"Tắc" đường lưu thông hàng hóa vì... danh mục hàng thiết yếu

28/07/2021 - 07:06

PNO - Việc thiếu quy định cụ thể thế nào là “hàng hóa thiết yếu” đang làm nảy sinh hàng loạt vấn đề trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Việc thiếu quy định cụ thể thế nào là “hàng hóa thiết yếu” đang làm nảy sinh hàng loạt vấn đề trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đang có cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Mỗi nơi hiểu mỗi cách

Một số người dân, người vận chuyển hàng hóa (shipper) đã bị phạt tiền hàng triệu đồng vì chở hàng không phải là “hàng hóa thiết yếu” gần đây gây lo ngại cho nhiều người. Nhiều shipper tại TP.HCM chuyển hàng trong những ngày này còn chia sẻ nhau cách đối phó là luôn thủ theo bó rau để qua các chốt vì… đó là mặt hàng thiết yếu rõ ràng nhất.

Việc hiểu và áp dụng khác nhau về “hàng hóa thiết yếu” của các tỉnh, thành khiến tình hình vận chuyển, cung ứng hàng hóa, thực phẩm gặp khó khăn lớn (ảnh sản xuất, chế biến trứng gia cầm ở Công ty Ba Huân) - ẢNH: THANH HOA
Việc hiểu và áp dụng khác nhau về “hàng hóa thiết yếu” của các tỉnh, thành khiến tình hình vận chuyển, cung ứng hàng hóa, thực phẩm gặp khó khăn lớn (ảnh sản xuất, chế biến trứng gia cầm ở Công ty Ba Huân) - Ảnh: Thanh Hoa

Việc triển khai đăng ký phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải hiện cũng đang gặp tình trạng ùn tắc do chưa thống nhất khái niệm về “hàng hóa thiết yếu”. Nhiều ý kiến cho rằng do chưa có danh mục cụ thể về các mặt hàng thiết yếu nên quy trình cấp thẻ mất khá nhiều thời gian.

Đại diện một số hiệp hội ngành hàng cho biết, tình trạng hạn chế đi lại của các địa phương đã khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). 
Một số DN đưa ra dẫn chứng như đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được vận chuyển đến đại lý bán hàng. Trong khi đó, đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2 - 3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông, tiêu thụ sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của DN. Hay, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các DN sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.

Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào quy định các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách, thực hiện Chỉ thị 16. 
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải phối hợp, thống nhất và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” cho người dân và cả lực lượng thực thi công vụ hiểu đúng, hiểu rõ để tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu, xử phạt tùy tiện gây khó khăn cho người dân, DN. 

Các địa phương cần chủ động

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - cho rằng: “Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, mỗi địa phương nên căn cứ vào văn bản luật làm cơ sở, ra văn bản quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với tình hình của từng địa phương. Trong hoàn cảnh bình thường thì danh mục hàng thiết yếu sẽ rộng hơn, nhiều hơn; còn trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp thì phải hạn chế danh mục hàng thiết yếu. Kể cả nhu cầu của mỗi gia đình, cá nhân trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay cũng nên hạn chế, chỉ tập trung vào những nhu yếu phẩm thực sự cần thiết để cùng với Nhà nước phòng, chống dịch COVID-19”. 

Mới đây, Bộ Công Thương đã gửi công văn hướng dẫn về “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị các đơn vị này tham khảo một số văn bản liên quan trong quá trình đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (nếu cần thiết). Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, điều 4, Luật Giá năm 2012: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.

Theo Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-l9 thì: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bao gồm: lương thực; thực phẩm; dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu… các dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ DN (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…); chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa; khám - chữa bệnh; tang lễ…”. 
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều địa phương ban hành danh mục “hàng hóa thiết yếu”. Chỉ có một số Sở Công Thương các tỉnh Đồng Nai, Bạc Liêu… đã có hướng dẫn về danh mục hàng hóa thiết yếu cụ thể, chi tiết theo từng nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các loại phụ gia, nhu yếu phẩm… 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI