Vụ giẫm đạp tại trường Tiểu học Thực nghiệm thuộc quận Puyang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc (TQ) mới đây khiến hai học sinh (HS) tử vong, 20 em khác bị thương.
Đây là hồi chuông mới nhất cảnh tỉnh về vấn đề tắc trách ở học đường, gây nên hậu quả nghiêm trọng tại quốc gia này.
|
Hình ảnh một em học sinh Trường Ngoại ngữ Thường Châu được cho là nhiễm độc Ảnh: Next Shark |
Câu hỏi được đặt ra là: "Ai đã tắc trách và phải chịu xử lý như thế nào?". Sau sự cố trên, hiệu trưởng lập tức bị cách chức và theo chính quyền quận Puyang, vụ việc còn đang được tiếp tục điều tra.
Tuy nhiên, thông tin từ các giới chức địa phương cho biết, một bức tường xây không đúng quy chuẩn đổ sập xuống khu vực nhà vệ sinh dẫn đến tai nạn trên. Truyền thông TQ còn đề cập đến vấn đề nguyên nhân sự cố là do sai phạm theo quy trình, có nhiều HS hơn mức quy định ở các trường học; đồng thời việc xây dựng các công trình rất cẩu thả, không đảm bảo an toàn…
Vụ việc này gợi nhớ đến vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra ở một trường tiểu học tại Kunming, tỉnh Vân Nam năm 2014. Các HS sáu-bảy tuổi đã giẫm đạp lên nhau khi cầu thang trong trường gặp sự cố, hậu quả là sáu em chết, 25 em bị thương.
Những cái chết thương tâm đó là nỗi ám ảnh của người dân TQ khi nghĩ đến tình trạng quá tải cộng hưởng với thái độ tắc trách đang tồn tại phổ biến ở TQ, bất chấp những cảnh báo và những hậu quả phải đánh đổi bằng sinh mạng của trẻ thơ vô tội.
Năm 2016, khi những bức ảnh chụp cảnh nhà xí được “hô biến” thành phòng ngủ cho HS tại trường Trung học số 15 ở tỉnh Quý Châu xuất hiện trên mạng, cộng đồng đã bật ngửa trước một sự thật không thể chấp nhận.
Bức ảnh được một HS chụp lại, đưa lên mạng xã hội, phơi bày cảnh hố xí được trét xi măng lấp tạm, trên đó là giường ngủ cho HS nội trú. Nhiều HS không chịu nổi mùi hôi thối đã phải ra ngoài thuê phòng trọ.
Nhà trường giải thích đây chỉ là biện pháp tạm thời trong hoàn cảnh quá tải, không thể sắp xếp kịp cho HS ở lại. Tuy nhiên, các HS cho biết, khi nói chuyện trực tiếp với các em, lãnh đạo trường đã nhấn mạnh các em đến đây vì mục đích chính học tập chứ không phải hưởng thụ, nên buộc phải chịu đựng mọi hoàn cảnh.
Những bức ảnh trên đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi quỹ đầu tư cho giáo dục ở đâu, tiền đóng các khoản cơ sở vật chất của phụ huynh ở đâu, liệu có khuất tất trong việc chi tiêu những khoản tiền trên không...
Năm 2016, TQ chấn động trước tình trạng hàng trăm HS tại trường ngoại ngữ Thường Châu ở tỉnh Giang Tô mắc các triệu chứng như sổ mũi, đau đầu, ho, phát ban và nặng nhất là mọc u lym phô và ung thư bạch cầu.
Trong số 641 HS được đưa đi khám sức khỏe có đến 493 em có vấn đề bất thường. Các chuyên gia y tế và nhà hoạt động môi trường đã chỉ ra trường các em theo học mới được đưa vào sử dụng, sau khi xây lên từ bãi đất từng là nơi hoạt động của ba nhà máy hóa chất độc hại, gồm cả thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên, nhà trường và chính quyền đã không thực hiện một báo cáo môi trường nào. Không ai biết việc nguồn nước ngầm và đất ở khu vực này đã bị nhiễm độc.
Một nhân viên từng làm ở một trong những nhà máy hóa chất tại đây cho biết, nhà máy từng đổ những hóa chất cực độc xuống con sông trong vùng và chôn chất thải hóa học ở gần đó.
Chlorobenzen (đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất thuốc trừ sâu) được phát hiện ở mức độ cao gấp 100 lần so với mức an toàn cho phép. Ngay sau đó, Bộ Môi trường TQ tuyên bố sẽ mở cuộc kiểm tra khẩn cấp, nhưng vài ngày tiếp theo, chính quyền Thường Châu vẫn thông báo nhẹ nhàng là chỉ có bốn trong số 2.415 HS ở trường xin nghỉ bệnh.
Các nhà hoạt động môi trường cho biết, dù thông tin về các trường hợp nhiễm độc không được công khai nhưng việc từng tồn tại các nhà máy hóa chất ở khu vực này và sự tắc trách trong kiểm tra, đánh giá chất lượng môi trường trước khi xây trường là có thật.
Những vụ việc đáng tiếc trong môi trường học đường ở TQ là hệ quả không chỉ từ thái độ làm việc tắc trách của những cơ quan có thẩm quyền, mà còn cho thấy sự loay hoay bất lực của những nhà quản lý trước tình trạng quá tải HS, hậu quả của việc các gia đình từ nông thôn ồ ạt chuyển đến các thành phố lớn sinh nhai, trong khi các nhà hoạch định chính sách chưa chuẩn bị ứng phó kịp.
Ở thành phố Heze, tỉnh Sơn Đông, việc lớp học có hơn 60 HS là bình thường, thậm chí có những lớp đến gần 90 HS. Trong khi đó, số HS tiêu chuẩn ở cấp tiểu học là 45 em, trung học là 50 em. Tại thành phố Zhoukou, tỉnh Hà Nam, có những lớp học còn vượt quá 100 em.
Ông Yang Dongping, Chủ tịch Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ XXI cho biết, chuyện ba-bốn HS cùng ngồi một bàn thiết kế cho một-hai HS là rất phổ biến. Giáo viên ở những lớp học này phải dùng micro giảng dạy dù không gian lớp chỉ vài chục mét vuông.
Giáo viên Wu Jie ở tỉnh Sơn Đông thừa nhận, không thể quản lý sát sao được HS lớp mình chủ nhiệm vì số lượng quá đông. Các nhà chuyên môn thuộc tỉnh Hà Bắc đã khảo sát ngẫu nhiên ba trường có số HS vượt chuẩn.
Kết quả cho thấy, 12,8% HS từ môi trường này có dấu hiệu bất an trong các tiết học.
Các em không thể tập trung, thường xuyên sợ mình bị bỏ rơi trong lớp học. Có em suốt cả năm học không một lần được phát biểu, giáo viên chủ nhiệm thì không nhớ nổi tên HS; khiến các em càng thêm lạc lõng.
Sự quá tải HS còn khiến các em mất không gian chạy nhảy, chơi đùa, đến trường chẳng khác nào nhốt mình vào một không gian chật hẹp, tù túng.
Chính phủ TQ xem giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu nhưng những gì xảy ra đã cho thấy giáo dục đang... thụt lùi. Tham vọng đẩy mạnh chất lượng giáo dục của đất nước này có nguy cơ bị phá sản.
THIÊN NHƯ
(Theo AP, Telegraph, Beijing Youth Daily, China Daily, Next Shark)