Tác hại lớn của những trò đùa tưởng như vô hại

04/04/2023 - 06:46

PNO - Tháng Hai vừa qua, khi đang đóng phim, nữ diễn viên Puteri Rafasya (12 tuổi) đã bị thương nặng sau khi bị một người bạn đùa giỡn bằng trò bất ngờ kéo ghế.

Nữ diễn viên nhí bị ngã gãy xương hông, phải nhập viện cấp cứu. Vài ngày sau em phải mặc tã vì không thể kiểm soát bài tiết, ngồi xe lăn vì không thể đi. Khi câu chuyện của em được báo chí thông tin, dư luận đã giận dữ gọi người bạn chơi khăm là kẻ bắt nạt và nhiều người kêu gọi gia đình người gây họa phải bị trừng phạt.

Trong một sự cố khác vào đầu tháng này, ngôi sao của phim Thor - nam diễn viên Chris Hemsworth và vợ đã bị chỉ trích sau khi 1 trong 2 cậu con trai sinh đôi của họ bị đập đầu vào chiếc bánh sô cô la trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ chín. Hemsworth chia sẻ đoạn clip ngắn và viết trên Twitter: “Chỉ có một cách để ăn bánh trong ngôi nhà này là để mẹ đập đầu vào bánh trước”. Một số người cho rằng trò chơi này mang tính bạo lực, những người khác cho rằng đó chỉ là một trò vui vô hại.

Nữ diễn viên Puteri Rafasya không thể đi lại, kiểm soát bài tiết sau khi bị bạn chơi khăm - ẢNH: INSTAGRAM/PUTIRAFASYA1
Nữ diễn viên Puteri Rafasya không thể đi lại, kiểm soát bài tiết sau khi bị bạn chơi khăm - Ảnh: Instagram/Putirafasya1 

Năm 2020, một thử thách lan truyền trên TikTok có tên là “đập hộp sọ” đã khiến nhiều thanh niên phải nhập viện. Thử thách liên quan đến việc 2 người lừa 1 người bạn nhảy lên không trung sau đó đá vào chân từ phía dưới khiến nạn nhân ngã ngửa. Có nhiều báo cáo về các nạn nhân bị chấn thương cột sống hoặc đầu nghiêm trọng vì trò chơi khăm này. Trong nhiều video, những người chơi khăm thể hiện rõ sự sốc và hối hận ngay lập tức khi thấy bạn của mình bị đập đầu hoặc lưng.

Trước đó nữa, vào năm 2019, 3 học sinh ở Ohio đã chơi khăm 1 giáo viên bị dị ứng nặng với chuối. Những đứa trẻ nghịch ngợm đã bôi chuối lên tay nắm cửa phòng học của cô giáo và ném trái cây vào người khiến cô bị sốc phản vệ. Cô giáo này đã lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tiến sĩ Daniel Siegel - bác sĩ tâm thần kinh và là tác giả của cuốn The Whole-Brain Child - cho biết: “Ngày nay, nhiều thanh thiếu niên thích tìm kiếm sự chú ý thông qua các lượt “thích” và “theo dõi” trên mạng xã hội. Những lượt thích này có thể che mờ khả năng phân biệt hành vi tốt và xấu của trẻ. Hầu hết những nội dung chia sẻ có vẻ ngớ ngẩn hoặc nguy hiểm có thể nhanh chóng được yêu thích. Điều này khiến nhiều người đuổi theo mà không nghĩ đến hậu quả”.

Theo Jacinth Liew - chuyên gia về nuôi dạy con cái và người sáng lập Our Little Play Nest - thì thay vì nói cho trẻ biết chúng nên làm gì hoặc không nên làm gì, cha mẹ hãy bảo trẻ suy nghĩ về hậu quả của hành động của chúng. Việc học cách phân biệt giữa các trò chơi mang lại niềm vui và những trò chơi có thể gây hại sẽ trở thành một thực hành tốt cho trẻ. Chỉ khi trẻ nhận thức được cảm xúc của chính mình, chúng mới có thể xác định được cảm xúc của những người xung quanh. Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ phát triển sự đồng cảm bằng cách nói về các tình huống và đặt câu hỏi như: “Nếu con là đứa bé bị chơi khăm, con sẽ cảm thấy thế nào?”. 

 Thu Thanh (theo CNA, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI