Tác giả Việt Nam có quyền đâu mà bị 'đạo'

15/12/2017 - 19:49

PNO - Một tháng sau khi ra mắt trên YouTube, MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của nam ca sĩ Noo Phước Thịnh đã đạt 30 triệu lượt xem và… bị gỡ hôm 17/11 vì vi phạm bản quyền.

Một tháng sau khi ra mắt trên YouTube, MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của nam ca sĩ Noo Phước Thịnh đã đạt 30 triệu lượt xem và… bị gỡ hôm 17/11 vì vi phạm bản quyền.

Mới đây, MV Sống xa anh chẳng dễ dàng của nữ ca sĩ Bảo Anh, sau khi đạt 39 triệu lượt xem trên YouTube cũng đụng phải cáo buộc vi phạm bản quyền vì đã sử dụng nhạc của Ivan Torrent mà không xin phép.

Mới nhất, ngày 13/12, ban nhạc Da LAB đã yêu cầu hãng hàng không Jetstar Pacific không được sử dụng bài hát Một nhà và yêu cầu hãng này phải  gỡ tất cả mọi thứ có liên quan khỏi các phương tiện truyền thông. Câu chuyện quyền tác giả tại Việt Nam vẫn cứ rối như tơ vò vì các điều luật chưa rõ ràng cũng như thái độ của người trong cuộc.

Tac gia Viet Nam co quyen dau ma bi 'dao'

MV của các ca sĩ Bảo Anh, Noo Phước Thịnh, Mỹ Tâm đều dính scandal vi phạm bản quyền

Vụ livestream trái phép phim Cô Ba Sài Gòn, sau rất nhiều “lời bàn” của các luật sư, đến nay vẫn chưa được xử lý thỏa đáng. Tương tự, những vụ “đạo” nhạc, “đạo” văn, “đạo” thơ… vẫn xảy ra thường xuyên nhưng hầu như chưa có vụ nào được giải quyết thấu đáo.

Theo GS-TS Nguyễn Vân Nam - Giám đốc Công ty tư vấn Luật Nam Hùng tại TP.HCM - nguyên nhân nằm ở những bất cập trong luật Việt Nam, khiến tòa án lẫn các luật sư lúng túng, không biết căn cứ vào đâu để phân xử.

Ông cho biết: “Nhiều năm trước, tôi từng có một phát ngôn thiếu thận trọng về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005. Khi đó, tôi nói rằng luật Việt Nam dựa trên Hiệp định TRIPS cùng những chuẩn mực của Công ước Berne thì chắc chắn là không có vấn đề gì đáng bàn cãi nữa. Nhưng sau đó, khi đại diện cho một số thân chủ trong các vụ tranh chấp về SHTT cũng như trong quá trình nghiên cứu, biên soạn cuốn sách Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy Luật SHTT cũng như các quy định về quyền tác giả của Việt Nam có quá nhiều sai lệch, thiếu sót so với chuẩn mực chung của thế giới".

Tac gia Viet Nam co quyen dau ma bi 'dao'

GS-TS Nguyễn Vân Nam - Giám đốc Công ty tư vấn Luật Nam Hùng tại TP.HCM

* Xin phép được cắt ngang, vì sao thế giới lại có Hiệp định TRIPS và Công ước Berne?

- Hiệp định TRIPS là hiệp định riêng về SHTT của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quy định các thành viên của WTO phải tuân thủ các chuẩn mực bảo vệ quyền tác giả của Berne. Việt Nam là thành viên của WTO nhưng lại đưa ra các điều luật còn nhiều sai sót và thấp hơn so với chuẩn mực tối thiểu của Berne.

Thậm chí, luật của chúng ta không có quy định về những quyền cơ bản nhất của một tác giả như: “Quyền được công nhận tác giả”, “Quyền suy đoán là tác giả”… Nếu người tạo ra sản phẩm không có “quyền được công nhận là tác giả” thì làm gì có chuyện “đạo” tác phẩm, vì đạo tác phẩm bản chất là tước đoạt quyền được công nhận là tác giả của người thật sự sáng tạo nên tác phẩm.

Ngay cả đến định nghĩa thế nào là “tác phẩm” của Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng rất sơ sài, thiếu hẳn các yếu tố làm nên một tác phẩm được bảo hộ là sáng tạo tinh thần và dấu ấn cá nhân. Do đó, việc bảo hộ tác quyền lẫn giải quyết tranh chấp rất khó khăn.

* Đó là lý do khiến những vụ kiện về SHTT kéo dài nhiều năm chưa có hồi kết?

- Đúng vậy. Tôi là đại diện trong nhiều vụ kiện đình đám như vụ giữa họa sĩ Lê Linh với Công ty Phan Thị về hình tượng các nhân vật trong Thần đồng đất Việt - từ năm 2006 đến nay vẫn chưa được giải quyết; hay vụ Trường doanh nhân Dale Carnegie kiện một chuyên gia lấy chương trình của mình để giảng dạy bên ngoài cách đây bốn năm đến nay cũng chưa đưa ra xét xử được.

Cũng khó trách phần lớn luật sư khá mù mờ về quyền tác giả. Trong chương trình đại học, sinh viên ngành Luật chỉ có tối đa 45 tiết học về quyền SHTT, trong đó chỉ có một phần rất nhỏ về quyền tác giả. Họ khó mà hiểu thấu đáo.

Chẳng hạn, một số trường hợp đòi bảo hộ quyền tác giả cho ý tưởng kinh doanh, trong khi ý tưởng kinh doanh chỉ được bảo hộ bằng quyền sở hữu công nghiệp, không phải bằng quyền tác giả. Những trường hợp cáo buộc đạo ý tưởng là vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam là không đúng.

Công ước Berne nhấn mạnh rằng tác giả phải có quyền được công nhận là tác giả. Ngoài ra còn một quyền rất quan trọng trong giao dịch về quyền tác giả, tác phẩm là quyền suy đoán là tác giả. Thế nhưng, tất cả đều không được đề cập trong luật Việt Nam.

Bảo Anh phải trả 100 triệu đồng tác quyền để giữ lại MV Sống xa anh chẳng dễ dàng:

 

* Ông có thể cho biết sự khác nhau giữa đạo tác phẩm và làm tác phẩm phái sinh?

- Berne phân biệt tác phẩm với tác phẩm phái sinh dựa trên yếu tố “dấu ấn sáng tạo cá nhân” của tác giả. Luật Việt Nam không có quy định về dấu ấn sáng tạo cá nhân, nên đành phải phân biệt bằng sự giống nhau chung chung giữa hai tác phẩm, bằng việc xem chúng có giống “y chang” nhau, hay có sửa đổi gì không.

Những sửa đổi nhỏ nhặt, không mang dấu ấn cá nhân của tác phẩm gốc, cũng đủ để nói tác phẩm đó khác tác phẩm gốc và vì vậy sẽ được xem là tác phẩm phái sinh. Rõ ràng, cách phân biệt này không đủ cơ sở, không mang tính thuyết phục và sẽ luôn gây tranh cãi.

* Xin ông nói thêm về tình trạng sử dụng những bài viết trên mạng xã hội. Việc này có vi phạm quyền tác giả không?

- Trước hết, chúng ta cần xác định xem bài viết đó có phải là tác phẩm không. Định nghĩa về tác phẩm của Việt Nam không giống với định nghĩa của Công ước Berne. Berne định nghĩa tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân, trong khi đó Việt Nam định nghĩa tác phẩm chỉ là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Vì không quy định về dấu ấn cá nhân nên chúng ta không có cơ sở phân biệt tác phẩm nguồn và tác phẩm phái sinh.

Như vậy, với Việt Nam, một bài viết trên mạng xã hội có thể gọi là tác phẩm và được bảo hộ, nhưng với Berne thì chưa chắc. Kể cả các bài viết, phát ngôn  được gọi là tác phẩm trên mạng xã hội, thì quyền của tác giả cũng bị hạn chế rất lớn vì quyền lợi và mối quan tâm của người dân, của xã hội. Nghĩa là, việc sử dụng tác phẩm trên mạng xã hội là tự do trong rất nhiều trường hợp. Đây cũng là một nguyên tắc được Berne quy định rõ. Việt Nam không có các quy định cho phép sử dụng tự do các tác phẩm trên mạng xã hội, trên truyền thông trong ý nghĩa của Berne, nên căn cứ vào Luật SHTT Việt Nam, tất cả các bài viết trên mạng xã hội đều được bảo hộ và không có ngoại lệ.

* Hẳn là những thiếu sót, không rõ ràng trong Luật SHTT sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội Việt Nam?

- Hiển nhiên là vậy, và người chịu thiệt hại nhiều nhất chính là người tiêu dùng cũng như các tác giả Việt Nam. Một cách ngắn gọn và tổng quát nhất thì quyền tác giả chính là động lực quan trọng thúc đẩy sáng tạo. Không có sáng tạo thì không thể phát triển kinh tế, xã hội. Bảo hộ tốt quyền tác giả là bảo đảm điều kiện cho sáng tạo, bảo đảm cho sự giữ gìn và khai thác tốt nhất sản phẩm tinh thần, vì sự phát triển của một quốc gia.

Chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng công nghệ thông tin, số hóa. Toàn bộ mọi lĩnh vực của cuộc sống cá nhân, hoạt động xã hội và phát triển kinh tế đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với việc tạo, xử lý và tiếp nhận thông tin số hóa qua mạng internet hoặc các mạng tương tự.

