Đại Điền là một ngục tù
* Phóng viên: Không gian Đại Điền có được gọi là một chiếc lồng giam?
- Tác giả Kim: Chính xác là như ngục tù, nếu nhìn vào những số phận quanh quẩn trong đó. Như tôi đã tỏ bày bằng góc nhìn của Tuyết Mai, khi cô ấy nhìn khu nhà Hội đồng Lịnh: “Ngôi nhà này, giống như một cái ngục tối, nuốt hết sinh khí thanh xuân của người bước vào”.
Theo góc nhìn của Tuyết Mai, một nhân vật khá tân thời, đại diện cho sự đổi mới, thì nhà Hội đồng Lịnh giống như “nhà tù” của tư tưởng phong kiến với những tập tục hà khắc, càng ngày càng mục ruỗng, u ám, đen tối.
|
Tác giả Kim ký sách tặng bạn đọc tại sự kiện ra tiểu thuyết Mẹ chồng |
* Có phải trong suy nghĩ của chị khi viết thì người phụ nữ cũng không được phép thể hiện tình cảm của mình?
- Những áp chế của tư tưởng phong kiến dù không hiện hữu cũng đã ăn vào máu từng người, chi phối suy nghĩ và hành vi của họ. Nó như cái vòng kim cô đội lên đầu người phụ nữ. Và vì thế, họ đã tự mình trói buộc, từ chối biểu hiện ra bên ngoài.
* Toàn bộ tác phẩm của chị hoàn toàn không có điểm sáng, cuối con đường chỉ là vực thẳm kể cả hai nhân vật phản kháng là Tuyết Mai và cậu Ba cũng không có hoặc không thấy được cái kết tốt đẹp.
- Tôi nghĩ tư tưởng phong kiến phải suy tàn, phải chết đi như cách kết thúc của gia đình Hội đồng Lịnh, cho nên nó sẽ không có ánh sáng cuối đường hầm. Sự xuất hiện của Tuyết Mai và cậu Ba giống như một thứ ánh sáng nhưng chỉ là chớm nở, non nớt và họ phải hy sinh để đánh thức một giá trị mới.
|
Từ trái qua: diễn viên Ái Châu - Cát Phượng, đạo diễn/diễn viên Bá Cường, tác giả Kim, đạo diễn/diễn viên Huỳnh Đông, biên kịch Totochan |
Ba Trân không tranh giành quyền lực mà là khẳng định giá trị mình
* Điều gì cho thấy Tuyết Mai là một nhân vật cách tân, đổi mới, khi cô ấy cũng sẵn sàng đánh đổi để gả mình cho một người chồng ngờ nghệch và tự đưa mình vào chiếc lồng giam của gia đình Hội đồng Lịnh?
- Tuyết Mai rất khác các nhân vật còn lại, dám phản kháng từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, bảo vệ đứa con mình một cách quyết liệt. Biết đúng - biết sai. Cô thấy nhà Hội đồng Lịnh đang mục ruỗng và nuốt hết sinh khí của những người bước vào đó. Đó phải là tư tưởng của một người hiện đại thì mới nhìn thấy những điều ấy.
Số phận, quyết định và bi kịch của Tuyết Mai phần lớn do bị bó buộc bởi điều kiện xã hội ở thời điểm cô sinh sống, ở buổi giao thời, tranh tối tranh sáng của chế độ phong kiến và chế độ phong kiến nửa thuộc địa. Tuyết Mai cũng như những phụ nữ khác có thoát ra khỏi tư tưởng phong kiến thì cũng chưa thể làm chủ số phận mình mà vẫn phải chịu sự đẩy đưa của xã hội.
* Nhân vật Ba Trân khi bước lên vị trí cao nhất, có quyền lực nhất của Đại Điền không phải mục đích của cuộc đời cô ấy?
- Đúng! Quyền lực không phải là thứ mà Ba Trân hay những người phụ nữ khác cố gắng đạt được, mà mục đích cuộc đời của Ba Trân cũng như bà Hai Lịnh hay những phụ nữ khác trong xã hội ấy chính là khẳng định được giá trị của người phụ nữ trong xã hội. Quyền lực chỉ là lớp áo bên ngoài của thứ gọi là giá trị.
Sự đau đớn nhất của những người phụ nữ xưa là họ không thể tự khẳng định được giá trị của bản thân khi họ không có con trai.
Khi còn ở với cha mẹ, thì dù họ có thông minh, ngoan ngoãn, được việc thì họ cũng như “những chiếc lá mai mùa xuân cần trút bỏ”; khi lấy chồng, nếu không đẻ được con trai thì họ cũng không khác gì tôi tớ trong nhà, chỉ là một cái tên để gọi, để sai bảo.
Trả lời trong buổi họp báo ra mắt sách tại đường sách, diễn viên Thanh Hằng đã chia sẻ, cô đóng vai trò là một giám đốc dự án, một người “đỡ đầu” cho các dự án mới. Tiểu thuyết Mẹ chồng cũng chỉ là một trong các dự án mà cô đã và sẽ cộng tác cùng các tác giả trên nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ gói gọn trong văn học. |
Đây cũng chính là bi kịch của Ba Trân, ngay cả khi cô có tất cả, một tay quán xuyến việc lớn việc nhỏ ở Đại Điền, sắp bày mọi việc và sanh cho nhà chồng một đứa con trai nhưng cô ấy vẫn cảm thấy mình không có giá trị. Cô đã sinh ra một đứa con trai khiếm khuyết nên không thể được coi là đã hoàn thành sứ mệnh phụng sự nhà chồng. Ba Trân cũng tự thấy bản thân mình không có giá trị.
Cô gần như tuyệt vọng và điên cuồng tìm mọi cách để sắp bày hôn nhân, tìm vợ cho Hai Phước hòng mong vợ Hai Phước sẽ đẻ một đứa con trai lành lặn, hoàn hảo (về thể chất) để nối dõi là khi cô ấy cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh phụng sự nhà chồng và là một người phụ nữ có giá trị.
Tôi nghĩ nhiều người sẽ nhầm giữa việc tranh giành quyền lực và việc tự khẳng định giá trị trong hình tượng nhân vật Ba Trân.
|
Tác giả tiểu thuyết Mẹ chồng giao lưu tại sự kiện ra mắt sách |
Tư tưởng chật hẹp với những định kiến như sự vô minh bao trùm
* Không gian tâm linh được phủ khá dày trong câu chuyện, nhưng nó chủ yếu là tà đạo với thế giới bùa ngải hay những trò mê tín dị đoan? Tại sao không phải là một đức tin của tôn giáo chính đạo, ví dụ như việc đi chùa thờ Phật?
- Cảm ơn bạn vì câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ nếu có đức tin, các nhân vật đã có con đường, có ánh sáng của lòng thiện mà không bị sự vô minh dẫn dắt. Tư tưởng chật hẹp với những định kiến như sự vô minh bao trùm lên suy nghĩ và hành động con người trong xã hội phong kiến, không lý lẽ trái - phải, hoặc có chăng cũng chỉ tuân theo nguyên tắc trái phải của chính những định kiến ấy mà thôi.
Chính vì vậy tôi chọn không gian tâm linh là bùa ngải và những trò mê tín dị đoan dẫn lối con người ta. Điều đó cũng thể hiện sự bất lực của con người; cũng thể hiện não trạng văn hóa của khu vực Tây Nam bộ theo bối cảnh lịch sử của câu chuyện - những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Lúc này, tà thuật dị đoan khá phổ biến ở miền Tây Nam bộ, yếu tố tâm linh, bùa ngải là không gian đặc thù của văn hóa miền Tây những năm tháng đó. Do vậy, thời Chúa Nguyễn khai khẩn đã có riêng một bộ hình để khai trừ thầy pháp. Tôi theo không gian văn hóa đó để xây dựng bầu không khí tâm linh, theo đúng lịch sử khi đó.
* Tôi mong chờ tiểu thuyết sẽ khác bản điện ảnh ở cái chết của Bảy Loan, tôi đánh giá nỗi nhục cậu Ba mang lại nó không thể lớn hơn tình cảm mẹ dành cho con?
- Tôi nghĩ là vì bạn nhìn vấn đề đó bằng tư duy, góc nhìn và cảm xúc của thời đại mới. Tuy nhiên vấn đề này trong xã hội phong kiến lại rất khác. Khi mà tất cả những con người xã hội nói chung và người phụ nữ nói riêng đều bị ràng buộc bởi tư tưởng, định kiến và những tập tục hà khắc nhiều hơn tình cảm đơn thuần. Sự hà khắc của định kiến và những tập tục, khiến con người cũng chọn những hành vi ứng xử khắc nghiệt hơn.
Việc tuẫn tiết đối với Bảy Loan mà nói nó còn là sự bất lực của cô ấy khi mắc kẹt trong sự áp chế của tư tưởng phụng sự nhà chồng.
* Vì sao, cuối cùng tác giả lại cho bà Hai Lịnh thốt lên lời xin lỗi trước lúc lâm chung, việc này có vẻ ủy mị và thật khiên cưỡng với bà Hai Lịnh, một người đàn bà quyền lực, cực đoan và bảo thủ?
- Lúc này, tôi đang dùng quan điểm, góc nhìn và sự đòi hỏi của một phụ nữ hiện đại với “triều đại tư tưởng phong kiến”. Và tôi thấy, triều đại ấy và kể cả những người phụng sự tư tưởng phong kiến, đều nợ những người phụ nữ trong xã hội ấy một lời xin lỗi. Cái sai phải xin lỗi cái đúng, cái xấu phải xin lỗi điều tốt đẹp. Sự văn minh của con người đôi khi chỉ cần một lời xin lỗi và cảm ơn.
Tôi rất thích bộ phim Thu Cúc đi kiện của Trương Nghệ Mưu cũng vì điều này. Bà Thu Cúc làm mọi chuyện, đi một hành trình kiện cáo dài đằng đẵng cũng chỉ cần một lời xin lỗi.
* Xin chân thành cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Tác giả Kim sinh năm 1975, tại Thái Nguyên. Chị nhận bằng cử nhân báo chí năm 1997 và có 12 năm làm phóng viên, biên tập viên tại nhiều báo. Năm 2009, chị chuyển hướng, theo học khoa đạo diễn Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM, tốt nghiệp năm 2012. Chị là biên kịch của các phim: Lô tô, Mẹ chồng, Hạnh phúc của mẹ, Quỳnh hoa nhất dạ (đều đồng biên kịch với biên kịch Ngọc Bích - Totochan). Năm 2019, chị nhận giải thưởng Cánh diều vàng ở hạng mục Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh với phim Hạnh phúc của mẹ. |
Nguyễn Hà (thực hiện)