Tác giả Thanh Hiền - cha đẻ của 2000 bài vọng cổ, bài bản tài tử qua đời

26/02/2020 - 13:40

PNO - Trong cuộc đời sáng tác của mình, soạn giả Thanh Hiền đã viết hơn 2000 bài vọng cổ, bài lý, bài bản tài tử và khoảng 20 kịch bản cải lương.

Soạn giả Thanh Hiền, tác giả của hơn 2000 bài vọng cổ và bài bản tài tử đã vĩnh biệt cõi tạm lúc 7g sáng nay, 26/2, do tuổi già, sức yếu.

Tác giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng, sinh năm 1942 tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Từ nhỏ, ông đã được gia đình cho học cả tiếng Pháp và tiếng Hán. Song song với việc học chữ, cậu bé Văn Trượng còn có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc tài tử. Ngoài khả năng ca, ông còn sử dụng được một số nhạc cụ và giỏi nhất khi chơi đờn kìm. 

Tác giả Thanh Hiền
Tác giả Thanh Hiền

Thời trẻ, ông là một trong những thanh niên hăng hái tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương với tài đờn ca và sáng tác bài bản vọng cổ, tài tử. Vào khoảng năm 1960, ông bắt đầu tham gia hoạt động chuyên nghiệp ở Đoàn văn công tỉnh Tây Ninh. Với sự nhạy bén trong sáng tác về những vấn đề mang tính thời sự lúc bấy giờ, ông được Đoàn Văn công Giải phóng “R” “rút” về giữ vị trí trưởng ban cổ nhạc, vừa sáng tác, vừa đờn kìm chánh và giữ song lang.

Sau khóa học Thông tin, báo chí và văn nghệ, soạn giả Thanh Hiền được phân công về công tác ở các tỉnh Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Mỹ Tho... Đây là giai đoạn ông cho ra đời rất nhiều bài vọng cổ về đề tài kháng chiến, trong số đó có những bài rất nổi tiếng, được phát trên đài phát thanh như Em bé Phú Riềng, Vui kháng chiến, Gởi bạn khúc tình ca, Tiếng sóng biển, tiếng quê hương, Xuân vui, Long An tươi màu lá mạ, Lá thư Đường Bốn, Đường ra trận hôm nay...

Năm 1969, soạn giả Thanh Hiền về Trường Văn nghệ Giải phóng (B 2.5) rồi đi học ở Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về công tác ở TPHCM. Cuối năm 1978, ông chuyển về Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tây Ninh và giữ vị trí Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh cho đến khi nghỉ hưu (2007).

Trong cuộc đời sáng tác của mình, soạn giả Thanh Hiền đã viết hơn 2000 bài vọng cổ, bài lý, bài bản tài tử và khoảng 20 kịch bản cải lương. Một số vở cải lương để lại nhiều dấu ấn của ông có thể kể như: Lá thư cô Hiếu, Đám cưới cô Trầm, Vì sao anh chưa về, Tiếng hát An Cơ, Chim quyên xuống đất...

Tác giả Thanh Hiền trong đêm vinh danh cuộc đời và sự nghiệp

Tác giả Thanh Hiền trong đêm vinh danh cuộc đời và sự nghiệp của ông

Bên cạnh đó, những bài ca Bông điệp Sài Gòn, Tấc đất tấc vàng, Chuyến xe Tây Ninh, Rẽ mạ đầu mùa, Lan trắng, Cây thương nhớ, Tâm sự Ngọc Hân... đều do soạn giả Thanh Hiền sáng tác từ sau năm 1975, là những bài ca nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi và được nhiều người thuộc lòng.

Về ngón đờn kìm, ông được nhiều người trong giới đờn ca tài tử nhận xét là có lối đờn mang phong cách riêng, được xem như một trong số hiếm hoi những “cao thủ” đại biểu cho giới tài tử miền Đông. Ông chạy ngón đờn nhanh, nhẹ, ngón nhấn với các âm sắc chuẩn xác, điệu nghệ và trẻ trung, ngay cả khi đã bước qua tuổi cao niên.

Trước khi qua đời, ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh, là thành viên Hội đồng Đờn ca tài tử cải lương Nam bộ Việt Nam và vẫn tiếp tục tham gia sáng tác.

Soạn giả Thanh Hiền được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu đợt I và II (trong chiến khu), Giải thưởng Văn học Nguyễn Thông - Long An năm 2002 và nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen khác.

P.V

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI