Tác giả cải lương Phạm Văn Đằng: “Tôi đã kiên trì đi từng bước”

01/12/2022 - 06:21

PNO - Tập tành sáng tác ca cổ khi còn là sinh viên, sau gần 20 năm, chưa bao giờ cái tên Phạm Văn Đằng phủ sóng nhiều đến thế.

Các tác phẩm của anh đã hiện diện ở những cuộc thi Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, giải thưởng Trần Hữu Trang, và mới nhất là Liên hoan Cải lương toàn quốc. Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với tác giả Phạm Văn Đằng về chặng đường theo đuổi đam mê của anh sau gần 2 thập kỷ.

Phóng viên: Được biết anh tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ, cơ duyên nào đưa đẩy để anh trở thành tác giả cải lương?

Tác giả Phạm Văn Đằng: Thực ra ban đầu tôi muốn làm nghệ sĩ cải lương. Học xong cấp III, tôi đăng ký thi 2 trường là Khoa Ngữ văn Anh của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM và Khoa Kịch hát dân tộc của Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM (nay là đại học). Năm đó, dù chú tâm ôn tập ca diễn nhưng tôi vẫn rớt. Bên nhân văn, cũng không như ý định ban đầu mà chuyển sang học song ngữ Nga - Anh. 

Giấc mộng làm nghệ sĩ tưởng đã lùi xa thì đến năm thứ 2, được gặp các sinh viên sân khấu sang biểu diễn, tôi lại thấy nôn nao. 1 người quen là anh  Đồng Thanh Phong động viên tôi đi thi lại để sống với đam mê. Lần thi này cũng lại rớt, nhưng mê quá nên xin học dự thính.

Ban đầu thích lắm, thậm chí tôi bỏ luôn việc học chính thức để tập trung học làm nghệ sĩ. Nhưng đến năm 2, tôi nhận ra mình không có năng khiếu, chỉ đam mê thôi là chưa đủ, nên lại bỏ học. Tôi luyện thi đại học trở lại, cuối cùng an phận học tiếng Nhật ở Khoa Châu Á - Thái Bình Dương Đại học Hồng Bàng. 

Soạn giả Hoàng Song Việt: “Liên hoan Cải lương toàn quốc vừa qua xuất hiện 2 cái tên tác giả trẻ là Phạm Văn Đằng và Lâm Hữu Tặng, là 1 tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên vẫn là quá ít cho thực trạng hụt hẫng lực lượng tác giả cải lương hiện nay. Lực lượng sáng tác vẫn có đó, nhưng không dễ phát triển khi không phải ai cũng mạnh dạn chọn đấy là nghề, và kiên trì đeo bám dù khó khăn bủa vây như Phạm Văn Đằng đã làm nhiều năm qua…”.

Nhưng có lẽ là duyên nghiệp rồi thì chạy cũng không khỏi. 1 lần nữa, anh Đồng Thanh Phong lại giới thiệu tôi viết bài ca cổ cho chị Võ Tử Uyên (biên tập viên Đài Truyền hình TPHCM - HTV). Trong 2 năm dự thính, tôi cũng bộc lộ chút khả năng viết lách. Thầy cô thường bắt sinh viên viết tiểu phẩm để tập. Các tiểu phẩm tôi viết ra thường đạt yêu cầu, không cần chỉnh sửa. Các bạn cũng thường nhờ mình viết bài thi học phần ca cổ và được thầy cô khen.

Tôi còn nhớ, đó là năm 2005, đang học quân sự thì chị Võ Tử Uyên gọi đặt viết bài về cây thanh long ở Ninh Thuận. Tôi về viết liền bài Mùa thanh long. Lúc quay hình cũng được mời lên đài xem. Bài do nghệ sĩ Quốc Kiệt (nay là Giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) và NSƯT Thy Trang ca. Tôi vui đến quên ăn. Từ đó, tôi tiếp tục được giới thiệu cộng tác với nhiều đài địa phương. Nghệ sĩ biết đến nhiều hơn, các đơn đặt hàng bài ca cũng dần đến. Tôi nghĩ mình không thể trở thành nghệ sĩ được, nhưng 1 cánh cửa khác lại mở ra để mình gắn bó với môn nghệ thuật mà mình đam mê.

Vở Sống mãi với non sông (nhà hát Tây Đô), do Phạm Văn Đằng viết kịch bản, đạt huy chương bạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021
Vở Sống mãi với non sông (nhà hát Tây Đô), do Phạm Văn Đằng viết kịch bản, đạt huy chương bạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021

* Nhưng từ 1 cây bút viết bài ca cổ trở thành 1 tác giả viết tuồng hẳn là không đơn giản?

- Đúng vậy, rất khó khăn. Năm 2007, Hãng phim Bình Minh đặt hàng tôi viết kịch bản quay hình đầu tiên là Giọt máu chung tình. Trước chỉ viết bài ca lẻ, giờ triển khai thành tuồng dài, tôi phải mày mò nhiều. Cốt truyện còn là tích Ấn Độ nên tôi phải tìm hiểu, đọc nhiều sách về Ấn Độ. Cũng khá lâu tôi mới hoàn thành, nhưng được duyệt quay ngay với ê kíp rất mạnh là các NSƯT Phượng Loan, Hữu Quốc, Trọng Phúc, Lê Hồng Thắm… Tôi còn được đặt hàng thêm vài vở nữa, đã thu tiếng xong thì hãng phim giải thể, không thể thực hiện được.

Năm 2008, Hãng phim Tây Đô - Cần Thơ cần tuồng phát tết, anh Đồng Thanh Phong lại giới thiệu và tôi viết vở Mùa xuân trong mắt em. Cố đạo diễn Hữu Lộc dàn dựng đã có lời khen: “Mày viết khá đó, cố gắng đi con!”. Rồi cơ hội làm chương trình “Hòa điệu đất chín rồng” cho VTV Cần Thơ, được làm việc với soạn giả Hoàng Song Việt - cố vấn chương trình. Được sự động viên, hướng dẫn của người đi trước như cố đạo diễn Hữu Lộc, soạn giả Hoàng Song Việt đã giúp tôi tiến bộ nhiều.

Qua 17 năm, Phạm Văn Đằng sở hữu “gia tài đồ sộ” hàng trăm bài ca cổ và rất nhiều kịch bản được quay hình phát sóng, như: Giọt máu chung tình, Lửa hận thâm cung, Chuyện tình chưa đoạn kết, Suối nguồn, Trọn lời ước nguyện...

Riêng năm 2022, Phạm Văn Đằng được tôn vinh là “Tác giả có nhiều đóng góp” tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang với nhiều tiết mục cho các thí sinh, như: Nỗi lòng Ai Quận Vương (thí sinh Nhật Nguyên), Quả báo trả vay (Kim Phụng), Bi kịch (Cao Thúy Vy), Liệt nữ anh thư (Phương Cẩm Ngọc), Oan khuất (Hải Long)… Đặc biệt, lần đầu tiên, Phạm Văn Đằng tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc với 3 kịch bản là: Sống mãi với non sông về nhà cách mạng Châu Văn Liêm (nhà hát Tây Đô), Chân dung người mở cõi về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (chuyển thể từ kịch bản của Phạm Dũng, Công ty Biểu diễn We) và Câu hò đất mẹ về vợ chồng người cộng sản kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong (chuyển thể từ kịch bản của tác giả Nguyễn Thanh Bình, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang).

Việc viết bài ca lẻ đến phát triển thành kịch bản truyền hình, rồi sáng tác 1 kịch bản dàn dựng sân khấu là rất khác nhau. Cơ hội để những sáng tác của tác giả trẻ được chấp nhận và thành hình lại càng khó. Tôi cũng đã kiên trì đi từng bước suốt 17 năm qua để có được thành quả nho nhỏ hôm nay.

* Đâu là bước ngoặt để anh thực sự tự tin ở vai trò 1 tác giả cải lương?

- Đầu tiên có lẽ là những cơ hội được tham gia cùng soạn giả Hoàng Song Việt, chuyển thể những tác phẩm lớn như Đường đua trong bóng tối (kịch bản: Nguyễn Đăng Chương), hay đặc biệt là Thầy Ba Đợi (kịch bản: phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ) nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.

Đến năm 2020, thì đồng loạt những kịch bản tôi viết và chuyển thể được dàn dựng, là: Nguyễn Hữu Cảnh (kịch bản: Phạm Dũng) - vở tốt nghiệp đạo diễn của nghệ sĩ Minh Trường, Lê Công kỳ án (kịch bản: NSƯT Hữu Danh) - vở tốt nghiệp đạo diễn của NSƯT Mỹ Hằng; Đất thiêng - vở tốt nghiệp đạo diễn của nghệ sĩ Ngọc Thanh (Tiền Giang) và Chuyện của Dung (kịch bản: NSND Triệu Trung Kiên) - tác phẩm của Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An dự Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân. Theo sát các quá trình dựng vở rất chuyên nghiệp, lại được các đạo diễn có nghề cố vấn, tôi học hỏi được nhiều điều, cảm thấy tay nghề của mình được nâng lên và cũng tự tin hơn.

Vở Câu hò đất mẹ, Phạm Văn Đằng chuyển thể từ kịch bản cùng tên của tác giả Nguyễn Thanh Bình, gây ấn tượng với khán giả tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2021.
Vở Câu hò đất mẹ, Phạm Văn Đằng chuyển thể từ kịch bản cùng tên của tác giả Nguyễn Thanh Bình, gây ấn tượng với khán giả tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2021.

* Qua 2 mùa giải Trần Hữu Trang 2020, 2022 và cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc 2020, anh nổi lên là 1 tác giả năng động và sung sức khi viết hàng loạt tiết mục mới cho nhiều nghệ sĩ dự thi, chủ yếu là các nhân vật lịch sử. Hoạt động với cường độ cao như vậy, anh có sợ lặp lại chính mình?

- Tôi có thói quen xong 1 tác phẩm là buông ngay, không nghĩ ngợi nữa nên cũng không sợ ảnh hưởng đến tác phẩm sau. Tuy nhiên, các tiết mục thời gian qua chủ yếu khai thác được các nhân vật lịch sử khá mới lạ với khán giả hôm nay và các câu chuyện nhiều kịch tính, nhưng lại phần nào đó thiếu chất trữ tình khi quá tham các thông tin lịch sử. Tôi nhận được góp ý và cũng ý thức cần khắc phục để nâng cao chất lượng sáng tác.

Tôi ngày càng tâm đắc với đề tài lịch sử dù rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức. Như vở Lê Công kỳ án viết tới 2 năm, và phải chỉnh sửa đến phiên bản thứ 8 mới có được bản dựng sân khấu hoàn chỉnh cho bài tốt nghiệp của NSƯT Mỹ Hằng.

* Anh có lời khuyên gì cho các tác giả cải lương trẻ?

- Cần phải khẳng định rằng hiện nay vẫn có nhiều tác giả viết vọng cổ, và không ít cây bút trẻ năng động. Nhưng cơ hội để phát triển thành tác giả viết tuồng chuyên nghiệp thì không dễ. Sàn diễn cải lương - cả sân khấu lẫn truyền hình - ngày càng thu hẹp, nhu cầu kịch bản dựng vở của các đơn vị ngày càng ít, nên cũng ưu tiên cho các tác giả quen. Vì thế, phần lớn các bạn vẫn viết vì đam mê, nhưng chỉ có thể xem đây như nghề tay trái. Tôi hy vọng các bạn giữ vững đam mê và may mắn gặp cơ hội để học hỏi và phát triển. Đó là con đường tôi đã đi qua.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh. 

Ninh Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI