Tách riêng dạy tích hợp THCS không khéo làm khó học sinh

30/07/2023 - 14:41

PNO - Dù được “cởi trói” trong phân công giáo viên giảng dạy môn tích hợp bậc THCS năm học 2023-2024, nhiều trường tại TPHCM vẫn kiên định với hướng dạy tích hợp.

“Tách không khéo sẽ làm khó học trò”

Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM cho phép trường THCS phân công giáo viên giảng dạy theo chủ đề ở các môn tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội trong Chương trình GDPT 2018. Như vậy, ở một bộ môn sẽ có thể có từ 2-3 giáo viên cùng phụ trách đứng lớp. 

Đây được xem là điểm mới nhất trong triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc THCS với các khối lớp Sáu, Bảy, Tám năm học 2023-2024 tại TPHCM, nhằm gỡ khó cho các cơ sở giáo dục THCS khi thực hiện môn học mới này.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), mục tiêu Chương trình GDPT 2018 được nhà trường kiên định trong triển khai bộ môn tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội trong năm học 2023-2024 khi 1 giáo viên vẫn phụ trách cả 3 phân môn.

Việc tách biệt riêng từng phân môn trong giảng dạy các môn tích hợp THCS nếu không khéo sẽ làm khó học sinh
Việc tách biệt riêng từng phân môn trong giảng dạy các môn tích hợp THCS nếu không khéo sẽ làm khó học sinh

Theo thầy Nguyễn Công Phúc Khánh - Phó hiệu trưởng nhà trường, năm học mới chắc chắn sẽ có khó khăn bước đầu với giáo viên khối Tám do dạy kiến thức mới, giáo viên chưa có kinh nghiệm nên vẫn sẽ vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm điều chỉnh, thay đổi tiến trình dạy học. Tuy nhiên, việc thay đổi tiến trình dạy học không phải đơn thuần là thay đổi thời lượng giảng dạy mà tiến trình dạy học phải phù hợp, đi vào thực chất phát triển kiến thức chứ không chỉ là truyền thụ kiến thức.

Phó hiệu trưởng này phân tích: Ở môn khoa học tự nhiên với độ tích hợp cao, chắn chắn giáo viên phải chấp nhận việc mình phải là người cùng với học sinh tìm hiểu kiến thức, quên đi câu chuyện biết 10 dạy 1. Vì vậy, để thực hiện tốt Chương trình 2018 thì giáo viên phải chấp nhận mình cùng học sinh tìm hiểu, xây dựng kiến thức, thông qua quá trình đó đạt được năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề cho học sinh.

“Các chủ đề trong bộ môn khoa học tự nhiên ở các khối lớp Sáu, Bảy, Tám đều xuất hiện những kiến thức mới mà ngay cả giáo viên phân môn đó nếu không nghiên cứu tài liệu, không có sự tìm tòi, không ngừng bồi dưỡng, tự bồi dưỡng thì cũng khó mà dạy được. Vì vậy, điều cốt lõi là giáo viên phải xác định tâm thế đổi mới khi giảng dạy. Về phía nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học…”- thầy Phúc Khánh nhìn nhận.

Ông cho rằng, việc tách riêng biệt từng giáo viên đảm nhiệm từng phân môn ở các môn tích hợp các khối Sáu, Bảy, Tám nếu làm không kỹ có thể làm khó người học, tạo thêm áp lực kiến thức cho học sinh, biến môn học trở nên nặng nề.

“Từ 1 môn học biến thành 3 môn học, 3 giáo viên với 3 yêu cầu khác nhau, đôi khi mỗi giáo viên có những cách thức đánh giá khác nhau, vô tình tăng áp lực cho người học. Bên cạng đó, là sự thống nhất trong kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể đi sâu vào kiến thức, đòi hỏi nhiều hơn so với yêu cầu cần đạt có thể sẽ khiến học sinh thêm nặng nề, quá tải về kiến thức mà lại khiến học sinh không thấy được yêu cầu về tích hợp. Nếu phân chia không đúng theo hướng tuyến tính, hết chủ đề này qua chủ đề khác thì mất đi tính tuyến tính trong chương trình…”- thầy Nguyễn Công Phúc Khánh chỉ rõ.

Kiên định mục tiêu đổi mới

Sau 2 năm triển khai phương pháp tích hợp ở các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cô Hứa Thị Diễm Trâm - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) đánh giá đội ngũ đã học hỏi được nhiều điều, mạnh dạn đổi mới giờ học, đặc biệt là học sinh có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ trong môn học mà trước đó không có.

“Ngay trong 1 giờ học, học sinh được thực hành nhiều hơn, hiểu được tính ứng dụng kiến thức của từng phân môn. Điều này cũng là thuận lợi để nhà trường triển khai phương pháp giáo dục STEM trong giờ học, mang đến sự thích thú cho học sinh trong từng giờ học”. 

Sau 2 năm triển khai, khi đã quen tay, nhiều trường THCS vẫn kiên định với mục tiêu tích hợp trong đổi mới giáo dục
Sau 2 năm triển khai, khi đã "quen tay", nhiều trường THCS vẫn kiên định với mục tiêu tích hợp trong đổi mới giáo dục

Với những thuận lợi đó, năm học 2023-2024, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) vẫn duy trì 1 giáo viên đảm nhiệm 3 phân môn trong môn học khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở các khối Sáu, Bảy, Tám theo Chương trình GDPT 2018. Để giáo viên thêm tự tin đứng lớp, nhà trường tăng cường các giải pháp trong sinh hoạt chuyên môn, đẩy mạnh việc tập huấn, bồi dưỡng giữa giáo viên với nhau, để thầy cô cùng nghiên cứu, cùng rút kinh nghiệm.

Tương tự, tại Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12), thầy Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường không tách biệt giáo viên từng phân môn lý, hóa, sinh để giảng dạy môn khoa học tự nhiên ở các khối lớp Sáu, Bảy, Tám mà vẫn thực hiện một giáo viên đảm nhiệm giảng dạy cả 3 phân môn trong môn học.

Theo ông, việc triển khai theo cách thức tích hợp nhằm đảm bảo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS. Để đội ngũ tự tin đứng lớp, nhất là với những giáo viên lần đầu tiên đứng lớp bộ môn này ở khối Sáu, nhà trường đã có sự chuẩn bị dài hơi từ xa, từ sớm.

Mỗi tháng tổ họp ít nhất 2 lần để phân công người chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ soạn giảng. Ví dụ: tuần đó đến chủ đề môn sinh thì giáo viên phân môn sinh học sẽ chịu trách nhiệm chính về soạn giảng chủ đề tuần đó, các giáo viên khác đóng góp thêm về nội dung, phương pháp... để hoàn thiện nội dung chủ đề.

“Giáo viên dạy khối Tám được cuốn chiếu từ khối Bảy lên nên hiện đã rất “cứng” tay; Giáo viên khối Sáu dù mới được tập huấn bồi dưỡng để giảng dạy song đội ngũ này trong suốt năm học trước đã liên tục được nhà trường cho dự giờ bộ môn, từ đó đã có những định hình rõ rệt nhất về môn học”- thầy Đinh Văn Trịnh nói.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI