Tác giả nữ đoạt Nobel 2015: Thầm lặng và quả cảm

09/10/2015 - 07:16

PNO - Cuộc chiến chống sốt rét của người phụ nữ "ba không"

Vài ngày trước, giải Nobel Y học được chia đều cho hai công trình nghiên cứu: liệu pháp điều trị sốt rét từ thảo dược cổ truyền của nhà giáo, nhà y học, nhà khoa học Đồ U U (85 tuổi, người Trung Quốc) và phương pháp mới trị nhiễm giun ký sinh của William C. Campbell (Ireland) và Satoshi Omura (Nhật Bản). Đóng góp lớn lao của bà Đồ U U đối với nền y học đã được vinh danh sau hơn 40 năm âm thầm, miệt mài cống hiến.

Đồ U U không phải là cái tên quen thuộc trong giới y khoa thế giới, nhưng sự kiện bà nhận giải Nobel lại gây chấn động bởi câu chuyện thú vị đằng sau người phụ nữ tài năng và cá tính này.

Người ta ví von đó là một phụ nữ “ba không” bởi bà không có bằng cấp nào sau đại học, không là thành viên của bất cứ viện hàn lâm khoa học nào của Trung Quốc và cũng không có nghiên cứu hoặc kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.

Những năm cuối thập niên 1960, ký sinh trùng sốt rét bắt đầu kháng một số loại thuốc thông dụng khiến dịch sốt rét trở thành mối nguy hại ở nhiều tỉnh phía Nam Trung Quốc, buộc chính quyền phải vào cuộc.

Bà Đồ U U nhận lời tham gia dự án với tâm nguyện duy nhất là cố gắng hết sức để cứu người. Đây là thử thách khó khăn vì trước bà, hàng loạt nhóm nghiên cứu đã thất bại, 240.000 công thức đã được công bố nhưng vẫn “bó tay” với bệnh sốt rét.

Tac gia nu doat Nobel 2015: Tham lang va qua cam
Bà Đồ U U - Nobel Y học

Xuất thân là người chuyên về Đông y đồng thời thành thạo cả Tây y, bà Đồ U U quyết định tìm dược liệu từ chính kho thuốc vô giá của tự nhiên. Nhóm của bà nghiên cứu hơn 2.000 vị thuốc, thực hiện chiết xuất ra 380 loại thảo dược, chỉ nhằm tìm ra loại dược liệu thích ứng với yêu cầu.

Tưởng chừng công việc “mò kim đáy biển” ấy không thể hoàn thành, nhưng rồi bà Đồ U U xác định được chính chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng có tác dụng tốt nhất trong việc điều trị sốt rét. Ban đầu, bà thử nghiệm lên cơ thể khỉ, chuột và thấy kết quả như ý.

Sống chết với nghiên cứu của mình, bà Đồ U U tự nguyện là người đầu tiên tiếp nhận thí nghiệm thuốc, dùng chính cơ thể bảo vệ “đứa con tinh thần” mà mình dành bao tâm huyết.

Không chỉ một mà nhiều công thức thuốc được nạp vào cơ thể bà Đồ, khiến sức khỏe của bà sa sút, thậm chí bà rụng gần hết răng. Đây là thời điểm vô cùng khó khăn vì bà không có nhiều thời gian dành cho gia đình, chồng bà cũng phải xa nhà hoàn thành nhiệm vụ quan trọng cho đất nước.

Đứa con gái khi ấy mới ba tuổi đã nói những câu khiến bà trào nước mắt: “Mẹ, sao mẹ nỡ bỏ con cho ông bà nuôi?”. Bà giãi bày với con gái: “Mẹ phải tập trung vào công việc. Mẹ ốm yếu và rụng hết răng rồi, mẹ còn không thể chăm sóc chính mình, nên mẹ không biết làm sao chăm sóc con tốt được đây!”. Một năm sau, bà Đồ gửi con gái vào trường mẫu giáo nội trú ở Bắc Kinh để toàn tâm toàn ý cho công việc.

Tac gia nu doat Nobel 2015: Tham lang va qua cam
Bà Đồ U U chọn sứ mệnh của mình là cứu người - Ảnh: SCMP

Tiếp theo đó là những lần thử nghiệm thành công khác trên cơ thể người và đến năm 1977, công trình được xuất bản. Gần 200 lần thất bại ở các khâu khác nhau mới có những lần thành công như mong đợi.

Thuốc trị sốt rét Artemisinin giảm thiểu nguy cơ tử vong vì sốt rét ra đời và đến nay vẫn được xem là loại thuốc trị sốt rét hữu hiệu nhất. Với bà Đồ U U, chọn theo ngành y là nhận lấy sứ mệnh đấu tranh với bệnh tật để bảo vệ con người. Những gì bà làm được như cách bà tri ân bao thế hệ dìu dắt, giúp bà chạm đến được kho tàng tri thức.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI