PNO - 6/25 vở diễn tham gia Liên hoan sân khấu TPHCM lần thứ nhất năm 2024 có đề tài chiến tranh cách mạng, cho thấy sức hấp dẫn của mảng đề tài này đối với những người làm sân khấu. Tuy nhiên cách kể chuyện ở một số vở lại đang bộc lộ khá nhiều hạn chế.
Liên hoan sân khấu TPHCM lần thứ nhất năm 2024 có đến 4 vở chọn xây dựng hình tượng phụ nữ trong chiến tranh. Đó là những nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường ở Ngày ấy cổng trời của tác giả (TG) Nguyễn Kháng Chiến, đạo diễn (ĐD) Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trịnh Kim Chi; đội nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ (tỉnh Hà Nam) ở Những cánh hoa trinh trắng (TG Lê Chí Trung, ĐD Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thúy). Vở Hoa sắt (TG Đặng Thanh Nga, ĐD Bích Phượng) chọn tôn vinh hình ảnh nữ biệt động Sài Gòn, Nữ tướng rừng dừa (TG Ngô Hồng Khanh, ĐD Thanh Nhã) phác họa chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định và cuộc đồng khởi Bến Tre. Sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến trên cánh đồng Láng Sấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 được kể lại ở Cánh đồng rực lửa (TG Ngọc Trúc, ĐD NSND Trần Minh Ngọc). Khát vọng hòa bình (TG Ngọc Trúc, ĐD NSND Trần Ngọc Giàu) là lát cắt về cuộc đấu tranh kiên cường của du kích Củ Chi và khát vọng hòa bình, hạnh phúc. Đồng chí (TG Lê Thu Hạnh, ĐD NSND Trần Ngọc Giàu, Quốc Thịnh) theo chân những người lính từ thời chiến đến thời bình để cùng lắng nghe, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những nỗi khắc khoải của những người đã đi qua lằn ranh sống chết trong thời mưa bom, lửa đạn.
Những cánh hoa trinh trắng - vở diễn về đội nữ dân quân trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ (tỉnh Hà Nam) - ẢNH: TV
Sân khấu ngày càng có nhiều vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng (CTCM) là điều đáng mừng, nhất là khi có những ê kíp sáng tạo còn khá trẻ đã mạnh dạn chọn lựa đề tài này. Tuy nhiên, các vở diễn vẫn còn nặng tính minh họa cho một sự kiện, một cuộc đời của nhân vật… Cách kể câu chuyện thường vẫn dàn trải theo mô típ diễn biến theo trật tự thời gian mà thiếu điểm nhấn, thiếu những chi tiết “đắt”, nên chỉ mới dừng ở mức cảm thấy dễ chịu khi xem chứ chưa thực sự chạm được vào cảm xúc khán giả.
Đáng ngại nhất là thực tế đang có một bộ phận những người làm nghề chọn đề tài CTCM nhưng dường như không hiểu biết rõ về những nhân vật, sự kiện mình đang dàn dựng, hóa thân. Nhiều nhân vật, chi tiết kịch được đưa vào vở tùy tiện, cảm tính và chủ quan theo mong muốn của TG, ĐD. Có những lỗi sai thuộc về kiến thức cơ bản làm người xem chưng hửng. Chẳng hạn, lời từ đài phát thanh giải phóng thông báo việc một lính Mỹ được du kích Củ Chi tha chết đã quay về dẫn đầu đoàn biểu tình phản chiến ở Mỹ, nhờ vậy Chính phủ Mỹ đã dừng viện trợ cho quân lính Việt Nam Cộng hòa? Một quận trưởng ác ôn nhưng lại kịch liệt phản đối việc cai tổng đánh những người bị tình nghi là cộng sản vì ông này Tây học và được “mẫu quốc dạy phải đối xử nhân ái với người dân”…?
Kể chuyện có thật nhưng… khó tin
Ngay sau đêm thi vở Hoa sắt (17/11), một khán giả là anh Lê Đình Khang (quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Nữ biệt động Sài Gòn không phải là đề tài mới, nhưng Hoa sắt lại khá ngây thơ trong cách đưa hình ảnh nữ biệt động Sài Gòn lên sân khấu. Có vẻ như những người thực hiện chưa hiểu biệt động Sài Gòn và những khó khăn, thử thách mà họ phải vượt qua khi hoạt động trong lòng địch. Việc để kíp nổ trước trụ sở của Mỹ Ngụy, cách nữ biệt động qua mắt cảnh sát, cuộc giải cứu nữ biệt động ngay trước mắt địch… không thuyết phục. Không kể việc bị địch bắt, tra tấn dã man thì những gì diễn ra trên sân khấu cho thấy làm biệt động quá dễ, vì kẻ thù quá ngu ngơ. Từ đầu đến cuối không hề thấy bản lĩnh, sự thông minh và khả năng biến hóa tài tình của những chiến sĩ biệt động”. Nhiều chi tiết khác cũng làm người xem thắc mắc: Sài Gòn vừa rung chuyển vì một vụ nổ nhưng binh lính, cảnh sát vẫn cứ dửng dưng để những người buôn bán hàng rong làm loạn trước nơi có nhiều nhân vật cộm cán? Điều gì khiến tổ chức phải phân công biệt động đang nằm trong danh sách truy lùng của địch trở lại nội thành để bị bắt lần thứ hai?
Đồng chí, vở diẽn để lại nhiều cảm xúc khi kể câu chuyện về những người lính từ thời chiến đến thời bình
Đơn vị dự thi Nữ tướng rừng dừa là Viện Nghiên cứu phát triển, bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á đã gửi công văn xin rút vì “nhận thấy tác phẩm chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng nghệ thuật mà viện đề ra”. Dù đã được góp ý sửa chữa, bản dựng vẫn quá non, cả trong công tác dàn dựng lẫn thể hiện nhân vật và nặng tính minh họa. Vai anh hùng Nguyễn Thị Định từ năm 16 tuổi đến khi trở thành Phó bí thư tỉnh ủy Bến Tre và lãnh đạo cuộc đồng khởi ngày 17/1/1960 là “chiếc áo quá rộng” đối với diễn viên chính. Lớp diễn về cuộc đồng khởi ngày 17/1/1960 được mô tả bằng màn xáp lá cà giữa lính Ngụy và người dân Bến Tre cũng không thuyết phục. Không hiểu vì sao lính Ngụy lại bỏ súng để “đấu võ” với người dân và bị đánh tơi bời? Trước đó có cảnh minh họa cho thấy cuộc vận chuyển vũ khí vào Bến Tre của anh hùng Nguyễn Thị Định và đồng đội nhưng ở cuộc đồng khởi chỉ thấy vũ khí thô sơ…
Chiến tranh đã lùi rất xa nhưng có những người làm công tác sáng tạo - đặc biệt là người trẻ - luôn khát khao được tìm về nguồn cội để bày tỏ lòng biết ơn và tôn vinh những thế hệ cha ông đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập của đất nước. Đây là điều rất đáng trân trọng và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các tác phẩm đề tài CTCM yêu cầu rất cao, không thể dễ dãi, hời hợt. NSND Giang Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - khẳng định: “Chủ quan, dễ dãi khi làm tác phẩm đề tài lịch sử, CTCM khiến công chúng, nhất là lớp trẻ hiểu sai lệch về lịch sử là có tội với tiền nhân”.
Nhiều tọa đàm/hội thảo về tác giả - tác phẩm được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội dành cho những tên tuổi lớn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi…