Một số thống kê cho thấy, tác hại của đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù cho khoảng 5%-20% trẻ em trên thế giới. Phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu, đưa trẻ đi khám kịp thời, hạn chế hậu quả do bệnh gây ra.
Nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em
Theo thạc sĩ bác sĩ Trần Đình Minh Huy, khoa Mắt Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, đục thủy tinh thể là tình trạng đục của một trong những môi trường trong suốt quan trọng ở mắt, đóng vai trò trong việc điều tiết cho mắt nhìn rõ.
Đục thủy tinh thể là một diễn tiến sinh lý, do đó loại thường gặp nhất là đục thủy tinh thể ở người già. Tuy nhiên, đục thủy tinh thể cũng có thể gặp ở trẻ em.
Một số thống kê cho thấy, đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù cho khoảng 5%-20% trẻ em trên thế giới. Tỷ lệ thống kê thay đổi giữa các quốc gia, trong đó tại Mỹ có khoảng ba-bốn trường hợp đục thủy tinh thể rõ ràng trong khoảng 10.000 trẻ mới sinh. Tỷ lệ này còn có thể cao hơn vì các thống kê trên chưa ghi nhận những trường hợp đục thủy tinh thể không thể thấy rõ bằng mắt thường.
Đục thủy tinh thể có thể một mắt hoặc hai mắt, có nhiều loại khác nhau cả về mức độ, kích thước đến hình thái đục từ một chấm trắng nhỏ trên bao trước cho đến đục toàn bộ thủy tinh thể. Vậy là gì?
Khác với đục thủy tinh thể người già, đục thủy tinh thể ở trẻ em có những ảnh hưởng nặng nề lên sự phát triển thị giác, nên tiên lượng cũng thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể.
Mọi người thường chủ quan, nghĩ đục thủy tinh thể chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, thế nhưng mới đây bản thân BS Huy đã gặp hai trường hợp trẻ em mắc bệnh lý này. Trường hợp thứ nhất được mẹ đưa tới khám là nam bệnh nhi tên P.H.N., sáu tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Diễn tiến phức tạp
Nguyên nhân bé được mẹ đưa đi khám vì mắt bị lé, bản thân gia đình bé N. không hề nghĩ tới việc con bị đục thủy tinh thể. Sau khi điều tra bệnh sử, BS Huy biết được bệnh nhi xuất hiện tình trạng lé mắt khoảng sáu tháng nay. BS phát hiện N. bị đục thủy tinh thể mắt trái. Dù sau đó bé đã được mổ, ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ nhưng thị lực bệnh nhi không cải thiện tốt mà còn xuất hiện nhược thị.
Trường hợp thứ hai được BS phát hiện đục thủy tinh thể khi rất nhỏ tuổi. Bệnh nhi là bé gái, tên N.N.T., ngụ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Sau khi bé T. sinh ra được sáu tháng, mẹ bé phát hiện trong mắt bệnh nhi có ánh đồng tử trắng ở chỗ con ngươi. Đi khám, gia đình mới biết bệnh nhi bị đục thủy tinh thể hai mắt.
“Trong quá trình khám, chúng tôi hỏi lại thì bà mẹ trước lúc mang thai không chích ngừa và làm xét nghiệm, nghi mẹ nhiễm rubella trong thai kỳ. Hiện em bé cần phải cho đi kiểm tra thêm các vấn đề về tim xem có dị tật không”, BS Huy nói.
Nguyên nhân bẩm sinh và mắc phải
Theo BS Huy, nguyên nhân của đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ cũng là một chủ đề được nghiên cứu rất nhiều. Trong đó, việc xác định phân biệt đục thủy tinh thể một mắt hay hai mắt là một yếu tố quan trọng.
Đa phần những trường hợp đục thủy tinh thể bẩm sinh hai mắt có nguyên nhân thường gặp nhất là đột biến về di truyền. Hiện nay có khoảng hơn 15 gen đã được xác định là liên quan đến việc hình thành đục thủy tinh thể và việc di truyền đa phần theo gen trội trên nhiễm sắc thể thường, nhưng cũng có thể di truyền theo nhiễm sắc thể giới tính.
Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể liên quan như bệnh Wilson, đái tháo đường, hội chứng Down. Một số trường hợp mẹ nhiễm rubella, herpes simplex, toxoplasma hoặc giang mai trong quá trình mang thai cũng có thể dẫn đến đục thủy tinh thể bẩm sinh của trẻ.
Ngược lại, trường hợp đục thủy tinh thể một mắt đa phần có nguyên nhân không rõ ràng và ít liên quan đến một số bệnh lý toàn thân hoặc do di truyền. Chấn thương cũng có thể là một nguyên nhân của đục thủy tinh thể một mắt ở trẻ em.
Dù là nguyên nhân nào thì điều trị đục thủy tinh thể trẻ em cũng phải cần sớm và có kế hoạch rõ ràng để giúp cho quá trình phát triển thị giác được tốt hơn.
Độ tuổi mắc bệnh đục thủy tinh thể thay đổi tùy vào mức độ cũng như hình thái, nguyên nhân đục thủy tinh thể. Đối với trẻ em, những biểu hiện đầu tiên cha mẹ có thể nhận thấy như ánh đồng tử trắng (con ngươi màu trắng).
Ngoài ra, còn có các dấu chứng khác như giảm phản ứng với ánh sáng, lé, không nhận ra được đồ chơi hay khuôn mặt một cách bình thường như các bạn cùng lứa tuổi. Một số trường hợp đục nhẹ có triệu chứng chói sáng. Những trường hợp đục nặng có thể dẫn đến rung giật nhãn cầu.
Thời gian vàng điều trị đục thủy tinh thể cho trẻ
Thông thường, nguy cơ nguy hiểm nhất của đục thủy tinh thể bẩm sinh là bất thường thị giác không hồi phục. Theo đó, đục thủy tinh thể xuất hiện ở giai đoạn phát triển thị giác và đặc biệt là có thể dẫn đến nhược thị không hồi phục hoặc rung giật nhãn cầu.
Hai tháng đầu tiên của trẻ là cực kỳ quan trọng trong sự phát triển thị giác, và nhược thị do bất thường xảy ra sau khoảng hai-ba tháng tuổi thường có thể hồi phục được ở một mức độ nào đó, dù đa số ít và khó tiên lượng được. Sự phát triển thị giác sẽ tiếp tục cho đến khoảng sáu-tám tuổi.
Đục thủy tinh thể một mắt thường có tiên lượng kém hơn đục thủy tinh thể hai mắt, dù chỉ một mức độ đục nhẹ cũng có thể dẫn đến nhược thị nặng. Ngoài ra, trẻ đục một mắt thường có kèm thêm bất đồng khúc xạ hai mắt, làm tăng nặng hơn tình trạng chung của bé.
Việc điều trị sau phẫu thuật với phương pháp hỗ trợ thị giác cũng rất quan trọng đối với sự phát triển thị giác tiếp theo của trẻ. Lựa chọn giữa các phương pháp kính gọng, kính áp tròng hoặc kính đặt nội nhãn sẽ tùy từng trường hợp cụ thể thông qua sự bàn bạc, tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa.
Thanh Huyền