giữ. Một thành phố không có trầm tích là một thành phố rỗng tuếch”, anh bộc bạch.

"Với nghệ thuật, không có tôi thì cũng sẽ có người khác. Vẽ bảng quảng cáo là một nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn, từng có một thời vàng son nhưng rồi cũng thoái trào. Nếu một ngày không còn những bảng vẽ, những người vẽ như tôi nữa thì thật buồn."

(Nghệ nhân vẽ bảng quảng cáo Hoài Minh Phương - Người vẽ bảng quảng cáo cuối cùng của Sài Gòn)

Tấn Đồng

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI