Tác quyền 'Tô Ánh Nguyệt' lại gây tranh cãi

09/08/2017 - 12:05

PNO - Một lần nữa, chuyện tác quyền lại tiếp tục gây tranh cãi ở đêm thi thứ 12 của chương trình 'Kịch cùng Bolero' vừa phát sóng tối 7/8, với trích đoạn Tô Ánh Nguyệt.

Không cần xin phép khi tác giả đã mất hơn 50 năm

Ngay sau đêm thi thứ 12 của chương trình Kịch cùng Bolero (phát sóng tối 7/8), đạo diễn Mỹ Phượng (người có mối quan hệ khá gắn bó với soạn giả Việt Thường - con trai cố soạn giả Trần Hữu Trang, đồng thời giữ vai trò kết nối với soạn giả Việt Thường khi có những vấn đề liên quan đến tác quyền, kịch bản của cố soạn giả Trần Hữu Trang) đã bày tỏ thắc mắc, liệu đạo diễn Vũ Trần có xin phép gia đình soạn giả Trần Hữu Trang khi sử dụng trích đoạn Tô Ánh Nguyệt dự thi? Bởi trước đó, đạo diễn Ngọc Duyên đã nhờ chị xin phép soạn giả Việt Thường sử dụng lớp diễn Tô Ánh Nguyệt giao con để dự thi chương trình Kịch cùng Bolero nhưng ông đã từ chối.

Ý kiến này đã tạo lên làn sóng bức xúc trong dư luận ở cả khán giả lẫn những người làm nghề, bởi vấn nạn xâm phạm bản quyền đang ngày một gia tăng, công khai và ngang nhiên đến mức báo động ở một số gameshow truyền hình.

Tac quyen 'To Anh Nguyet' lai gay tranh cai

Trích đoạn Tô Ánh Nguyệt của đạo diễn Vũ Trần trên sân khấu Kịch cùng Bolero

Tuy nhiên, xét về luật, cho đến lúc này, việc xin phép gia đình cố soạn giả Trần Hữu Trang để được sử dụng lại những tác phẩm đã từng được dàn dựng và công diễn của ông là điều không còn bắt buộc. Bởi theo luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), thời hạn bảo hộ quyền tác giả cho một tác phẩm sân khấu là 50 năm, kể từ ngày tác giả qua đời. Soạn giả Trần Hữu Trang mất vào tháng 10/1966, như vậy, tính đến nay đã 51 năm, theo luật định thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả đã kết thúc.

Dựa trên luật định, luật sư Lê Quang Vy cũng khẳng định: “Sau 50 năm kể từ khi tác giả mất, tác phẩm đã được công bố của tác giả sẽ trở thành tác phẩm của nhân loại. Các tổ chức, cá nhân nếu muốn sử dụng sẽ không cần phải xin phép người thừa kế. Tuy nhiên quyền nhân thân tên tác giả, nội dung tác phẩm… thì không được phép thay đổi”.

Tac quyen 'To Anh Nguyet' lai gay tranh cai

Tô Ánh Nguyệt - Minh một trong những vai diễn để đời của NSND Lệ Thuỷ và NSƯT Minh Vương

Thực tế, ở sự việc trích đoạn Tô Ánh Nguyệt của đạo diễn Vũ Trần, Vũ Trần và nhà sản xuất (NSX) Kịch cùng Bolero không sai, nhưng chính Vũ Trần cũng cho thấy một sự tuỳ tiện trong việc sử dụng sản phẩm trí tuệ của người khác: Trước đó, cả Vũ Trần và người của NSX đều tìm cách liên lạc nhằm xin phép soạn giả Việt Thường để được sử dụng trích đoạn Tô Ánh Nguyệt (cả Vũ Trần lẫn NSX đều không hề biết đến các điều khoản của Luật SHTT, với việc Tô Ánh Nguyệt đã hết thời hạn được bảo hộ quyền sở hữu, nên xin phép phía gia đình cố soạn giả để dựng vở) nhưng vì nhiều lý do, việc gặp gỡ vẫn chưa được thực hiện, dù vậy tiết mục vẫn được dàn dựng và phát sóng

Nếu không có điều 27 Luật SHTT, hoặc nếu cố soạn giả Trần Hữu Trang mất chưa đến 50 năm, thì Vũ Trần và NSX này sẽ sử lý sao trước sự phản ứng của những người quan tâm? Vũ Trần hay nhà sản xuất, ai sẽ phải chịu trách nhiệm với “sự cố” này?

         Quyền nhân thân- hiểu sao cho đúng?

Một vấn đề khác cũng được đặt ra sau Tô Ánh NguyệtKịch cùng Bolero. Tác phẩm được sử dụng sau khi tác giả mất 50 năm mà không cần phải xin phép người thừa kế, nhưng có giới hạn nào cho việc sử  dụng các tác phẩm này? Có phải người sử dụng cả tác phẩm hoặc trích đoạn được quyền biến tấu tác phẩm theo ý muốn và mục đích của riêng mình?

Quyền Nhân thân theo điều 19 Luật SHTT bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả..

Tac quyen 'To Anh Nguyet' lai gay tranh cai

Từng có một phiên bản Tô Ánh Nguyệt méo mó, dị dạng làm dậy làn sóng phản ứng của khán giả 

Ở sân khấu, từ kịch bản gốc đến tác phẩm được công bố trên sân khấu sẽ có rất nhiều sự khác biệt. Từ một kịch bản gốc, sẽ có nhiều cách kể, góc nhìn khác nhau… và cả những sáng tạo riêng của mỗi nghệ sĩ trong từng vai diễn để tạo nên một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh.

Vậy việc dàn dựng tác phẩm khi tác phẩm đó đã trở thành tác phẩm của nhân loại, ê kíp sáng tạo được quyền sáng tạo ở mức độ nào, hay phải tuân thủ đúng bản gốc, không suy suyển?

Thời gian qua, đã có nhiều bản dựng lại một số tác phẩm sân khấu kinh điển nhưng "biến tấu", làm sai lệch tinh thần của tác phẩm, khiến công chúng bức xúc. 

Về vấn đề này, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu cho biết: “Với đặc thù của tác phẩm sân khấu, việc dàn dựng một tác phẩm sau thời hạn bảo hộ quyền tác giả cho phép sử dụng những thủ pháp dàn dựng, hoặc những chỉnh lý, biên tập… để phù hợp với cuộc sống, nhu cầu thưởng thức của khán giả trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên nội dung câu chuỵện, chủ đề tư tưởng, tính cách các nhân vật là những điều không được phép thay đổi". 

Khoản 2 - Điều 27 về Thời hạn bảo hộ quyền tác giả - Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:

Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI