Tác giả kịch bản "Người ven đô" qua đời

29/07/2023 - 12:38

PNO - Thông tin từ Hội Sân khấu TPHCM cho biết, nhà văn - đại tá Minh Khoa, tác giả của những kịch bản sân khấu nổi tiếng như "Người ven đô", "Người không cô đơn"…, sau thời gian điều trị bệnh đã ra đi vào lúc 19g20 ngày 28/7, thọ 96 tuổi.

Nhà văn - đại tá Minh Khoa tên thật là Đặng Quang Hổ, sinh năm 1928 tại Sài Gòn, thuộc lớp cán bộ tiền khởi nghĩa và được trui rèn trong môi trường cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ cao trong quân đội.

Đại tá Minh Khoa
Đại tá Minh Khoa khi nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007

Duyên nghiệp với văn chương của ông bắt đầu từ truyện ngắn Kéo cày đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1958. Từ đây, ông cũng lấy bút danh là Minh Khoa - tên người con trai mới sinh đang ở miền Nam.

Nhiều tác phẩm của ông đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Nam và in thành sách, như: Cho máu chảy vào tim (1962), Lá thư chưa kịp gởi, Người lái xe tòng quân (1963), Không rời đồng đội (truyện ngắn, giải Nhất Văn nghệ miền Đông - 1964), Một viên đạn một quân thù (1965), Con người thép trong lửa đạn (1967), Làn sóng điện kỳ diệu, Người chị xóm nhỏ, Cô gái quân nhu vùng hậu địch, Ông lão lái đò trên sông Sài Gòn, Người thợ rừng, Ông lão trồng mai (1968), Chú bé Cả Xên (1972)…

Và nhắc đến Minh Khoa, những người yêu sân khấu không thể nào quên được tác phẩm kinh điển Người ven đô cả trên sân khấu kịch nói lẫn cải lương. Ít ai biết rằng vở diễn chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 3/2/1975 của Đoàn kịch nói Nam bộ này lại được hình thành từ tập bản thảo viết tay trong quyển vở học trò, được tác giả Minh Khoa mang từ chiến trường miền Nam ra Bắc năm 1972. Vở diễn có tên ban đầu là Trận tuyến ven đô.

Người ven đô là vở cải lương kinh điển
Các vai diễn trong vở cải lương Người ven đô đã trở thành chuẩn mực cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ học hỏi. Trong ảnh: Nghệ sĩ Thanh Toàn đã đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang với vai Tám Khỏe, trích đoạn Người ven đô.

Lúc sinh thời, tác giả Minh Khoa từng chia sẻ 1 kỷ niệm hy hữu, khi 1 tác giả đàn anh đã tìm đến “xin bớt 1 nhân vật”, vì tuyến nhân vật Tám Khỏe hay Bảy Đờn đều đủ để xây dựng riêng 1 kịch bản dài - sử dụng đến 2 “đầu lĩnh” trong 1 trận đánh là lãng phí. Và ông đã khuyên người đàn anh này nên vào Nam một chuyến, vì còn nhiều Tám Khỏe với Bảy Đờn lắm…

NSƯT Hồng Dung - người gắn bó nhiều với gia đình nhà văn Minh Khoa - cho biết, chính thực tiễn đời sống của 1 người lính lăn lộn tại mặt trận, gắn bó với nhân dân vùng ven Sài Gòn đã giúp ngòi bút Minh Khoa chân thực và sống động trong nhiều tác phẩm viết về cuộc sống và chiến đấu của người dân vùng ven. Mà tiêu biểu là những kịch bản: Người ven đô, Người không cô đơn, Mẹ và những đứa con

“Ngoài ra, với tính kỷ luật của quân nhân, khi về công tác tại Hội Sân khấu TPHCM - ông từng là phó chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TPHCM và là tổng biên tập đầu tiên của Báo Sân khấu TPHCM, ông đã góp phần thúc đẩy hoạt động Hội, tạo nên giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, nổi bật nhất của Hội Sân khấu TPHCM trong nền văn học nghệ thuật TPHCM lúc bấy giờ” - NSƯT Hồng Dung cho biết.

Khi đã về hưu,
Khi đã về hưu, sức khỏe suy giảm, nhà văn - đại tá Minh Khoa vẫn tiếp tục viết và ra sách - Ảnh: Thanh Hiệp

Sau khi về hưu (năm 1995), dù nhiều bệnh, nhà văn - đại tá Minh Khoa vẫn tiếp tục viết về các tấm gương anh hùng như: Theo dấu chân Võ Văn Tần Hồ Huấn Nghiệp, Bài ca Hắc Hải (về bác Tôn Đức Thắng)… Các tác phẩm này được in trong tập sách Hào kiệt đêm thế kỷ của ông.

Năm 2007, nhà văn - đại tá Minh Khoa được trao giải thưởng Nhà nước tôn vinh những cống hiến của ông cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI