Tác giả Rừng Na Uy tranh giải… viết cảnh nóng dở nhất

03/12/2018 - 06:01

PNO - Giải thưởng Miêu tả cảnh sex tệ nhất trong tiểu thuyết (Bad Sex in Fiction Award) do tạp chí Literary Review của Anh bầu chọn là một trong những giải thưởng gây tò mò nhất trên văn đàn thế giới.

Tac gia Rung Na Uy tranh giai… viet canh nong do nhat
Nhà văn Haruki Murakami có tên trong danh sách đề cử Bad Sex in Fiction Award 2018 và được cho là rất có khả năng chiến thắng

Đây là giải thưởng thường niên, ra đời từ năm 1993 và không nhằm cổ xúy cho việc săn tìm những cảnh nóng trong các tác phẩm văn chương. Mục đích giải thưởng hướng đến là mong muốn các tác giả đừng quá lạm dụng ngôn từ gây ấn tượng, đừng quá đặc tả những cảnh trần trụi không cần thiết.

Tình dục trong văn chương là điều bình thường, nhưng chỉ nên được đặt đúng bối cảnh, tạo nên sự chuyển hóa trong mạch văn, chứ không cần phải quá bay bổng hoặc rườm rà, đôi khi lại sáo rỗng, nhạt nhẽo. Thậm chí, trong nhiều tác phẩm từng được trao giải này, việc mô tả cảnh nóng là hoàn toàn không cần thiết, không giúp ích gì cho câu chuyện, nhưng các tác giả vẫn đưa vào, chỉ với mục đích thu hút độc giả. Điều đó, theo ban tổ chức giải thưởng, là hết sức vô nghĩa, vụng về trong nghệ thuật câu chữ.

Đây là lần thứ hai danh sách đề cử của giải thưởng này chỉ toàn tác giả nam. Đại diện tạp chí Literary Review nói vì không một tác giả nữ nào mô tả cảnh nóng đủ… dở để đưa vào danh sách bình chọn. Rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là minh chứng rõ ràng cho thấy nhà văn nữ có khuynh hướng nương tay hơn khi viết về những hình ảnh tình dục trần trụi.

Các nhà văn nữ thường có khuynh hướng đặt cảnh nóng trong sự dẫn dắt mềm mại hoặc dùng các uyển ngữ thay thế và hầu hết đều phù hợp với mạch truyện, tình tiết, cảm xúc được đề cập. Trong khi đó, các cây bút nam lại khai thác thẳng thắn hơn vì kèm theo cảnh nóng là nỗi niềm họ muốn bày tỏ, những “ẩn ức” của chính tác giả, phản ánh sự “rỗng không” trong tâm hồn họ chứ không chỉ là cảm giác thăng hoa, lãng mạn của câu chuyện.

Trong danh sách tác giả được đề cử lần này đặc biệt có nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami - người quen thuộc với độc giả thế giới qua tác phẩm Rừng Na Uy. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhờ mượn chất liệu tình dục để khắc họa cuộc sống đầy mệt mỏi, chán chường của thanh niên Nhật Bản trong thập niên 1960. Họ tìm đến tình dục như một cách tự giải khuây, xoa dịu những trống rỗng trong lòng mình. Haruki Murakami cũng là cái tên được nhắc đến nhiều trong mỗi mùa xét trao giải Nobel, bởi bút lực đầy hứng khởi, thấm đẫm giá trị nhân văn.

Tác phẩm mới nhất của ông - Killing Commendatore (Giết kẻ chỉ huy) vừa phát hành ở Mỹ vào tháng 10 năm nay là tác phẩm đưa Haruki Murakami vào danh sách đề cử của Bad Sex in Fiction Award. Theo đánh giá của những người yêu quý ngòi bút ông, đây là tác phẩm khó đọc mà chính bản thân Murakami cũng không biết rõ ngọn nguồn mạch văn. Ông bảo chỉ biết nó xuất hiện từ sâu thẳm vô thức, bật lên một cách tự nhiên cho ông bắt lấy và viết ra.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết là một anh chàng 30 tuổi, vì bị vợ bỏ mặc nên đã rời Tokyo lên núi ẩn mình, mở ra một hành trình hòa quyện giữa niềm khao khát được yêu thương và nỗi cô đơn giày vò cả thể xác lẫn tâm hồn. Đoạn văn không phù hợp được đưa ra phân tích là đoạn tác giả mô tả cao trào ân ái, qua lời kể của nhân vật, nhưng lại quá thiên về cảm nhận thể xác mà không có chút cảm xúc nào.

Trong danh sách đề cử, Haruki Murakami được cho là có khả năng cao để nhận được giải thưởng. Ứng viên so kè cùng ông là nhà văn Mỹ James Frey với tác phẩm Katerina. Literary Review cho rằng, không cần thiết phải có đến 8 lần những từ ngữ nhạy cảm được nhắc đến trong một đoạn ngắn của tiểu thuyết. Điều đó cho thấy sự miễn cưỡng đặt trong bối cảnh câu chuyện.

Chủ nhân của giải thưởng sẽ được công bố chính thức hôm nay - 3/12. Tuy nhiên, trong lịch sử giải thưởng này, cũng giống giải Mâm xôi vàng cho diễn xuất dở ở Mỹ, các tác giả thường không mấy quan tâm và phần lớn họ không đến dự buổi lễ trao giải cũng như không góp mặt trong bữa tiệc sau đó. Các nhà văn cho rằng, quyết định đưa bất cứ câu từ nào vào tác phẩm của mình cũng đều đến từ cảm hứng, ý tưởng trong mạch chuyện. Với họ, đó không phải là những bài báo, bài xã luận hay bài phân tích, nên không thể áp vào đó những chuẩn mực cứng nhắc.

Kỳ thực, “văn là người” - luôn phản ánh cuộc sống và phản ánh cả tâm hồn của chính tác giả. Giữa một thế giới mở và tràn ngập tinh thần nữ quyền, dường như các nhà văn nam đang tỏ ra bị ức chế và họ mang những ẩn ức ấy trút xả vào văn chương, núp dưới hình ảnh, cảm xúc của nhân vật. Khi mô tả những cảnh nóng bạo liệt và trần trụi, dường như các nhà văn cũng đang phô bày khát khao của chính mình hơn là của nhân vật. Nếu thế, giải thưởng miêu tả cảnh sex tệ nhất cũng cần thiết để nhắc nhở các tác giả về chính mình và về văn chương. 

Anh Thông (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI