Tác hại dai dẳng từ hậu COVID

21/12/2022 - 07:24

PNO - Mùa đông đến khiến số ca nhiễm COVID-19 có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu. Tuy số trường hợp chuyển nặng và tử vong giảm rõ rệt nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng đáng lo ngại về tác động từ hội chứng hậu COVID.

COVID kéo dài làm thay đổi cuộc sống

Vào đầu tháng Mười hai, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leicester (Anh) công bố một báo cáo trên tạp chí y khoa The Lancet, nhấn mạnh rằng gần 1/2 số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu - cả trẻ em và người lớn - có các triệu chứng kéo dài ít nhất 4 tháng sau khi khỏi bệnh.

Để đi đến kết luận, họ đã phân tích gần 200 nghiên cứu, liên quan đến gần 750.000 ca nhiễm COVID-19 ở các mức độ từ nhẹ đến nặng. Không lâu sau đó, một nghiên cứu do Trung tâm Thống kê y tế quốc gia Mỹ thực hiện cho biết có hơn 3.500 người Mỹ đã chết vì những căn bệnh kéo dài liên quan đến COVID-19 trong 2,5 năm đầu tiên của đại dịch. Mặc dù những cái chết đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 1,1 triệu ca tử vong do SARS-CoV-2 tại Mỹ nhưng chúng cho thấy nguy cơ từ các triệu chứng kéo dài mà nhiều bệnh nhân và bác sĩ đã bỏ qua. 

Farida Ahmad - nhà khoa học sức khỏe tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Nhiều người tin rằng hậu COVID có liên quan đến các bệnh mạn tính, điều này cho thấy nó có thể là nguyên nhân gây tử vong”. Dữ liệu của CDC thể hiện phụ nữ có nhiều khả năng mắc COVID kéo dài hơn nam giới, nhưng nam giới lại chiếm tỉ lệ tử vong cao hơn. Hầu hết các trường hợp tử vong được ghi nhận xảy ra ở người lớn tuổi, trong đó nhóm đối tượng từ 75-84 tuổi chiếm gần 30% số ca tử vong, theo sát là nhóm bệnh nhân từ 85 tuổi trở lên.

Theo CDC, kết quả phản ánh sự cần thiết trong việc nghiên cứu thêm về các phương pháp điều trị COVID kéo dài và các nguy cơ tiềm ẩn. Chính phủ Mỹ công nhận COVID kéo dài là một tình trạng khuyết tật vào tháng 7/2021. Một cuộc khảo sát của Viện Brookings (Mỹ) trong năm 2022 cho thấy, COVID kéo dài có thể khiến khoảng 4 triệu người không thể tìm được việc làm. Kết quả sơ bộ từ một cuộc khảo sát của CDC chỉ ra rằng, gần 25% người mắc COVID kéo dài báo cáo những hạn chế đáng kể trong các hoạt động hằng ngày. Chẩn đoán của họ thường liên quan đến suy giảm nhận thức, sương mù não, khó thở, mệt mỏi và ho. Mặt khác, nhiều bệnh nhân cho biết họ bị đau do suy nhược, nhịp tim đập nhanh và chấn động thần kinh nghiêm

trọng... 

Các y tá kiểm tra một bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện NEA Baptist Memorial ở bang Arkansas, Mỹ - ẢNH: BLOOMBERG
Các y tá kiểm tra một bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện NEA Baptist Memorial ở bang Arkansas, Mỹ - Ảnh: BLOOMBERG

Tác động ở cấp độ tế bào

Khi COVID-19 tấn công ông Jerry Guerinot vào tháng 1/2021, vị luật sư 77 tuổi sống tại Mỹ này đã phát triển bệnh viêm phổi kép. Vốn mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, ông chỉ có 5% cơ hội sống sót. Sau 3 tháng ở Bệnh viện Houston, Jerry Guerinot may mắn vượt qua cửa tử.

Nhưng phổi bị sẹo và hệ thống miễn dịch suy yếu đã khiến ông mắc các bệnh nhiễm trùng mới cần nhập viện điều trị thêm và thực hiện các đợt vật lý trị liệu. Gần 2 năm sau khi nhiễm bệnh và hơn 1 triệu USD hóa đơn y tế, Guerinot nói rằng ông vẫn phải chịu những hậu quả dai dẳng của vi rút.

Nhiều nghiên cứu cho thấy COVID kéo dài có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ miễn dịch, kích hoạt lại các loại vi rút tồn tại trong cơ thể - chẳng hạn như những vi rút gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân và bệnh zona, và làm trầm trọng thêm các tình trạng mạn tính. Những thay đổi trong quần thể tế bào miễn dịch, bao gồm việc kích hoạt liên tục một số tế bào bạch cầu và các rối loạn miễn dịch khác được ghi nhận trong vòng 1 năm ở các ca bệnh nghiêm trọng. Trong những trường hợp nguy hiểm nhất, COVID kéo dài gây viêm và làm tổn thương các mô hoặc gây ra những bất thường về đông máu trước khi biểu hiện thành bệnh tim mạch, tiểu đường, suy thận hoặc tổn thương não. 

Một nghiên cứu được công bố vào tháng Mười một trên tạp chí Nature Medicine kết luận, tiêm vắc xin giúp giảm bớt nguy cơ trở nặng ban đầu khi nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ tử vong và nhập viện do những nguyên nhân khác, bệnh nhân có thể bị  mệt mỏi kéo dài và các vấn đề cụ thể đối với sức khỏe tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, các vấn đề về thần kinh và sức khỏe  tâm thần.

Không giống như bệnh cúm chỉ tấn công niêm mạc đường thở, SARS-CoV-2 giống như một quả bom chùm đa hệ thống. Sonia Sharma - phó giáo sư tại Viện Miễn dịch học La Jolla, bang California, Mỹ - kết luận: “Có một trận chiến dai dẳng đang diễn ra giữa vi rút và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân COVID và trận chiến đó có thể xảy ra ở hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể”. 

Ngọc Hạ (theo Washington Post, Bloomberg, The Conversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI