“Sân khấu từng tự sống được và bây giờ sống hơi khó thì mong muốn có một sự hỗ trợ của Nhà nước để không phải quá bươn chải. Bởi đôi khi do bươn chải nên sân khấu nặng về giải trí mà quên nhiệm vụ “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Đây là bài toán rất khó cho Nhà nước và cả sân khấu” - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, đã thẳng thắn chia sẻ tại Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TPHCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 (tổ chức vào tháng 8 vừa qua).
Chênh lệch về chất lượng
Trong các tác phẩm được Nhà nước hỗ trợ quảng bá, tạo điều kiện đến với khán giả thời gian qua thì 2 vở kịch Dấu xưa (Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B) và Rặng trâm bầu (Sân khấu Trịnh Kim Chi) được xem là thành công nhất với hơn 70 suất diễn/vở phục vụ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức của TP.
|
Vở kịch Dấu xưa đã có hơn 70 suất diễn và đã được TP duyệt đợt tuyên truyền quảng bá thứ 4 |
Cả 2 đơn vị xã hội hóa đã chủ động thực hiện các vở diễn đề tài truyền thống cách mạng và được Thành ủy TPHCM chấp thuận hỗ trợ quảng bá tác phẩm.
Tương tự, “ông bầu” kiêm đạo diễn Lê Nguyên Đạt của Sân khấu Sen Việt cũng chủ động “gõ cửa” Liên đoàn Lao động TPHCM để đưa vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường phục vụ hơn 6.000 khán giả.
Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết với tình hình sân khấu hiện nay thì không thể ngồi đợi khán giả mà phải chủ động tìm khán giả, cũng không thể quá tham có thể gom hết mọi đối tượng khán giả. “Lực lượng cán bộ công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan Nhà nước cũng là khán giả đấy thôi, cũng có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và chúng tôi đã trực tiếp liên hệ các cơ quan, đơn vị, trường học, các trung tâm văn hóa, tổ chức Công đoàn… của TP để giới thiệu một vở diễn về đề tài học tập Bác đến với họ”, đạo diễn Nguyên Đạt nói.
Việc xác định phân khúc khán giả từ đó xác định thể loại, đề tài dành cho từng đối tượng để chủ động giới thiệu tác phẩm đúng nơi, đúng chỗ là điều hoàn toàn hợp lý nhưng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, số phận phần lớn các tác phẩm có sự đỡ đầu tích cực của Nhà nước khá hẩm hiu. Các vở cải lương Bức chân dung huyền thoại, Tình yêu thời chiến (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Nghề nuôi quan, Những con sóng vô hình (Hội Sân khấu TPHCM), kịch Châu về hợp phố (Sân khấu Kịch Hồng Vân), Cánh đồng rực lửa (Sân khấu Quốc Thảo)… chỉ gắng gượng được vài suất diễn rồi cất kho.
|
Châu về hợp phố được đầu tư khá mạnh nhưng không tổ chức được nhiều suất diễn phục vụ công chúng |
Thậm chí có những vở diễn khi ra mắt làm không ít người hoang mang: “vở như thế sao được chọn để đầu tư?”. Như Bức chân dung huyền thoại với những tình tiết gượng ép và sa vào việc “thần thánh hóa lãnh tụ”, hay Những con sóng vô hình đầy “lỗ hổng” về quan điểm đối với các vấn đề nhạy cảm của đất nước, hay Tình yêu thời chiến là một chuỗi những tình huống kịch thiếu thực tế, phi logic… đều không thể thuyết phục được khán giả.
Chọn mặt gửi vàng
“Thực tế, chất lượng tác phẩm vẫn luôn là yếu tố quyết định sự hưởng ứng của khán giả. Chúng tôi chọn tham mưu hỗ trợ quảng bá các tác phẩm đúng chủ trương, đường lối, truyền tải được thông điệp tích cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Nhưng đó cũng phải là tác phẩm tốt và được khán giả đón nhận. Điển hình như số suất diễn hỗ trợ ban đầu cho Dấu xưa không nhiều nhưng qua quá trình diễn tại cơ sở, vở tạo hiệu ứng tốt, truyền tai nhau, thế là các quận huyện, sở ngành và nhiều cơ quan đơn vị khác đã tìm đến 5B mời về diễn Dấu xưa”, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Diễm cho biết.
Vừa qua, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) đã công diễn thành công vở ballet Kiều - tác phẩm được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Chỉ qua 2 suất diễn và 1 suất đặt hàng của Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TPHCM cho chương trình kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (tối 24/7), ballet Kiều nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn lẫn công chúng. Nhiều người cho rằng đây là điển hình của việc Nhà nước đặt hàng đầu tư tác phẩm, không chỉ là mức đầu tư mà còn ở việc “chọn mặt gửi vàng”.
|
Vở ballet Kiều được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho HBSO thực hiện đã gây tiếng vang với công chúng |
HBSO đúng là đối tác gần như duy nhất đủ năng lực để thực hiện dự án lớn như ballet Kiều nhưng nếu là HBSO của hơn 5 năm về trước chưa chắc vở đã đạt được hiệu ứng như thế. Trải qua nhiều năm kiên định với các dự án hợp tác quốc tế, các chương trình biểu diễn định kỳ hằng tháng và nhất là hơn 10 năm trời thực hiện chương trình đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần với giới trẻ, HBSO đã sở hữu lực lượng nghệ sĩ biểu diễn hùng hậu bậc nhất cả nước cũng như lớp khán giả mới ủng hộ thường xuyên các chương trình của mình.
Trong khi đó, việc xét duyệt đầu tư của các hội văn học nghệ thuật của TP đôi khi vẫn còn cảm tính. Như việc chọn một sân khấu thiên về hài giải trí hoặc một sân khấu mới với phần lớn các diễn viên còn quá non trẻ để thực hiện những vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng là chưa hợp lý. Hoặc nhiều diễn viên trẻ, thiếu kinh nghiệm làm nghề lẫn vốn sống đã rất lúng túng khi vào vai các chiến sĩ cách mạng đầy lý tưởng.
Từ kịch bản trên giấy đến việc thành hình tác phẩm biểu diễn trên sân khấu là một chặng đường rất xa, đòi hỏi sự công tâm và trách nhiệm của những người làm nghề lẫn những người có thẩm quyền lựa chọn, quyết định đầu tư cho tác phẩm.
Góp ý giải quyết vấn đề về phương thức hỗ trợ hoạt động sân khấu của Nhà nước, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF cho rằng hãy để các sân khấu xã hội hóa tham gia vào việc “đấu thầu” thực hiện các dự án sân khấu lớn của TP nhiều hơn hoặc TP mạnh dạn đặt hàng tác phẩm cụ thể và chỉ chi xét duyệt khi đạt yêu cầu của hội đồng thẩm định.
Đông A