Tách 'giang sơn' khỏi bếp mẹ chồng

19/05/2019 - 11:31

PNO - Có tháng mẹ chồng thay hai bình ga vẫn chưa đủ. Nhiều lúc chị thấy “nóng mặt” mà không biết nói kiểu gì cho đỡ mất lòng.

Lấy chồng tiếng là ở thành phố nhưng nhà bên chồng chị chật chội, xập xệ. Nhà chồng có căn bếp nhỏ vừa là chỗ để xe, vừa là chỗ để tắm rửa vệ sinh. Chỗ nấu nướng nếu có hai người cùng vào bếp thì vướng víu không thể làm được gì. Bởi vậy, phần nấu nướng mẹ chồng lo hết cho cả nhà mười miệng ăn. Vợ chồng chị sống cùng với gia đình em chồng nên mọi thứ khá bất tiện, khó nói cũng từ xó bếp mà ra.

Tach 'giang son' khoi bep me chong
 

Nấu ăn chung nên chi phí mỗi tháng mẹ chồng tính cho hai gia đình chị và người em như nhau, dù “quân số” nhà chị ít hơn. Ban đầu, chị không nghĩ gì cả, vẫn vui vẻ gửi tiền chợ cho mẹ chồng đều đặn. 

Thế nhưng, có những hôm cô em dâu tự nấu ăn theo ý thích và còn lãnh phần nấu cho cả nhóm làm chung công ty. Bởi thế, chai dầu ăn mẹ chồng mới mua, bịch đường mới vừa san ra đầy hũ, chai nước mắm ngon vừa mới khui… chỉ cần một, hai lần nấu của cô em dâu là coi như hết sạch.

Đã vậy, gia đình em lại hay rủ rê bạn bè về nhà nấu nướng, mở tiệc. Thành ra có tháng mẹ chồng thay hai bình ga vẫn chưa đủ. Nhiều lúc chị thấy “nóng mặt” mà không biết nói kiểu gì cho đỡ mất lòng. Nhiều lần chị càm ràm với chồng thì chỉ nhận lại câu nói hết-sức-đàn-ông “ba cái chuyện bếp núc đàn bà, kệ nó đi em”. 

Ừ thì chị cũng kệ đấy, nhưng cuối tháng làm sao kệ được. Chồng làm công nên lương chẳng bao nhiêu. Con ốm, đau đâu phải lúc nào tiền cũng có sẵn. Nếu cứ đà này, chị thấy không ổn.

Tach 'giang son' khoi bep me chong
 

Rồi vài năm sau, ước mơ nấu ăn riêng của chị cũng thành hiện thực nhưng mới chỉ được một nửa. Nghĩa là mỗi gia đình tự nấu riêng nhưng vẫn dùng chung cái bếp. Giờ nấu ăn trùng nhau nên chị phải nhường chỗ, chờ người em xong mới đến lượt mình vào bếp. Hễ mỗi lần bên kia nấu nướng trước thì y như rằng cái bếp đầy vết dầu mỡ, đồ ăn rơi vãi… Thôi thì muốn giữ hòa khí trong nhà như lời mẹ chồng hay dạy, chị cắn răng dọn dẹp. 

Cuối cùng, chị cũng tìm ra giải pháp cho mình. Chị bảo chồng căng tấm bạt, kê cái kệ bếp trước hiên nhà, che chắn cho gió khỏi lùa. Cuối tháng nhận lương, chị lại mua về cái bếp, bình ga, cái nồi, cái chảo… Chị từ từ sắp xếp một góc bếp gọn gàng, sạch sẽ.

Nhìn vào góc bếp, chị mỉm cười hài lòng, giang sơn của ta là đây. Xó bếp là nơi gắn liền với tâm tư người nội trợ - nhìn vào đủ biết tâm trạng của chủ nhân nơi ấy ra sao. 

Hà Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI