6h40 sáng, Quốc quần lửng áo thun loay hoay dưới tầng hầm, hai tay bốn phần ăn sáng và tôi thấy loáng thoáng trong túi nylon trắng là ổi, hay xoài gì đó.
Tôi biết, giờ này Quốc mới mua đồ ăn sáng về cho vợ con. Vừa chạm ngõ ba mươi, Quốc đã kịp có ba đứa con, đứa lớn chín tuổi, đứa nhỏ nhất vừa tròn năm. Vợ Quốc học trung cấp, ra trường là lấy chồng. Cho đến hôm nay chưa đi làm ngày nào vì liên tục bầu bì rồi con nhỏ. Mấy năm nay vợ chồng Quốc ở nhà nội, ông bà nội cũng đỡ đần ít nhiều nên Quốc tích cóp được một chút, quyết tâm vay thêm ngân hàng mua một căn chung cư. Một tháng Quốc phải trả bảy triệu cả gốc cả lãi, theo tính toán của Quốc, chỉ cần ba năm là Quốc trả hết nợ ngân hàng.
|
Ảnh: Internet |
Đó là tính toán khi thằng cu thứ 3 chưa "tòi" ra, như cách nói vui của Quốc. Và khi dự án giao nhà, thay vì cho thuê lấy tiền phụ trả ngân hàng thì vợ Quốc nằng nặc đòi ra riêng vì "có nhà rồi mắc gì chung đụng chật chội?". Vì mới sinh con nên Quốc không dám làm vợ buồn, thời gian này mẹ anh lại siêng đi đền chùa, chuyện nhà dồn hết cho vợ nên vợ Quốc có bức bối. Quốc giao hẹn với vợ, chỉ ở nhà mới nửa năm rồi về nhà nội lại, vì anh kham không nổi.
Nhưng cái hạn nửa năm đã qua mà vợ Quốc khăng khăng không chịu quay về. Thằng lớn học gần nhà nội nên sáng sáng Quốc phải chở con đến trường mới vòng đi làm. Tính ra Quốc phải chạy 30km cho buổi sáng và ngần ấy đoạn đường cho buổi chiều tối.
Mấy nay, Quốc rệu rã thấy rõ vì những người hỏi được đã hỏi, những người mượn được đều đã mượn. Thói đời khi đi vay nợ, một tháng ba mươi ngày chợt ngắn lại còn mươi mười lăm ngày, mới đầu tháng đó đã cuối tháng, đã nghe nhân viên ngân hàng ngọt ngào nhắc nợ. Thằng con giữa đã ba tuổi ở nhà với mẹ, dạo này nó bị “hội chứng tuổi lên ba” luôn gây sự ầm ĩ, ương bướng khó bảo. Ở tuổi cần có bạn bè chơi, học hành thì cả ngày bị nhốt trong nhà với đứa em trai nhỏ, nó trở nên hung hăng, sẵn sàng gây sự cáu gắt với bất cứ ai. Thêm thằng nhỏ đã biết đi, phải quan tâm hơn. Ngày nào nhà cũng như chiến trường với những hò hét khóc lóc cáu gắt. Quốc bảo nhiều khi rước thằng lớn và cứ thế đi như trôi trên đường, mấy lần thằng con nhắc ba ơi ba quên quẹo kìa mới giật mình quay xe lại.
Quốc hỏi, em phải làm sao bây giờ?
Phải làm sao? Nhà đông người, vợ Quốc ở nhà sao buổi sáng không lo cơm cho chồng con mà đi ăn ngoài, ngày nào cũng bốn phần ăn đã bay một trăm nghìn, chưa kể sáng nào Quốc cũng phải chạy đi mua đồ ăn sáng về rồi mới chở thằng lớn đi học.
Tôi góp ý nên đi gửi thằng nhỏ cho vợ Quốc đi làm, lương có thể không cao nhưng ít nhất có thể nuôi bản thân, ra ngoài mở mang đầu óc và phụ tiền gửi trẻ cho thằng nhỏ. Cho thằng giữa đi học cho có bạn có bè. Như thế, chi phí ăn uống khi ba mẹ con ở nhà sẽ giảm, điện nước cũng giảm và còn giảm được một khoản ăn vặt đáng kể. Ba mẹ con ở nhà buồn không có chỗ chơi, cứ dắt nhau đi dạo quanh mấy cái siêu thị mini trong khu, và mỗi lần sẽ mang về thứ gì đó vì "con nít nó đòi".
|
Ảnh: Internet |
Không biết Quốc về bàn bạc với vợ sao mà Quốc lại sang, mặt mũi thểu não:
“Vợ em nó không chịu đi làm! Nói thì nó nói ở nhà đó giờ rồi, giờ đi làm làm biếng lắm, biết làm gì giờ? Với lại bạn bè nó có ai đi làm đâu, toàn được chồng nuôi không à!”
Tôi nghẹn lời với lý do của bà mẹ ba con. Quốc dàu dàu nói đó giờ một tay em lo, chuyện nhà em ít khi nói với vợ vì có nói vợ cũng chẳng giúp được gì. Thôi để nó yên tâm nuôi con. Vậy là việc chồng là kiếm tiền, việc vợ là nuôi con, phân chia rạch ròi, mỗi tháng Quốc đưa vợ mấy triệu là xong. Cần mua cần sắm gì Quốc quyết hết. Cứ vậy mà cũng qua được gần chục năm hôn nhân. Nhưng nay thì khác rồi, con mỗi lớn mỗi phát sinh, vợ ở nhà rảnh hay lên mạng tám chuyện và bắt đầu so sánh nhà mình với nhà người ta, chồng mình với chồng người ta, con mình với con người ta... thấy gì mình cũng thua kém hết. Thế là vợ quay sang nhăn chồng, bắt đầu dằn hắt bóng gió...
Quốc thất thểu ra về, Quốc quyết định về nội nhưng tình hình có vẻ căng vì vợ giận dỗi cả tuần nay, không nói với chồng câu nào. Ngày trước con lười ăn thì còn ráng dỗ, ráng ép, nay thì mặc kệ. Đêm đám trẻ đói không ngủ được thì Quốc dậy mà dỗ con.
Quốc cầu cứu: “Chị nói chuyện với vợ em hộ em với, giờ nhà cửa nó cũng không quét dọn, nói sắp chuyển đi thì dọn làm gì. Chồng nói một là im hai là vặc lại bất cần. Em giờ như con bò sữa bị vắt đến kiệt cùng rồi!”
|
Ảnh: Internet |
Chiều nay tôi nấu cơm sớm còn sang nhà Quốc với hai địa chỉ đang cần người làm và một nơi giữ trẻ tư nhân, chỉ là người ngoài, nói chẳng biết có tác dụng gì không nhưng Quốc đã nhờ, tôi không thể từ chối. Hôn nhân đâu chỉ chục năm, mà là mấy cái chục năm đó, nhưng cứ đà này e không ổn. Nhớ hôm trước sang chơi, tôi nghe vợ Quốc cười cười, nói với chồng:
“Người ta nói ba trai không được, chắc mình "mần" đứa nữa.”
Phạm Khánh Hiền