Tòa án Liên minh châu Âu và luật bản quyền của các nước công nghiệp đã xác định, một hoạt động bất kỳ trong quá trình giao dịch, trao đổi thông tin qua mạng internet đều gắn liền với hoạt động nhân bản tác phẩm số hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của quyền tác giả trong thời đại công nghiệp 4.0.

Về kinh tế, ngoài các giao dịch, trao đổi thông tin qua internet; tất cả các hệ điều hành, phần mềm máy tính, các ứng dụng dùng máy tính như công cụ quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh... đều là những tác phẩm được bảo hộ bản quyền. Bảo hộ không tốt quyền tác giả cũng đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng được tiếp cận, sử dụng công nghệ, các ứng dụng mới của doanh nghiệp, của người dân; đồng nghĩa với việc không khuyến khích được các doanh nghiệp, cá nhân trong nước sáng tạo các ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Về đời sống văn hóa - xã hội, bảo hộ không tốt quyền tác giả, một mặt không khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm mới, gián tiếp khuyến khích họ “đạo” hoặc mua quyền cải biên tác phẩm nước ngoài như chúng ta đang thấy trong điện ảnh hoặc trên truyền hình; mặt khác gây khó khăn cho người dân trong việc thụ hưởng các sản phẩm văn hóa tốt đẹp của nước ngoài. Dân mê bóng đá Việt Nam không được xem giải ngoại hạng Anh vừa qua, hay các nhà xuất bản phải trả phí cao hơn, thậm chí không mua được quyền nhân bản và phổ biến tác phẩm nước ngoài có giá trị là những ví dụ điển hình.

Xây dựng các điều luật về quyền tác giả và thực thi nó trong thực tế là công việc dễ dàng nhất trong số những việc phải làm để xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, vì các chuẩn mực về quyền tác giả cùng những nguyên tắc thực thi chúng trong thực tế đã thành những quy chuẩn chung được quy định rõ trong các hiệp định, công ước quốc tế mà mỗi quốc gia thành viên phải tuân thủ. Việc dễ mà làm không xong thì việc khó hơn làm sao làm nổi. Có thể hiện nay, nhiều người chưa nhận thấy những hệ lụy nghiêm trọng từ những thiếu sót, thiếu hoàn chỉnh trong luật về quyền tác giả, nhưng đến thời điểm quốc gia chúng ta lớn mạnh hơn, ảnh hưởng đáng kể đến quyền bảo hộ của các doanh nghiệp nước ngoài, lúc đó e là quá muộn.

* Khi luật của chúng ta và các công ước, hiệp định quốc tế chênh nhau như thế, chúng ta phải làm sao?

- Đây là câu hỏi vừa dễ vừa  khó trả lời. Luật SHTT Việt Nam có quy định  - trong trường hợp một điều luật Việt Nam quy định khác với luật quốc tế thì áp dụng luật quốc tế. Nhưng thực tế thì cả tòa án lẫn luật sư vẫn chưa thể áp dụng được quy định này.

Tôi rất muốn lưu ý về tình trạng “ném đá” vô tội vạ đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Lên án hay kết án một ai đó, phải hết sức thận trọng, căn cứ trên các quy định của pháp luật. Nếu nói “đạo” tác phẩm, hay xâm phạm quyền tác giả thì phải nói rõ vi phạm quyền nào trong quyền tác giả, phải nêu được những cơ sở pháp lý, tiêu chí rõ ràng dựa trên các điều luật cụ thể để xác định hành vi vi phạm chứ không thể lên án người khác dựa trên suy nghĩ chủ quan hoặc một quan điểm chung chung. Trong trường hợp luật chưa thật cụ thể, chính xác để làm căn cứ phân định có vi phạm bản quyền hay không thì phải sửa luật.

* Xin cảm ơn ông. 

* Nhiều tác giả than khổ khi xin chứng nhận quyền tác giả ở Cục Bản quyền tác giả, ông nghĩ sao về chuyện này?

- Họ khổ vì đã trao quyền cho những cơ quan không có thẩm quyền cấp loại giấy đó. Khác với quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả là quyền có ngay khi tác phẩm hình thành, không cần phải được một cơ quan công quyền nào xem xét và công nhận. Cục Bản quyền tác giả không có thẩm quyền xác nhận ai là tác giả, không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tác giả mà chỉ có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Không có thẩm quyền nên cục cũng không được trao trách nhiệm xem xét xem tác phẩm đó có đúng theo Luật SHTT hay không, tác giả đó có thực sự là người sáng tác ra tác phẩm đó hay không. Khi có tranh chấp, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả chỉ giúp cho người đã đăng ký khỏi phải chứng minh mình là người có quyền tác giả, chứ không phải là không cần chứng minh mình là tác giả. Việc xác định ai là tác giả và đó có phải là tác phẩm hay không thuộc thẩm quyền của tòa án. Đó là quy định chung của cả thế giới.

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI