Nguyễn Phi Vân được biết đến với nhiều vai trò. Chị từng là CEO của một tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, là diễn giả - chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính với những phi vụ nhượng quyền ấn tượng trên thương trường. Phi Vân còn là nhà văn và gần đây, chị tham gia đầu tư và làm “bà đỡ” cho nhiều công ty công nghệ.
Phi Vân đa tài, ai cũng biết. Phi Vân quyết đoán trên thương trường, ai cũng thấy. Nhưng, còn có một Phi Vân rất khác, yếu mềm hơn, dễ xúc động, cô độc hơn khi kể về hành trình trưởng thành của mình. Có thể, mọi người cũng đã từng được “đi vào” ngõ tối bên trong người đàn bà tài giỏi này khi đọc cuốn Quảy gánh băng đồng ra thế giới của chị, viết về những vụn vỡ bên trong tâm hồn thời điểm rời Việt Nam sang Úc du học. Ngày đó, thế giới rộng lớn “nuốt chửng” cái ao làng nhỏ bé - những gì mà Phi Vân từng rất tự hào về bản thân như kiến thức mình có được, những trải nghiệm, sự công nhận trong công việc... tại Việt Nam.
|
Một Phi Vân nhỏ bé bước ra thế giới, sốc, trầm cảm, loay hoay tìm cách vượt qua vì không hòa nhập được với bè bạn 5 châu. Giờ đây, chị muốn mang hành trình đã từng như vực thẳm, từng chông chênh và thành công hiện tại để nói với người trẻ rằng “ra thế giới”, “để trở thành công dân toàn cầu” không hề khó nếu có sự chuẩn bị. Kể cả khi robot đe dọa cuộc sống của con người trong tương lai thì có hề gì nếu ngay từ bây giờ, bạn vạch cho mình kế hoạch.
Trí tuệ nhân tạo và “chất” người
Phóng viên: Liên tục nói về việc công nghệ “xóa” dần vai trò của con người trong tương lai, gần đây, chị ra mắt NYM - Tôi của tương lai, để tiếp tục nhấn mạnh điều này, robot đáng sợ vậy sao?
Tác giả Nguyễn Phi Vân: Nếu đọc NYM - Tôi của tương lai, tôi tin bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của công nghệ và sự ảnh hưởng rất lớn của công nghệ với cuộc sống con người. Đến một thời điểm, robot làm được gần hết những công việc mà loài người đang còng lưng lao động. Bấy nhiêu đó không phải đã cho thấy robot đáng gờm hay sao? Song, công nghệ không phải là thông điệp mà tôi hướng tới.
Trong thời đại máy móc, công nghệ bủa vây, tôi muốn con người phải sống thật là người. Đó là khi bạn trả lời được những câu hỏi: Làm người là làm như thế nào? Con người khác gì với robot? Khi trả lời được, bạn sẽ hiểu ra nếu mình học tập, tiếp cận thông tin như cách làm lâu nay, mình sẽ thua xa máy vì AI (trí tuệ nhân tạo - PV) có bộ nhớ khủng hơn, sắp xếp khoa học hơn. Máy móc xuất hiện để nói với bạn rằng đã đến lúc bạn phải thay đổi.
|
Qua những hành động thiết thực của mình, Nguyễn Phi Vân muốn nói với các thế hệ sau rằng “để trở thành công dân toàn cầu” không hề khó nếu có sự chuẩn bị |
* Máy móc có thể giỏi giang hơn con người nhưng chúng không có cảm xúc và điều này là bất biến, con người có thể tự hào vì điều này.
-Cảm xúc là thứ máy móc không có được nhưng con người sẽ dạy cho máy cách nói chuyện thể hiện được cảm xúc của con người. Ví dụ khi bạn buồn, máy không thể khóc cùng, không thể ôm bạn an ủi nhưng nó có thể tìm kiếm trên mạng: “Khi có ai buồn, con người làm như thế nào?”, kết quả có cả triệu cách con người xử lý những tình huống đó và AI chỉ cần chọn lấy cách được nhiều người sử dụng nhất để nói với bạn. Ngoài đời, có nhiều người còn không giỏi nói chuyện, không biết cách an ủi người khác trong khi máy làm được điều đó qua lời nói.
* Chị nghĩ sao nếu nói cuốn sách này dường như vô nghĩa với những người trẻ chọn cách sống gần hơn với thiên nhiên, rời bỏ thế giới công nghệ?
- Lựa chọn của mỗi người đều có mục đích nhưng tôi nghĩ những người bình yên nhất trong cuộc đời là những người từng trải. Điều đó có nghĩa, bạn có thể lựa chọn cuộc sống không công nghệ nhưng bạn phải hiểu về công nghệ. Nếu bạn muốn lui về mà an yên nhất, bạn phải biết ngoài kia đang xảy ra điều gì, thế giới đang vận hành như thế nào.
Tất cả đều phải hiểu về công nghệ, lựa chọn của chúng ta được thể hiện ở chỗ: bạn chọn công nghệ làm công cụ phục vụ cho đời sống, theo cách mà mình muốn; bạn lựa chọn để công nghệ dẫn dắt; bạn tìm hiểu về công nghệ và khi hiểu hết, bạn chọn lui về vì đó không phải là thế giới dành cho mình... Đó mới là những sự lựa chọn, còn chuyện hiểu hay không hiểu công nghệ, không phải là sự lựa chọn.
* Vậy đối tượng bạn đọc mà cuốn sách hướng đến là ai?
- Tôi hy vọng cuốn sách của mình tác động được đến mọi thế hệ vì chính tôi, năm 48 tuổi mới bắt đầu tìm hiểu về công nghệ thì thế hệ tôi hay trẻ hơn, ai cũng có thể đọc. Tuy nhiên, đối tượng độc giả lý tưởng của sách nằm trong độ tuổi từ 14 đến 24. NYM - Tôi của tương lai là cuốn sách mở đầu cho loạt dự án nhằm tác động đến nhận thức về công nghệ, tương lai thế giới nên tôi muốn đối tượng tiếp cận trẻ hơn, từ các bé 4 đến 5 tuổi. Để thực hiện điều này, tôi cộng tác với nghệ sĩ và AI làm album nhạc, sản xuất dự án hoạt hình về nhân vật NYM và lồng vào đó nhiều kiến thức công nghệ...
Tôi muốn góp phần chuẩn bị cho thế hệ mầm non điều kiện tốt hơn để tự tin với những quyết định trong tương lai. Cách đơn giản nhất là khuyến khích các em đọc sách. Tôi và nhóm tình nguyện của mình đã mở được 29 thư viện, quyết tâm từ nay trở về sau mở được ít nhất 2 thư viện/tháng. Chúng tôi tuyển chọn đầu sách, mua và kêu gọi hỗ trợ sách mới để mô hình thư viện thu hút được bạn đọc nhí.
Không nhất thiết phải có những lần ngồi khóc trong sự bất lực
* Những hành động chị đang làm với mục đích để các em tự tin hơn trong tương lai, có phải ý chị là giới trẻ Việt đang tự ti?
- Tôi cho rằng nhiều bạn trẻ tại Việt Nam không những đang tự ti mà còn rất tự ti là đằng khác. Tự ti vì sợ mình không bằng người ta, sợ mình thua kém, sợ mình nói ra lộ sự thiếu hiểu biết. Mọi người vẫn đang sợ hãi mà không ý thức được rằng nỗi sợ đó rất mơ hồ.
Nếu bạn thiếu kiến thức ở đâu, bạn phải bù thật nhanh vào chỗ đó nhưng cách tốt hơn, là những người làm công tác giáo dục phải định hướng cho thế hệ sau ngay từ đầu. Đáng lẽ, những buổi nói chuyện về thế giới, tương lai, công nghệ phải xuất hiện thường xuyên và liên tục trong trường như một tiết học để các em có sự hiểu biết và chuẩn bị dần. Cách làm của mình đang không hợp lý. Để có được suy nghĩ này, tôi đã phải trải qua hai cú sốc trong cuộc đời đầy đau đớn...
|
Những việc chị đang làm đều nhằm mục đích để các em tự tin hơn trong tương lai |
* Và đó là...
- Cú sốc đầu tiên là khi tôi sang Úc du học. Đó là thời điểm tôi nhận ra những thứ mình đã học, biết, đã từng tự hào về bản thân thật ra chẳng là gì. Tôi không giỏi ngôn ngữ, giao tiếp, thiếu kỹ năng sống, kiến thức xã hội, văn hóa, nghệ thuật...
Ngay bến thuyền tại thành phố Sydney, tôi ra ngồi đó khóc vì cảm thấy mình bất lực, khóc cho những gì cảm thấy đáng tự hào về bản thân chỉ như một thứ cát bụi mù mờ. Về sau, tôi nói với rất nhiều bố mẹ rằng, đừng nghĩ kiến thức khoa học sẽ đưa con trẻ trở thành công dân toàn cầu mà chính những hiểu biết về văn hóa, xã hội, kỹ năng mềm... mới là chìa khóa đưa các em đi xa.
Cú sốc thứ hai là khi tôi lên được vị trí giám đốc tập đoàn tài chính, nắm trong tay 100 quốc gia. Tôi được mời đến nhiều hội nghị để nói chuyện. Cho đến cách đây khoảng 5 năm, khi dự nhiều hội thảo, đột nhiên tôi không hiểu điều mà những diễn giả khác nói. Họ bàn về những vấn đề của tương lai, về tiền ảo, về công nghệ AI... Tôi sợ và dần nhận ra, thế giới đã thay đổi sang một môi trường, một tương lai rất khác. Tôi đang dần lạc hậu.
Ngay lập tức, tôi rời tập đoàn, xin làm việc cho một công ty start-up về công nghệ tại Singapore. Tôi không chia sẻ quyết định của mình cho nhiều người vì tôi chắc chắn nếu họ biết, họ sẽ nói tôi “có vấn đề”. Lương của tôi lúc đó trên 30.000 USD/tháng, vị trí tôi đang ngồi là mơ ước của nhiều người nhưng bạn không thể thành người mới nếu cứ làm những công việc cũ.
* Hành trình theo đuổi mục đích sống của chị tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác nhưng so với thời chị, việc “quảy gánh băng đồng ra thế giới” có còn quá khó?
- Tôi là người mang quá nhiều vết thương trong hành trình hội nhập với quốc tế. Tôi chỉ muốn kể để mọi người thấy rằng không nhất thiết phải có những lần ngồi khóc trong sự bất lực như thế. Tôi không tự hào về hành trình đã đi qua của mình, tôi thấy nó kém hiệu quả bởi nếu được xây dựng nền tảng ngay từ trong nhà trường thì có lẽ, tôi đã không tốn quá nhiều thời gian.
Hiện nay, cách chúng ta giáo dục là dạy kiến thức khoa học, dạy về những điều ngoài thân mà chưa chú trọng giáo dục nội tâm bên trong. Trong khi đây là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất hình thành nên một con người. Làm người là làm gì, làm như thế nào và mục đích trong cuộc sống của mỗi người là gì. Nếu không hiểu, không trả lời được thì bạn sẽ không biết mình phải làm gì cả.
|
Nguyễn Phi Vân muốn nhắc lại thông điệp rằng sống trong thời đại của máy, chúng ta phải rất người |
* Mục đích để NYM được sinh ra trên cuộc đời này là tốt nhưng chị có sợ chính mình sẽ tạo ra một thế hệ phụ thuộc vào robot?
- Tôi muốn nhắc lại thông điệp rằng sống trong thời đại của máy, chúng ta phải rất người. Cha mẹ hãy nghĩ về tình yêu thương, sự kết nối nhiều hơn để cho các con được làm người. Câu nói này rất đau vì mình sinh con ra, cho con đến với cuộc đời nhưng không cho con được làm người. Có cha mẹ bắt con mình học từ sáng tới đêm không khác robot, bắt con làm những thứ cha mẹ muốn mà không quan tâm đến thứ con thích. Đến một ngày, mọi người quay lại hỏi vì sao chúng ta có những thế hệ người trẻ hoang mang. Là tại vì như thế đó!
Mảng tối thẳm sâu
* Nhiều người nhìn chị với ánh mắt ngưỡng mộ về hành trình đã qua và những điều chị đang làm nhưng hẳn không ai không có riêng những mảng tối thẳm sâu?
- Tôi có một đứa con gái năm nay 17 tuổi, bạn ấy không giống như bạn bè đồng trang lứa, không thể hòa nhập vào môi trường lớp học bình thường. Bạn yêu nghệ thuật, thích sáng tạo và nói những câu chuyện về tương lai. Đó là một thử thách rất lớn dành cho tôi khi nhận ra con mình khác biệt.
Khác biệt mang lại sự cô đơn vì người ta không hiểu mình. Khác biệt khiến bạn bị cô lập vì mình không giống người khác. Khác biệt dễ gây ra chứng trầm cảm vì mình không thể chia sẻ với ai. Tôi dành rất nhiều thời gian cho con gái của mình để lắng nghe, làm bạn. Con có thể coi tôi là một người bạn nhưng không thể xem những bạn cùng tuổi khác là bạn.
Phụ nữ giỏi thường khiến đàn ông sợ, điều đó có thể đúng nhưng không hợp thời. Tôi cần một người có thể ngồi xuống uống với tôi ly cà phê, ngắm phố xá, nhìn một cành hoa và có khi không cần nói gì cả, chỉ cảm nhận. Những điều này tìm kiếm đâu ra? Điều tôi muốn nói đến ở đây là khác biệt giữa thứ hiện hữu và điều mơ hồ.
Nếu tôi nói tôi muốn mua một chiếc xe thì rất dễ, chỉ cần có được bao nhiêu tiền đó họ sẽ đáp ứng được nhưng khi tôi nói tôi không cần gì cả, chỉ cần lặng im và cảm nhận thì ai biết tìm điều đó ở đâu?
Tác giả Nguyễn Phi Vân
|
Nếu tôi nói chuyện này với những phụ huynh đang bắt con mình học từ sáng tới tối, sẽ rất khó để họ hiểu được tại sao tôi lại để con mình học và làm những thứ không giống ai. Con đang học lớp 11 nhưng nghỉ một năm để theo tôi làm việc. Ai hiểu được quyết định này của con tôi? Gia đình tôi không bình thường, tôi không bình thường và con tôi cũng thế. Tôi áp lực khi nhiều người nhìn vào và nói chúng tôi lạ lùng. Nhưng tôi là người tin vào tương lai, tin vào sự khác biệt và tin khi được sống là chính mình, ta sẽ có được sức mạnh vô biên nên cần bảo vệ sự khác
biệt đó.
* Con chị có chị bên cạnh, còn Phi Vân ngày trước, bên cạnh có ai?
- Nếu sống ở phương Tây, có lẽ hành trình được sống là chính mình không khó khăn nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên dành cho Việt Nam nhiều tình cảm. Tôi chẳng thể lý giải được. Con tôi có tôi, đó có thể là may mắn của con còn tôi ngày trước, khi người lớn phải lo cho miếng ăn hằng ngày, chẳng ai có thời gian để quan tâm xem con mình thật sự mong muốn điều gì.
Ngoài chuyện con cái, một mảng tối khác của tôi là khi làm những công việc cộng đồng, bày tỏ ý kiến cá nhân, mọi người hồ nghi về nó. Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao mình phải như thế. Tôi cũng là con người, cũng có lúc chới với, buồn bã nhưng mọi cảm xúc tiêu cực rồi cũng qua đi vì tôi biết mục đích mình tồn tại là gì. Tôi muốn làm giáo dục nên dù có những cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, nếu nằm ngoài mục tiêu ban đầu, tôi sẽ không nhận.
Tôi hay dùng từ “đã” cho những việc mình làm. Tôi muốn một lần được sống thật đã trên cuộc đời này, sống đúng giá trị mình mong muốn. Tôi hay nói với những bạn trẻ rằng tôi không sợ chết vì những gì tôi đã làm cho đến giờ phút này đều là những điều tôi muốn.
Diễm Mi (thực hiện)