Tác quyền và lợi ích của các bên

31/07/2023 - 07:48

PNO - Vướng mắc về cách tính và mức phí tác quyền suýt nữa đã khiến đêm nhạc Born Pink (World Tour Hanoi) của nhóm Blackpink không thể diễn ra. Một lần nữa, vụ việc nhắc nhớ câu chuyện về bản quyền gây tranh cãi lâu nay.

Được sự ủy quyền của Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thực hiện thu theo quy định áp dụng trong nước lâu nay. Tuy nhiên, từ góc độ nhà tổ chức lẫn khán giả, nhiều người cho rằng VCPMC đã quá cứng nhắc trong yêu cầu thu phí. 

Các nhà tổ chức thường viện dẫn lý do chi phí đầu tư chương trình lớn, giá vé thấp, làm show lỗ… để đề nghị cắt giảm khoản phí tác quyền. Với khán giả trẻ, đặc biệt là người hâm mộ, mọi lý do khiến họ có thể không được gặp thần tượng đều không thể chấp nhận.

Blackpink tại đêm diễn đầu tiên ở Việt Nam (ảnh: Internet)
Blackpink tại đêm diễn đầu tiên ở Việt Nam (ảnh: Internet)

VCPMC từ lâu đã đưa ra mức phí tác quyền “chuẩn”, tương ứng với các lĩnh vực sử dụng âm nhạc như nhạc trong phim, nhạc phát ở nhà hàng, làm băng đĩa, nhạc số… cũng như hệ thống đối soát, chứng từ nhằm bảo đảm cho quyền lợi của các tác giả, tổ chức họ đại diện. Vấn đề thực sự không nằm ở việc trả hay không trả tiền mà ở câu hỏi: trả bao nhiêu là phù hợp?

Trong kinh doanh, người bán hẳn nhiên luôn muốn giá cao nhất và người mua sẽ mong giá thấp nhất. Một nhà tổ chức show chuyên nghiệp sẽ cần cân nhắc, tính toán chi phí đầu vào (bao gồm cả chi phí tác quyền, sân bãi, an ninh, thuế…) và giá bán (vé và các sản phẩm liên quan) để đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý. Nếu vì lý do bất kỳ mà lợi nhuận không đạt, đó là rủi ro kinh doanh mà nhà tổ chức phải chấp nhận. Với VCPMC, khi ấn định một mức giá, họ cũng gặp rủi ro về việc khách hàng (nhà tổ chức show) không chấp nhận và không mua hàng hoặc tìm các nguồn hàng khác. VCPMC cũng thừa hiểu họ chỉ là người đại diện tác giả và đương nhiên không có tác giả nào muốn chịu thiệt khi tác phẩm của mình được sử dụng.

Âm nhạc là sản phẩm đặc biệt, không giống mớ rau, con cá nên trong mọi bài toán đều cần cân nhắc yếu tố nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Việc tạo điều kiện thuận lợi để những show diễn, nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam là rất đáng hoan nghênh bởi phía sau các show luôn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, kích thích du lịch, phát triển kinh tế. Điều cần nhất là lợi ích hài hòa giữa các bên phải đảm bảo. Sẽ rất khó để các nghệ sĩ quốc tế đến nước ta nếu cứ phải đối mặt với nguy cơ hủy show vì chuyện tác quyền, nhưng cũng sẽ không thể có một nền âm nhạc phát triển lành mạnh nếu không tôn trọng quyền tác giả.

Nếu trước khi quyết định làm show, nhà tổ chức tham khảo trước khung giá, đàm phán xong về tác quyền (đó cũng là biểu hiện của sự chuyên nghiệp) thì sự việc Born Pink đã không ồn ào đến vậy. Đương nhiên, nếu VCPMC mềm dẻo và linh hoạt, chủ động sớm hơn, những âu lo gây ra cho người hâm mộ về việc sự kiện có thể bị hủy đã không xảy ra.

Phạm Thành Nhân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI